Huyện Điện Biên kiểm soát dịch tả lợn châu Phi

06:31 - Thứ Bảy, 24/08/2024 Lượt xem: 3875 In bài viết

ĐBP - Từ tháng 4 đến nay, tình hình dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn huyện Điện Biên có diễn biến phức tạp, lây lan ra diện rộng, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Ngày 14/8, huyện Điện Biên đã công bố DTLCP trên địa bàn huyện; quyết liệt triển khai các biện pháp nhằm sớm khống chế bệnh dịch, khôi phục chăn nuôi.

Thanh Luông là xã đầu tiên của huyện Điện Biên ghi nhận bùng phát DTLCP. Theo đó, ngày 20/4, tại thôn Thanh Bình B phát hiện trường hợp lợn chết vì DTLCP tại gia đình chị Nguyễn Thị Nhạn. Gia đình chị Nhạn có 10 con lợn bị chết, trong đó 8 con lợn thịt chuẩn bị xuất chuồng, mỗi con khoảng 90kg và 2 con lợn nái sắp đẻ. Tổng thiệt hại khoảng 60 triệu đồng. Ngay sau khi có lợn chết, gia đình đã báo với chính quyền địa phương để tiến hành kiểm tra, tiêu hủy lợn bệnh theo hướng dẫn của cán bộ thú y; đồng thời tách lợn khỏe nhốt riêng và mua vắc xin tiêm phòng.

Lợn nái của một hộ dân xã Thanh Luông mắc DTLCP.

Ngay sau khi dịch bệnh xuất hiện tại thôn Thanh Bình B, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã tăng cường biện pháp khoanh vùng, dập dịch, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng, chống DTLCP. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã lây lan sang 10/18 thôn, bản trên địa bàn xã Thanh Luông, với tổng số lợn phải tiêu hủy hơn 8 tấn, ước tính thiệt hại về kinh tế hàng trăm triệu đồng. Chính quyền xã đã quyết liệt chỉ đạo cán bộ chuyên môn và các hộ chăn nuôi triển khai phun tiêu độc khử trùng; kịp thời tách đàn để giảm thiệt hại, cũng như nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch, tránh để dịch lan rộng.

Ông Phạm Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên cho biết: Từ khi bùng phát DTLCP tại xã Thanh Luông, đến nay đã có 136 hộ ở 51 thôn, bản của 10 xã xuất hiện DTLCP, làm chết 525 con lợn với trọng lượng gần 28,5 tấn, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi và ảnh hưởng đến tổng đàn vật nuôi trên địa bàn huyện. Hiện nay, tình hình dịch bệnh tiếp tục có chiều hướng lây lan mạnh trên diện rộng, chưa có xu hướng giảm, đặc biệt tại các xã vùng lòng chảo. Để hạn chế lây lan dịch bệnh trên diện rộng và tăng cường sự vào cuộc của cơ quan, tổ chức, cá nhân, huyện Điện Biên đã công bố DTLCP trên địa bàn.

Xã Thanh Hưng bị thiệt hại nặng nhất do DTLCP, với hơn 10 tấn lợn phải tiêu hủy.

Nguyên nhân DTLCP bùng phát, lây lan do một số xã chưa thực sự quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh; chưa có sự phối hợp nhịp nhàng về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là ở cơ sở. Tình trạng vận chuyển, mua bán lợn tại các vùng đã công bố dịch vẫn diễn ra, chưa được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Nhiều hộ nuôi lợn tâm lý lo lợn chết, thiệt hại kinh tế nên tranh thủ bán lợn với giá rẻ để thu hồi vốn. Một số hộ chăn nuôi chưa đảm bảo các điều kiện chăn nuôi an toàn, chưa tuân thủ việc khai báo theo quy định mà tự xử lý dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh.

Hiện tại một số xã như: Thanh Chăn, Thanh Xương, Thanh An, Hua Thanh đã qua 21 ngày không có lợn chết do mắc DTLCP. Tuy nhiên số lượng lợn trên địa bàn huyện lớn (50.662 con); trong khi đó phương thức chăn nuôi của người dân chủ yếu nuôi nhỏ lẻ, còn chủ quan, lơ là, chưa thực sự chú trọng phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi. Công tác tiêm phòng vắc xin DTLCP chưa được triển khai thực hiện đồng bộ; việc mua bán giống, vật tư chăn nuôi còn tự do, chưa được quản lý chặt chẽ, mầm bệnh từ các ổ dịch cũ còn tồn tại trong chuồng nuôi… Do đó nguy cơ DTLCP bùng phát, lây lan rộng trên địa bàn huyện trong thời gian tới là rất cao.

Người dân tiến hành cân trọng lượng lợn chết trước khi tiêu hủy.

Để phòng, chống DTLCP lây lan trên diện rộng, huyện Điện Biên yêu cầu các xã có dịch đôn đốc Ban chỉ đạo phòng, chống DTLCP, tổ phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh cấp xã quyết liệt thực hiện các biện pháp khống chế, dập dịch bệnh. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn triển khai biện pháp cấp bách để bao vây vùng dịch, không để lây lan ra các vùng lân cận; xử lý tiêu hủy đàn lợn chết, bị bệnh theo quy định hiện hành. Tập trung mọi nguồn lực để dập dịch tại các hộ chăn nuôi, thôn, bản đang có dịch. Yêu cầu các hộ chăn nuôi lợn không được tái đàn khi chưa công bố hết dịch trên địa bàn.

Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên đã phân công cán bộ, viên chức tăng cường phối hợp với UBND các xã kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bao vây, xử lý ổ dịch; giám sát tình hình dịch bệnh tại xã, hộ chăn nuôi có DTLCP. Hướng dẫn UBND cấp xã tổ chức tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn mắc DTLCP; thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi. Đến nay, đã kiểm tra, hướng dẫn vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường được 123 ổ dịch trên tổng số 136 ổ dịch phát sinh; đang kiểm tra, theo dõi sát sao số lợn tại 13 ổ dịch còn lại.

Người dân xã Thanh Chăn tiêu độc, khử trùng chuồng trại nuôi lợn.

Cơ quan chuyên môn, chính quyền xã tăng cường tuyên truyền người dân chủ động phòng bệnh, không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường. Khi lợn có biểu hiện ốm, chết thì báo ngay cho UBND xã, cơ quan chuyên môn để phối hợp xử lý theo quy định; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trước diễn biến dịch phức tạp, việc bảo vệ đàn vật nuôi hiện có là việc cấp thiết, vì vậy mỗi xã, thôn, bản và người dân phải là một “pháo đài” chống dịch, dập dịch tại địa phương, sớm đẩy lùi dịch bệnh để tái sản xuất.

Bài ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top