ĐBP - Là tỉnh miền núi, biên giới điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã nêu cao truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu xây dựng Điện Biên ngày càng giàu đẹp. Phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, đến nay, tỉnh Điện Biên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, đưa Điện Biên thoát khỏi tình trạng kém phát triển và trở thành tỉnh trung bình khá khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Nhiều thành tựu
Những năm gần đây, Điện Biên đã có những đổi thay toàn diện. Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh luôn ở mức cao, giai đoạn 2021 - 2023 bình quân ước đạt 9,33%/năm. 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng ước đạt 8,75%, xếp thứ 3/14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành trong cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Công nghiệp, xây dựng bước đầu khai thác được tiềm năng, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế ngoài Nhà nước. Tiềm năng đất đai được quy hoạch thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, như: lúa gạo Điện Biên, mắc ca Tuần Giáo, chè Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng... Công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh còn 25,6%.
Theo ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, kết quả tích cực về kinh tế - xã hội những năm qua có đóng góp không nhỏ từ công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Điện Biên tiếp tục được nhiều nhà đầu tư lớn, tiềm năng quan tâm tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu đăng ký đầu tư. Chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 tăng 31 bậc so với năm 2022 (năm 2022, chỉ số PCI xếp thứ 62/63 tỉnh, thành). Việc cải thiện thứ hạng PCI thể hiện nỗ lực của địa phương trong cải thiện chất lượng điều hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Nhiều dự án hạ tầng được đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng đã tạo những động lực phát triển mới, như: Dự án đường 7 tháng 5 - trục đường đẹp và hiện đại nhất Điện Biên; dự án cầu Thanh Bình, dự án Trung tâm thương mại và nhà ở thương mại TP. Điện Biên Phủ đáp ứng yêu cầu phát triển và đồng bộ hạ tầng giao thông, nhà ở, đồng thời là điểm nhấn về cảnh quan của thành phố. Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Càng Hàng không Điện Biên hoàn thành mở ra cơ hội lớn trong thu hút đầu tư, phát triển du lịch, mở rộng liên kết với các vùng kinh tế lớn trong cả nước.
Là mảnh đất mang ý nghĩa giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, những năm qua Điện Biên luôn gìn giữ, phát huy và khai thác có hiệu quả giá trị quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ. Đặc biệt trong năm 2024, hoạt động du lịch là điểm sáng trong bức tranh tổng thể phát triển kinh tế của tỉnh. Riêng 6 tháng đầu năm nay, lượng khách du lịch đến Điện Biên đạt gần 1,4 triệu lượt (trong đó khách quốc tế gần 6.500 lượt) vượt 5,2% so với kế hoạch cả năm. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt gần 2.500 tỷ đồng.
Phát huy tiềm năng
Không chỉ nổi tiếng với những di tích lịch sử Điện Biên còn có nhiều lợi thế, tiềm năng về kinh tế, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, ẩm thực. Điện Biên còn là tỉnh có đường biên giới quốc gia tiếp giáp 2 nước Lào và Trung Quốc, là điều kiện phát triển kinh tế cửa khẩu, mở rộng giao thương quốc tế.
Để biến tiềm năng thành động lực, biến thách thức thành lợi thế phát triển, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về thu hút đầu tư phát triển nông - lâm nghiệp, du lịch, phát triển hạ tầng giao thông kết nối… Ngày 17/3/2024, Điện Biên đã tổ chức công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc; là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,51%/năm; GRDP bình quân/người đạt trên 113 triệu đồng (theo giá hiện hành), năng suất lao động đạt 190 triệu đồng (theo giá hiện hành); giảm tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều xuống còn dưới 8%...
Quy hoạch là cơ sở quan trọng để tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư, kiến tạo động lực. Quy hoạch tỉnh cũng xác định tư duy tầm nhìn, mô hình, kịch bản, phương án và tổ chức không gian; cùng với đó tạo ra cơ hội, năng lực sản xuất và giá trị mới cho từng địa bàn. Từ đó, phát huy tiềm năng, lợi thế, quyết tâm đưa vùng đất nơi phên giậu cực Tây của Tổ quốc thành điểm sáng trên con đường đổi mới, phát triển.
Để phát huy tiềm năng, tỉnh Điện Biên xác định phát triển hạ tầng giao thông đi trước, liên kết phát triển, kiến tạo giá trị mới và đặc sắc; trong đó, chú trọng việc hoàn tất các thủ tục, sớm triển khai dự án đường cao tốc Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang (giai đoạn 1). Đồng thời tập trung phát triển có trọng điểm, dồn trọng tâm vào những ngành, lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh, như nông - lâm nghiệp; du lịch; xây dựng; thương mại, dịch vụ. Trong đó lấy nông - lâm nghiệp là nền tảng; xây dựng là động lực; du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Cùng đó, tỉnh quyết tâm thực hiện 3 đột phá phát triển, gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và ứng dụng khoa học - công nghệ; đổi mới sáng tạo gắn với phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bằng những giải pháp đột phá, quyết tâm chính trị cao nhất và sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, Điện Biên đang từng bước vươn mình, ngày càng gặt hái thêm nhiều thành tựu trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.