Đảm bảo sản xuất với an toàn phòng, chống thiên tai

09:22 - Thứ Ba, 27/08/2024 Lượt xem: 3970 In bài viết

ĐBP - Tình hình thời tiết trong mùa mưa bão năm 2024 diễn biến phức tạp khiến lưu lượng nước trên các sông, suối khá cao. Để công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) trong mùa mưa bão đạt hiệu quả, các nhà máy thủy điện đã chuẩn bị kỹ lưỡng cả về phương án, vật chất kỹ thuật và con người nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công trình và cuộc sống người dân vùng hạ du.

Nhà máy Thủy điện Sông Mã 3 thường xuyên cập nhập thông tin liên quan đến công tác PCTT&TKCN báo cáo cơ quan chức năng qua hệ thống.

Khởi công xây dựng từ tháng 4/2020, đến nay, Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Thủy điện Mường Mươn, do Công ty Cổ phần Năng lượng Điện Biên - Sông Hồng làm chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành đập đầu mối và các hạng mục quan trọng của nhà máy. Dự án thuộc hệ thống quy hoạch các công trình thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh có quy mô công suất lắp máy 22MW. Dự kiến đến tháng 11/2024, nhà máy sẽ phát điện thương mại. Công trình được đầu tư xây dựng trên suối Nậm Chim (phụ lưu cấp I của sông Nậm Mức) thuộc địa bàn các xã: Ma Thì Hồ, Na Sang (huyện Mường Chà), chính vì vậy công tác đảm bảo PCTT&TKCN cũng được đơn vị hết sức chú trọng. Nhằm chủ động công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du sau đập trong mùa mưa bão, công ty đã triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định.

Cán bộ, công nhân Nhà máy Thủy điện Sông Mã 3 giám sát các hoạt động thông qua hệ thống camera.

Ông Vũ Văn Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Năng lượng Điện Biên - Sông Hồng cho biết: Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Thủy điện Mường Mươn có tổng diện tích hơn 75ha; trong đó có hơn 15ha đất lòng suối, 61ha đất trồng lúa, đồi núi chưa sử dụng, đất rừng sản xuất; diện tích lưu vực hơn 250km2, dung tích hồ chứa hơn 1,6 triệu m3; với các hạng mục chính: hồ chứa, đập đầu mối, đập dâng, dập tràn, cửa lấy nước, trạm phân phối điện... Dù công trình chưa hoàn thiện hết các hạng mục, song đến nay đã cơ bản xong cụm đầu mối. Tại đây, đơn vị đã xây dựng các phương án đảm bảo an toàn bao gồm: Cắm mốc hành lang bảo vệ hồ chứa, an toàn đập; xây dựng phương án bảo vệ tình huống, xử lý tình huống ở hạ lưu đập đã được cơ quan chức năng phê duyệt và đã có hiệu lực. Tiếp theo, đơn vị sẽ tập trung phối hợp với chính quyền các cấp thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Khác với Nhà máy Thủy điện Mường Mươn, đến nay, Công trình Nhà máy Thủy điện Sông Mã 3 (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đông Á), với công suất thiết kế 29,5MW (02 tổ máy) đã phát điện thương mại mấy năm gần đây; với sản lượng điện trung bình hàng năm khoảng trên 120 triệu kWh. Với chiều cao đập lớn nhất 58,5m; chiều rộng đỉnh đập 5,0m; cao trình đỉnh đập 522,0m, công trình có nhiệm vụ ngăn dòng, tích nước điều tiết theo ngày đêm để phục vụ cho 02 tổ máy phát điện, sản xuất điện năng; góp phần tạo nguồn phát điện cung cấp điện cho hệ thống điện và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực dự án. Công trình thủy điện Sông Mã 3 được xây dựng trên dòng chính Sông Mã thuộc địa bàn các xã: Phì Nhừ, Mường Luân, Háng Lìa và Phình Giàng (huyện Điện Biên Đông). Đối với khu vực này, chế độ thuỷ văn của sông, suối chia thành 2 mùa chính là mùa lũ và mùa khô. Mùa lũ kéo dài 4 tháng, từ tháng 6 đến tháng 9, lượng nước trong mùa lũ thường chiếm tới 70% tổng lượng nước năm, dòng chảy lớn nhất thường rơi vào tháng 7, 8, 9 (chiếm 61% tổng lượng nước năm). Để đảm bảo an toàn, bước vào mùa mưa lũ hàng năm, Nhà máy Thủy điện Sông Mã 3 đều chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn vận hành cho công trình và vùng hạ du.

Để đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đông Á đã tiến hành kiểm tra, đánh giá toàn bộ công trình hồ đập.

Ông Phạm Hồng Thủy, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đông Á cho biết: Vào mùa mưa bão hàng năm, công ty đều xây dựng kế hoạch công tác PCTT&TKCN với nội dung bám sát thực tế, tuân thủ các văn bản chỉ đạo của cơ quan chức năng, của ngành. Công ty đã thành lập đội xung kích để sẵn sàng ứng phó trong các trường hợp có bão lũ xảy ra. Trong đó, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của công ty để kết hợp với UBND các xã tuyên truyền vận động người dân trong khu vực chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra. Phân công lực lượng thường xuyên trực và giữ mối liên lạc 24/24 giờ, kịp thời có các biện pháp phối hợp, xử lí tình huống khi có bão lũ ở các địa phương trên địa bàn. Trong quá trình vận hành nhà máy, Công ty thường xuyên cập nhập thông tin và thông báo tới các công trình Thủy điện trên bậc thang sông Mã, đặc biệt là công trình thủy điện: Mường Luân 1, Mường Luân 2 để có chế độ vận hành tối ưu và an toàn. Hàng năm trước mùa mưa lũ, đơn vị cũng kiểm tra đánh giá toàn bộ thiết bị, công trình thủy công có kế hoạch bảo dưỡng thiết bị đảm bảo an toàn trong mùa lũ. Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan của UBND huyện Điện Biên Đông, UBND các xã: Phì Nhừ, Mường Luân thông báo, tuyên truyền đến dân cư vùng hạ du những thông tin điều lệnh công tác phòng, chống lụt, bão của Công trình thủy điện Sông Mã 3…

Dù công trình chưa hoàn thiện, song Nhà máy Thủy điện Mường Mươn đã chủ động xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho công trình và vùng hạ du.

Hiện nay, toàn tỉnh có 20 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đang vận hành, với tổng công suất gần 280MW. Trong mùa mưa lũ, nguyên tắc vận hành các nhà máy thủy điện là phải bảo đảm an toàn công trình, hiệu quả cấp nước, việc phát điện và duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông; góp phần điều tiết và giảm lũ cho vùng hạ du. Trên cơ sở đó, trong thời kỳ mưa, lũ, các đơn vị quản lý, vận hành nhà máy thủy điện đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác vận hành nhà máy, điều tiết hồ chứa hợp lý, thường xuyên duy trì thông tin liên lạc với nhau về chế độ vận hành xả nước của các nhà máy để chủ động trong công tác vận hành nhằm đảm bảo chế độ vận hành tối ưu và điều tiết hồ chứa hiệu quả, an toàn. Tuân thủ theo quy định pháp luật về vận hành an toàn hồ đập thủy điện, thực hiện đúng Quy trình vận hành hồ chứa, Quy chế phối hợp giữa các thủy điện; duy trì báo cáo thông tin theo quy định về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các huyện và các sở, ngành liên quan để có sự chỉ đạo kịp thời nhằm giảm thiểu thiệt hại quá trình xả nước gây ra. Đến nay, các đơn vị cơ bản tuân thủ theo những quy định pháp luật về vấn đề phát điện, an toàn hồ, đập thủy điện và vận hành hồ chứa theo đúng quy trình.

Cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mường Chà kiểm tra công tác chuẩn bị phương án ứng phó trong mùa mưa bão tại Nhà máy Thủy điện Mường Mươn.

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, bên cạnh sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các đơn vị, nhà máy thủy điện, các địa phương cũng không được chủ quan, mà cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về các loại hình thiên tai, các biện pháp phòng chống; vận động người dân không bơi lội qua sông, suối hay lòng hồ thủy điện đánh bắt cá và vớt gỗ trôi nổi khi lũ về… Chính sự chủ động của các nhà máy thủy điện và chính quyền các địa phương sẽ mang lại sự an toàn cho hồ đập, người và tài sản vùng hạ du; góp phần vừa vận hành sản xuất điện hiệu quả, vừa ứng phó các tình huống do mưa bão gây ra.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top