Cuộc sống qua ảnh

Nghề nuôi tằm ăn sắn ở Mường Đun

12:37 - Thứ Hai, 02/09/2024 Lượt xem: 4337 In bài viết

ĐBP - Bản Hột, xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Với khí hậu mát mẻ, tại bản Hột ngoài công việc đồng áng, nương rẫy người dân còn phát triển thêm nghề phụ nuôi tằm, đem lại nguồn thu ổn định phát triển kinh tế hộ gia đình.

Từ trên cao nhìn xuống, bản Hột nằm trên thung lũng hẹp dài, hai bên là dốc núi, phần giữa thung lũng là suối Huổi Luông chảy qua. Là bản vùng cao cùng với địa thế đặc thù suối Huổi Luông chảy quanh năm nên khí hậu cực kỳ mát mẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho giống tằm bén duyên và phát triển.

Bản Hột có 149 hộ, trong đó hơn 50% số hộ nơi đây đều nuôi tằm. Nhà nuôi ít thì một hai bạt nhỏ; nhiều thì có khi kín cả gầm nhà sàn trắng muốt đều là tằm non rả rích, sột soạt ngấu nghiến ăn lá.

Qua tìm hiểu các hộ dân, nuôi tằm ở đây không giống với tằm nơi khác, thức ăn được người dân lấy cho tằm ăn không phải lá dâu mà là lá sắn bởi cây dâu ở bản khá hiếm, lá sắn thì dễ dàng thu hái được trên nương. Trong quá trình cho ăn, tằm phát triển tốt, không có biểu hiện sinh trưởng kém cũng như bệnh tật nên người dân đều dùng lá sắn để nuôi tằm.

Tằm sau khi đóng kén, người nuôi sẽ tách dùng dây treo lên xà nhà hoặc cho vào rổ, đây là tằm để hóa bướm tái đàn cho vụ sau. Sẽ mất hơn 1 tháng để chờ tằm hóa bướm, giao phối, đẻ trứng, ấp trứng.

Sau khi tái đàn mới, sẽ mất 18 - 20 ngày là tằm sẽ già chuyển từ màu trắng sữa sang ngả vàng, đây là thời điểm lọc tằm, tạo giá đỡ cho tằm nhả tơ tạo kén.

Đối với các hộ nuôi tằm tại bản Hột, giá đỡ cho tằm được sử dụng rất đơn giản, chỉ cần cành cây dài 40cm, còn nguyên lá cột từ ba đến năm cành tạo chỗ trú ẩn cho tằm tự bò và lựa chọn chỗ nhả tơ là được.

Sau khoảng 2 - 3 ngày tằm tạo kén, đây là lúc thu hái của bà con, kén tằm được tách khỏi giá đỡ và bán cho thương lái. Trung bình 1kg kén được bán với giá giao động 90.000 đồng - 100.000 đồng, nhà nuôi nhiều thu được 20kg/vụ, đem lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho bà con vùng cao.

Là địa bàn vùng cao, bản Hột xã Mường Đun nằm ở thung lũng nên khí hậu mát mẻ quanh năm thích hợp cho tằm sinh trưởng phát triển.
Bản Hột đa số là đồng bào dân tộc Thái, hơn 50% hộ dân tại đây nuôi tằm làm nghề phụ kiếm thêm thu nhập.
Tằm được nuôi thành từng ô trải bạt dưới gầm nhà sàn.
Thức ăn cho tằm tại đây không phải là lá dâu mà được thay bằng lá sắn.
Sau khoảng 18 - 20 ngày tằm già chuyển thành màu ngả vàng, người dân tiến hành lọc tằm và tạo giá đỡ cho tằm hóa kén.
Giá đỡ cho tằm được làm từ các cành cây nguyên lá buộc lại.
Khi tìm thấy chỗ trú ẩn thích hợp, tằm nhả tơ hóa kén.
Sau khoảng 2 - 3 ngày, kén tằm được thu và bán cho thương lái, 1kg có giá từ 90.000 đồng - 100.000 đồng.
Kén tằm được treo lên xà nhà hoặc cho vào rổ là tằm để hóa bướm tái đàn cho vụ sau.

 

Trần Nhâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top