Mở rộng vùng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao

15:58 - Thứ Năm, 05/09/2024 Lượt xem: 2334 In bài viết

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 12/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La về “Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, tập trung phát triển cây ăn quả gắn với tiêu thụ và xuất khẩu nông sản”, tư duy của người sản xuất và các HTX trên địa bàn huyện có chuyển biến; hình thành nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao.

Mô hình trồng nhãn chín muộn của nông dân xã Tú Nang, huyện Yên Châu.

HTX hoa quả Quyết Tâm, xã Tú Nang,  là một trong những HTX đầu tiên của huyện Yên Châu được hỗ trợ thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng. Đến nay, HTX có gần 100 ha nhãn được cấp mã số vùng trồng. HTX lắp đặt camera giám sát để theo dõi trực tiếp quy trình sản xuất và công nghệ điều khiển tự động bón phân, tưới nước qua điện thoại, nhờ đó cây nhãn luôn duy trì độ ẩm và dinh dưỡng phù hợp, cho năng suất cao, mẫu mã đẹp. Trung bình mỗi năm xuất khẩu 1.000 tấn quả.

Ông Dương Minh Hà, Giám đốc HTX hoa quả Quyết Tâm, cho biết: HTX áp dụng kỹ thuật ghép cành giống nhãn chín muộn hơn chính vụ khoảng 2 tháng, nên sản phẩm có giá cao hơn từ 7.000-10.000 đồng/kg. Từ khi được cấp mã số vùng trồng, gắn với sản xuất an toàn ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nhãn của HTX tiêu thụ thuận lợi trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Còn tại xã Phiêng Khoài, HTX Kiên Cường, bản Cồn Huốt, đã đưa cây lê Tai nung vào trồng với 70 ha. Với 8 thành viên, HTX đã thực hiện canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học trong chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, ứng dụng nhật ký điện tử, quản lý sản xuất bằng hệ thống giám sát tại vườn và đăng ký tem truy xuất nguồn gốc QR-Code, gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu cho sản phẩm.

Bà Đinh Thị Mây, Giám đốc HTX Kiên Cường, cho biết: Các thành viên HTX đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất, như máy xới đất, máy phát cỏ, phun thuốc sinh học bằng máy áp lực cao tự động, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và bao trái cho 100% diện tích. Do đó, năng suất đạt từ 10-12 tấn/ha; thu hoạch đến đâu, thương lái đến tận vườn thu mua với giá 60.000 đồng/kg quả loại 1, 40.000 đồng/kg quả loại 2. Ngoài bán cho các siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch, HTX đẩy mạnh bán hàng qua các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, tổng doanh thu đạt gần 4 tỷ đồng/năm.

Với trên 11.800 ha cây ăn quả các loại, sản lượng hơn 74.000 tấn quả/năm, huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn và các địa phương chú trọng hướng dẫn, khuyến khích người dân, HTX ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Trong đó, chủ yếu là ghép nhãn chín muộn; thay thế một số loại cây ăn quả kém hiệu quả bằng giống xoài Úc, Thái Lan, xoài GL4 (Đài Loan), lê VH6 (Tai Nung); cải tạo lai ghép xoài tròn; chọn lọc giống, chăm sóc, tưới ẩm, tưới nhỏ giọt...

Đồng thời, chỉ đạo phát triển sản xuất theo quy mô liền vùng, gắn với bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cho các loại quả đặc trưng. 5 năm qua, huyện đã hỗ trợ thực hiện mô hình công nghệ tưới nhỏ giọt cho 8 HTX trồng cây ăn quả; triển khai thí điểm trạm quan trắc thông minh tại 2 xã Sặp Vạt và Phiêng Khoài, giúp cảnh báo thời tiết, phòng trừ sâu bệnh hại; hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm tới người dân...

Ông Lê Huy Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Đến nay, diện tích cây ăn quả được ứng dụng công nghệ cao của huyện đạt khoảng 7.200 ha; gần 1.700 ha cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng và chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, sử dụng camera theo dõi trực tiếp, sản xuất theo hướng hữu cơ và liên kết với các đơn vị xuất khẩu.

Bên cạnh đó, huyện Yên Châu đã xây dựng và hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: Vùng mận xã Phiêng Khoài; vùng nhãn xã Lóng Phiêng; vùng xoài xã Chiềng Hặc, với tổng diện tích gần 1.030 ha. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần nâng giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 60 triệu đồng/ha, giá trị các loại quả xuất khẩu đạt 5,9 triệu USD.

Với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi để huyện Yên Châu hình thành và mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đối với các sản phẩm chủ lực, hướng đến phát triển nông nghiệp sạch, bền vững, đưa nông sản của huyện ngày một vươn xa.

Bài, ảnh: Thanh Huyền
Bình luận

Tin khác

Back To Top