Vấn đề kỳ này

Bảo vệ an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi

16:48 - Thứ Năm, 05/09/2024 Lượt xem: 3042 In bài viết

ĐBP - Hiện trên địa bàn tỉnh có tổng đàn vật nuôi trên 5,4 triệu con. Trong đó, gia súc gần 565.000 con; gia cầm gần 4,9 triệu con.

Chăn nuôi đã và đang mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều gia đình. Tận dụng lợi thế về bãi chăn thả, diện tích đồi rừng lớn, nhiều ao hồ, sông suối… không ít gia đình, nhóm hộ phát triển kinh tế chăn nuôi theo mô hình trang trai, gia trại, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi cũng gặp nhiều rủi ro, làm không ít gia đình, hộ chăn nuôi quy mô lớn băn khoăn, lo lắng.

Thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh, tính đến cuối tháng 8, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 227 hộ ở 84 thôn, bản của 25 xã thuộc 8 huyện (trừ huyện Mường Ảng và Điện Biên Đông), với số lượng lợn mắc bệnh, tiêu huỷ là 818 con, trọng lượng 43.458kg. Số lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi so với tháng 6/2024 đã tăng gấp nhiều lần, làm nhiều hộ chăn nuôi khuynh gia bại sản. Nhiều hộ đã không dám tái đàn, giảm quy mô tổng đàn, do khó khăn về kinh tế và các chi phí khác cho chăn nuôi đều tăng.

Bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc cũng xảy ra rải rác tại 5 huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Mường Chà và Nậm Pồ. Bệnh dại xảy ra tại 6 huyện, thị xã, thành phố, với 11 mẫu chó dương tính với vi rút dại; có 1 người tử vong do bệnh dại tại huyện Mường Nhé. Bệnh nhiệt thán xảy ra tại huyện Tủa Chùa và Tuần Giáo, với 3 con trâu, bò mắc bệnh, lây bệnh sang 9 người ở thể ngoài da, do tự ý mổ, ăn thịt trâu, bò chết. Có 1 người tại xã Mường Lói, huyện Điện Biên tử vong vì bệnh liên cầu lợn do mổ, ăn tiết canh lợn. Bệnh tụ huyết trùng xảy ra tại 4 huyện, với 72 con trâu, bò, lợn mắc bệnh, trong đó 65 con trâu, bò, lợn đã chết.

Dự báo của cơ quan chuyên môn thì nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Do tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh tương đối lớn, hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 95%; kết hợp với thời tiết diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm giao mùa (giữa mùa thu và mùa đông), làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển và gây bệnh.

Bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, cũng là giúp người chăn nuôi có thêm nguồn thu nhập chính đáng; khai thác hết tiềm năng, lợi thế ngành chăn nuôi mang lại cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng GRDP, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, an toàn, thì cần thiết phải có kế hoạch, giải pháp cụ thể, rõ ràng nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan ra diện rộng.

Trước hết cần thực hiện tốt Chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2/2024 (trong tháng 9 - 10 này). Bảo vệ tốt đàn vật nuôi cũng là để ngăn ngừa bệnh truyền lây cho người, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Mục tiêu, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân đàn vật nuôi 3,5%/năm; trọng tâm theo hướng nâng cao tầm vóc, năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất gia tăng của vật nuôi và các sản phẩm từ thịt.

Làm được điều đó, hơn lúc nào hết, chính quyền cấp huyện cần bố trí kinh phí nguồn Nhà nước hỗ trợ mua các loại vắc xin tiêm phòng cho đàn vật nuôi; mua hoá chất và tổ chức tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc cho nhân dân. Đặc biệt triển khai đồng loạt trên địa bàn các huyện, thị chưa triển khai Tháng tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng đợt 1/2024 và các huyện, thị đang có dịch bệnh động vật xảy ra trên địa bàn.

Một mặt, chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn hướng dẫn UBND cấp xã tổ chức thực hiện tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng khu vực chăn nuôi hộ gia đình, tại các chợ buôn bán động vật sống và sản phẩm động vật dạng tươi sống; khu vực chôn lấp, xử lý tiêu huỷ động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh, khu vực thu gon, xử lý chất thải động vật…

Đối với các huyện giáp biên giới, chủ động phối hợp với lực lượng biên phòng, công an, xem xét bố trí nhân lực, kinh phí vệ sinh, khử trùng ở khu vực đường mòn, lối mở biên giới trên địa bàn quản lý. Phun 1 lần/tuần liên tục trong 4 tuần. Ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới.

Với các khu vực khác như chợ buôn bán gia súc, gia cầm sống; các cơ sở chăn nuôi tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm… cần thực hiện phun tiêu độc khử trung theo đúng chỉ đạo tại Thông tư 07/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tiếp tục chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo quy định của Luật Thú y, chỉ đạo của Chính phủ, của UBND tỉnh...

Cùng với đó, chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi nhằm phát hiện và xử lý dứt điểm các ổ dịch trên đàn vật nuôi khi mới phát sinh, ở phạm vi hẹp, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top