Gỡ bài toán trồng rừng sản xuất cho người dân (bài 2)

08:51 - Thứ Sáu, 06/09/2024 Lượt xem: 3619 In bài viết

Bài 2: Người dân không còn mặn mà trồng rừng sản xuất

ĐBP - Sau 8 năm trồng rừng, đến nay viêc thu mua khai thác gỗ rừng sản xuất ở Mường Ảng có nhiều bất cập, hiệu quả kinh tế không như kỳ vọng, trung bình đạt khoảng 20 – 25 triệu đồng/ha. Việc mua, bán không thuận lợi, bị ép giá, không có doanh nghiệp thu mua gỗ dẫn đến nhiều hộ dân không còn tha thiết với việc trồng rừng sản xuất.

Bài 1: Không mang lại hiệu quả kinh tế như kỳ vọng

Người trồng rừng thiệt đơn, thiệt kép

Chúng tôi đến những cánh rừng keo vừa khai thác tại xã Mường Lạn vẫn còn ngổn ngang cành, ngọn, thậm chí cả những thân gỗ có đường kính trên 15cm nhưng vẫn bị đơn vị khai thác bỏ lại.

Chỉ tay về vạt rừng keo bị khai thác chọn lọc loang lổ như “tấm áo vá vội”, anh Lò Văn Nọi, bản Co Sản, xã Mường Lạn cho biết: Theo hợp đồng mua bán đã thỏa thuận là cây có đường kính từ 6cm trở lên tính giá gỗ 360.000 đồng/tấn, đường kính dưới 6cm tính giá củi 170.000 đồng/tấn. Nhưng đơn vị thu mua họ khai thác chủ yếu chọn cây to thẳng, cắt đủ 2m, bỏ lại phần ngọn, cây cong, nhiều cây có đường kính trên 10cm cũng bị bỏ lại hoặc cắt ngắn quy sang củi. Trong khi rừng đã quá tuổi khai thác, cây bị gió làm đổ gẫy, mối xông chết rất nhiều, khiến người dân chúng tôi thiệt đơn, thiệt kép.

Nhiều cây gỗ có đường kính trên 8cm vẫn bị đơn vị thu mua bỏ lại khiến người trồng rừng xã Mường Lạn bức xúc.

Ông Lò Văn Mưu, Bí thư chi bộ bản Co Sản cho biết: “Bản Co Sản có diện tích rừng trồng sản xuất năm 2016 lớn nhất xã với 37ha, nhưng đơn vị thu mua mới khai thác được hơn 10ha thì ngừng lại. Nghe bà con phản ánh họ chỉ khai thác chọn, không khai thác trắng, nhiều diện tích khai thác được 1/3 hoặc 2/3 rồi bỏ. Cá biệt một số hộ gia đình sau khi cắt gỗ, nhưng bên mua lấy lý do chưa có xe, hoặc không đủ chuyến xe nên gỗ để từ 5 - 7 ngày mới được cân dẫn đến hao hụt rất nhiều”.

Tình trạng doanh nghiệp thu mua gỗ chọn, không theo đúng hợp đồng không chỉ diễn ra tại xã Mường Lạn, mà còn xảy ra tại xã Ẳng Cang. Hộ gia đình ông Cầm Nhân Muôn, xã Ẳng Cang sau khi doanh nghiệp thu mua loại bỏ nhiều đoạn, ngọn và cây to, ông Muôn đã đi thu gom thuê xe chở về bán củi cho các hộ dân trong bản cũng được 10 triệu đồng. Ông Muôn cho biết trên nương của gia đình vẫn còn khoảng 2 xe củi, mỗi xe trừ công chở 500.000 đồng gia đình cũng thu được 2 triệu đồng.

Nhiều đoạn gỗ có đường kính trên 6cm vẫn bị đơn vị thu mua bỏ lại dẫn đến thiệt hại về kinh tế cho người trồng rừng xã Ẳng Cang.

Tại xã Ẳng Tở người trồng rừng bán gỗ cho Công ty TNHH - MSS Điện Biên theo giá thỏa thuận thu mua trọn gói 10 triệu đồng/ha. Tuy nhiên sau khi khai thác được gần 10ha, Công ty cũng dừng việc khai thác vì lý do thua lỗ.

Trồng rừng sản xuất (trồng cây keo) chưa mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi, việc thu mua nhiều bất cập, dẫn đến người dân không còn tha thiết với việc trồng rừng. Họ muốn chuyển đổi sang cây có giá trị kinh tế cao như cà phê, cây ăn quả hay cây trồng hàng năm như sắn… Chị Lường Thị Thân, người trồng rừng bản Huổi Lỵ, xã Mường Lạn đề nghị: “Trồng cây keo không mang lại hiệu quả kinh tế, chúng tôi mong muốn xã, huyện cho chuyển đổi sang cây trồng cà phê”.

Bên mua “bỏ gỗ chạy lấy người”

Để bảo vệ quyền lợi của người trồng rừng tránh bị ép giá, UBND huyện Mường Ảng đã kêu gọi nhiều công ty, cá nhân, tổ chức thu mua, khai thác gỗ keo trên địa bàn. UBND huyện thực hiện rà soát, thẩm định, đồng ý cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có đủ điều kiện vào thu mua gỗ keo. Đồng thời, thực hiện các bước ký kết hợp đồng mua bán, đặt cọc nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân.

Qua đó, đã có 1 cá nhân và 2 đơn vị thực hiện thu mua gỗ trên địa bàn gồm: Ông Nguyễn Văn Thủy, trú tại thị tứ Mường Bú, huyện Mường La (tỉnh Sơn La); Công ty TNHH chế biến lâm sản xuất nhập khẩu Anh Phương và Công ty TNHH - MSS Điện Biên. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn khai thác được khoảng 1/10 diện tích (100/1.328ha) rừng trồng các công ty, cá nhân đều dừng khai thác vì lý do thua lỗ, không mang lại hiệu quả kinh tế.

Nhiều cây keo của người dân xã Mường Lạn bị chết mà chưa kịp khai thác.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Thủy, người thu mua gỗ keo trên địa bàn 2 xã Mường Lạn, Ẳng Cang, được biết: Quá trình khai thác có rất nhiều chi phí như: làm đường khai thác khoảng 200 triệu đồng; công thuê cắt gỗ, bốc lên xe, thuê xe chở tăng bo từ nơi khai thác ra bãi tập kết, cước xe từ Điện Biên về Phú Thọ đã đội giá thành sản phẩm lên 1,1 triệu đồng đến 1,15 triệu đồng/tấn. Trong khi giá bán lúc cao điểm tại nhà máy chỉ được 1,25 triệu đồng/tấn, như đợt cuối năm 2023 giá gỗ giảm chỉ còn 1,15 triệu đồng/tấn, chưa kể hao hụt trong quá trình vận chuyển… Do thua lỗ nhiều nên không thể tiếp tục khai thác.

Ông Thủy cũng cho rằng diện tích rừng trồng của người dân tuy lớn nhưng mật độ cây thưa, không đồng đều, tỷ lệ cây bé nhiều; không ít diện tích chỉ là rừng tạp. Ngoài ra, do địa hình dốc gây khó khăn, tăng chi phí trong quá trình khai thác, đặc biệt là vào mùa mưa như hiện nay.

Còn ông Nguyễn Ngọc Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH - MSS Điện Biên cho biết: Công ty đang triển khai việc xây dựng vùng lõi (nguyên liệu) cho nhà máy điện sinh khối trên địa bàn huyện Mường Ảng. Tuy nhiên, hiện nay diện tích đất của người dân đã có rừng, đến độ tuổi khai thác đơn vị thu mua với mức giá 25 triệu đồng/ha. Trong đó, tiền gỗ 10 triệu đồng/ha; 15 triệu đồng tiền mua đất của người dân (tiền hỗ trợ khai hoang). Công ty đã làm hợp đồng thu mua với 45 hộ dân trên địa bàn. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác chi phí quá lớn gồm tiền làm đường khai thác 180 triệu đồng, công cắt 220.000 đồng/tấn, bốc lên xe 70.000 đồng/tấn, cước vận chuyển từ Điện Biên về huyện Mộc Châu, Sơn La 200.000 đồng/tấn. Trong khi gỗ loại 1 đường kính trên 8cm có giá 700.000 đồng/tấn, gỗ loại 2 có giá 500.000 đồng/tấn. Ngoài ra, do mật độ cây thưa chỉ đạt 30 - 40 tấn/ha, trong khi trung bình phải đạt từ 50 - 60 tấn/ha mới có lợi nhuận. Do việc khai thác không đạt hiệu quả kinh tế nên công ty đã dừng khai thác.

Bài 3: Để trồng rừng sản xuất hiệu quả

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top