Nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các Hợp tác xã

15:16 - Thứ Sáu, 06/09/2024 Lượt xem: 2400 In bài viết

Thời gian qua, nhiều Hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông, lâm nghiệp, dịch vụ…góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn. Đặc biệt là trong giai đoạn mới, so với mục tiêu và yêu cầu phát triển kinh tế tập thể, HTX, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ để các HTX phát triển hiệu quả, bền vững hơn.

Theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 6.2024, trên địa bàn toàn tỉnh có 900 HTX với 11.166 thành viên. Trong đó, có 731 HTX đang hoạt động; 169 HTX ngừng hoạt động. Doanh thu bình quân của 1 HTX trong năm 2024 ước đạt trên 1.7 tỷ đồng; lợi nhuận bình quân của của 1 HTX ước đạt khoảng 420 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX ước khoảng 72 triệu đồng/năm. Hiện nay, số HTX hoạt động hiệu quả có khoảng 450 HTX, trong đó có 84 HTX sản xuất chế biến sản phẩm hàng hóa với 275 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên.

HTX Dệt lanh Cán Tỷ (Quản Bạ) nỗ lực phát triển nghề dệt lanh truyền thống.

Được biết, số HTX thành lập mới trong năm 2024 tập trung chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng các dịch vụ nông nghiệp ở khu vực nông thôn. Hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh có vai trò quan trọng trong liên kết và hỗ trợ cho các thành viên ở một số khâu trong quá trình sản xuất kinh doanh như: Cung ứng dịch vụ vật tư nông nghiệp, cây con giống và tổ chức chế biến thành các sản phẩm hàng hóa đồng thời thực hiện bao tiêu sản phẩm cho các thành viên và hộ gia đình trong khu vực.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao như: HTX Tuấn Dũng (Mèo Vạc) thực hiện liên kết với trên 100 hộ dân phát triển 2.200 đàn ong. Sản lượng đạt 15.000 lít mật ong bạc hà/năm, giá trị đạt 6.500 triệu đồng, thu nhập bình quân đạt 5,0 triệu đồng/người/tháng. Toàn bộ sản phẩm của người dân được HTX bao tiêu, đã tạo thêm việc làm, thu nhập gia tăng giá trị sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho thành viên, người dân địa phương; HTX Chế biến chè Tuấn Băng, xã Nà Chì (Xín Mần) đã chủ động xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, mã số vạch cho sản phẩm chè xanh shan tuyết “Tuấn băng trà”, trên cơ sở đó HTX đã đứng ra ký kết hợp đồng hỗ trợ các nhóm hộ thành viên về hướng dẫn ký thuật trồng, chăm sóc, thu hái và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX đã ký hợp đồng với 505 hộ dân tại 11 thôn bản nhằm quản lý vùng nguyên liệu chè sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ với 296,1 ha, sản lượng bình quân đạt 870 tấn chè búp tươi/năm, số lao động thường xuyên làm việc tại HTX là 35 lao động, doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 6,5 tỷ đồng.

HTX Cát Lý xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) ứng dụng công nghệ số vào quản lý chăn nuôi bò.

Bên cạnh đó, các HTX nông nghiệp đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ, dẫn dắt kinh tế hộ nông dân, làm cầu nối gắn kết sản xuất của các hộ nông dân với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản, đạt hiệu quả kinh tế cao, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập của nông dân từ 1,5 - 2 lần so với phương thức sản xuất thông thường tiêu biểu như: HTX dịch vụ Cát Lý, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên): liên kết với trên 150 hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển chăn nuôi bò hàng hó. Theo đó, HXT đứng ra cung cấp giống, hướng dẫn khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và tổ chức thu mua sản phẩm bò hàng hóa từ các hộ tham gia liên kết để chế biến sản phẩm thịt bò và đưa ra thị trường tiêu thụ. HTX Phìn Hồ trà (Hoàng Su Phì): Sản xuất chuỗi giá trị chè, thu mua chè các hộ dân tại xã, các xã lân cận đế chế biến, đóng gói, tem nhãn mác, tiêu thụ…

Tuy đã có những mô hình HTX mang lại hiệu quả, nhưng nhìn chung các HTX trên địa bàn tỉnh vẫn còn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ quản lý và điều hành còn yếu, kinh nghiệm, kiến thức tổ chức sản xuất và nghiệp vụ kinh doanh chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; chưa tham gia nhiều trong các chuỗi giá trị liên kết sản xuất; khả năng nắm bắt thông tin, thị trường và thích ứng với những biến đổi của thị trường còn chậm. Nguyên nhân do cán bộ quản lý, người đứng đầu các doanh nghiệp, HTX chưa được đào tạo, cơ bản hoạt động chủ yếu dựa trên kinh nghiệm. Bên cạnh đó, dịch bệnh kéo dài gây khó khăn cho việc tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; việc chủ động tiếp cận vay vốn còn hạn chế, các thành viên không có vốn góp và tài sản thế chấp.

Thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ phong trào phát triển HTX trong giai đoạn mới các sở, ban, ngành, các địa phương cần có cơ chế giúp các HTX tiếp cận các chính sách, nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh; tập trung tư vấn, hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển và nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa, gây dựng thương hiệu, mẫu mã sản phẩm của các HTX, trong đó tập trung hỗ trợ các HTX sản xuất các sản phẩm như: Sản phẩm cam Sành, mật ong Bạc hà, chè Shan tuyết, dược liệu, tinh bột nghệ và các HTX kinh doanh dịch vụ du lịch gắn với phát triển làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm; HTX du lịch sinh thái, trải nghiệm …

Bài, ảnh: Hồng Cừ
Bình luận

Tin khác

Back To Top