Ổn định thị trường hàng hóa

15:04 - Thứ Tư, 11/09/2024 Lượt xem: 2132 In bài viết

Ngay sau khi ở thành phố Tuyên Quang và các địa phương ngập sâu do xả lũ và mưa lớn, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ người dân dần ổn định cuộc sống, đặc biệt là bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn.

Nguồn cung ổn định

Khảo sát thực tế tại một số chợ trên địa bàn TP Tuyên Quang như chợ: Tam Cờ, Phan Thiết, Nông Tiến... và một số chợ trên địa bàn huyện Hàm Yên, Sơn Dương thời điểm này, hoạt động cung ứng hàng hóa được bảo đảm, diễn ra bình thường. Tuy nhiên, một số hộ dân lo ngại sau bão, mưa to có thể kéo dài, nước lũ chưa rút ngay nên mua tích trữ lương thực, thực phẩm như: Thịt lợn, cá, rau xanh, hoa quả, mì tôm, gạo...

 Mặt hàng rau xanh vẫn đảm bảo đủ cung ứng trên địa bàn thành phố Tuyên Quang.

Chị Đặng Thị Hiền, hộ kinh doanh tại chợ phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) cho biết: “Do mưa bão, nguồn cung rau khan hiếm nên giá tăng hơn so với ngày thường từ 10 - 20%. Cụ thể, rau muống, rau dền, rau mùng tơi hiện tại có giá 8 nghìn đồng/mớ. Các loại quả như mướp giá 20 nghìn đồng/kg, bí xanh 25 nghìn đồng/kg, bí đỏ 18 nghìn đồng/kg, tăng 4 - 6 nghìn đồng/kg. Dự kiến sau đợt ngập này, giá rau sẽ cao gấp đôi vì bị hỏng do mưa lũ”.

Các mặt hàng thịt lợn, thịt trâu giá giữ nguyên như ngày thường; thịt lợn có giá từ 100 - 130 nghìn đồng/kg; thịt trâu 250 - 260 nghìn đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Tươi, bán thịt bò tại chợ Tam Cờ (TP Tuyên Quang) cho biết: “Mặc dù bị ảnh hưởng do mưa bão song giá thịt không tăng. Những ngày tới đây, gia đình tôi vẫn bảo đảm nguồn thực phẩm để cung ứng cho người tiêu dùng”.

Tại cơ sở 1 của Trung tâm Nông sản xanh Sáng Nhung vẫn đảm bảo đủ hàng cung ứng cho người dân trong những ngày mưa bão. Chị Nguyễn Thị Ngọc, Quản lý Trung tâm cho biết: “Đơn vị đã chuẩn bị lượng hàng lớn trước cơn bão số 3 nên hiện nay các mặt hàng nhu yếu phẩm như gạo, thịt các loại, rau, quả... đảm bảo cung ứng cho người dân với giá không tăng so với bình thường. Từ ngày 8 đến nay, đơn vị có lượng cung ứng ra thị trường gấp khoảng 7 lần ngày thường. Đơn vị vẫn đang cung cấp đa dạng các sản phẩm cho người tiêu dùng”.

Ông Phùng Văn Tạp, Tổ 6, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) chuyên cung cấp các loại gạo, cám chăn nuôi cho hay, những ngày qua người dân đã mua nhiều dự trữ. Đến trưa 10-9, rất ít người có nhu cầu dự trữ thêm. Hiện gia đình vẫn còn trên 40 tấn gạo các loại, không khan hiếm và giá cũng không thay đổi.

Siêu thị Gold Mart Sơn Dương tại thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) vẫn dồi dào các mặt hàng cung cấp cho người dân. Anh Nguyễn Tiến Lâm, Quản lý siêu thị Gold Mart Sơn Dương cho biết: “Lượng hàng hóa nhập trước đó nhiều nên mưa lũ 1 tuần thì siêu thị vẫn đủ lượng hàng cung cấp cho người dân với giá niêm yết không thay đổi. Các loại trái cây và rau xanh cung ứng hàng ngày đảm bảo tươi, ngon, an toàn”.

Giám sát chặt chẽ, không để thiếu hàng hóa thiết yếu

Tại Siêu thị Vincom, sáng 10-9, số lượng khách hàng đến mua sắm thực phẩm, nhất là rau xanh, mì tôm tăng hơn so với ngày thường từ 15 - 20% song giá vẫn giữ nguyên. Tính đến 11 giờ, tại siêu thị này, cơ bản các loại rau xanh cơ bản đã hết. Trao đổi với nhân viên bán rau siêu thị được biết, trong ngày 11-9, đơn vị tiếp tục nhập thêm nguồn rau từ một số tỉnh và tăng lượng hàng từ những tỉnh, thành phố không bị ảnh hưởng do mưa bão nhằm bảo đảm nguồn cung cho khách hàng.

Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX các tỉnh tham gia Hội chợ Thương mại - Du lịch giải cứu hàng OCOP, đặc sản của các địa phương tại khách sạn Kim Long, tổ 13, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang).

Chị Lê Thanh Loan, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho biết: “Hàng hóa khá dồi dào, giá cả không thay đổi nên người dân chúng tôi yên tâm và không dự trữ nhiều để gây ra kham hiếm nguồn cung. Gia đình tôi chỉ mua đủ dùng cho 2 ngày phòng khi mưa to hoặc ngập không di chuyển được”.

Đồng chí Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người dân sau mưa lũ, đơn vị đã yêu cầu các siêu thị, trung tâm thương mại, thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ, ban quản lý các chợ trên địa bàn chủ động đẩy mạnh khai thác, dự trữ lượng hàng hóa tăng thêm, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu như: Gạo, muối, đường, dầu ăn, trứng gia cầm, nước uống, thực phẩm công nghệ chế biến...

Đồng thời sẵn sàng phối hợp với Sở Công Thương, chính quyền các cấp thực hiện điều tiết nguồn hàng phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh khi có yêu cầu. Sở giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn chặn tình trạng các đại lý găm hàng, nâng giá hoặc đầu cơ tăng giá gây “sốt” hàng; có phương án điều tiết nguồn hàng bảo đảm phân bổ đủ cung ứng cho từng đại lý phân phối của mình và từng khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh; ưu tiên các địa phương, khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề do mưa bão, ngập lụt không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Sở đề nghị các huyện chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ động, có phương án bảo đảm nguồn hàng hóa, phương án cung ứng hàng hóa phù hợp; bố trí nhân lực sẵn sàng hỗ trợ, vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân tại khu vực bị chia cắt do mưa lũ lớn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn trong trường hợp cần thiết.

Theo nắm tình hình nhanh từ phía Sở Công Thương và khảo sát thực tế của phóng viên báo Tuyên Quang lượng hàng hóa cung cấp, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân trên địa bàn toàn tỉnh vẫn dồi dào, chưa có nguy cơ đứt gẫy.

Bài, ảnh: Trang Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top