Triển vọng từ mô hình nuôi gà đen bản địa

15:43 - Thứ Năm, 12/09/2024 Lượt xem: 1958 In bài viết

Bản Chà Mạy, xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La có hơn 100 hộ, cách trung tâm xã 13 km, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Tháng 4/2021, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ các hộ dân trong bản xây dựng mô hình nuôi gà đen. Sau hơn 3 năm triển khai, dự án  đã và đang được nhân rộng, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con nơi đây.

Sản phẩm trứng gà đen của HTX nông nghiệp Chà Mạy, xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu.

Năm 2021, dự án được triển khai thực hiện, hơn 2.000 con gà đen giống được nhập từ Trung tâm thực nghiệm và bảo tồn vật nuôi (Viện Chăn nuôi Quốc gia) giao cho 17 hộ tham gia. Tạo sự liên kết, các hộ đã thành lập HTX nông  nghiệp Chà Mạy. Ban Giám đốc HTX xây dựng phương án sản xuất theo nguyên tắc “5 tự” (tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm) và “5 cùng” (cùng lĩnh vực lao động sản xuất, cùng mối quan tâm, cùng chia sẻ, cùng chịu trách nhiệm, cùng hưởng lợi).

Với mục đích đưa sản phẩm chăn nuôi trở thành hàng hóa, có sức cạnh tranh trên thị trường, các thành viên HTX tích cực tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đồng thời, mỗi thành viên đóng góp 5 triệu đồng để đầu tư một số trang, thiết bị phục vụ chăn nuôi. Anh Lầu A Lâu, Giám đốc HTX nông nghiệp Chà Mạy, thông tin: Năm 2023, HTX được huyện hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận VietGAP. Năm 2024, HTX tiếp tục đăng ký sản phẩm trứng gà đen, gà thịt nguyên con đông lạnh, ruốc gà dược liệu là sản phẩm OCOP 3 sao.

Theo chia sẻ của các thành viên HTX, nuôi gà đen cho hiệu quả kinh tế cao vì tận dụng được nguồn thức ăn hoàn toàn sẵn có ở địa phương, như ngô, sắn, cám gạo, cây chuối. Đặc biệt, thịt gà đen rất giàu dinh dưỡng, thơm ngon, mềm ngọt, ít mỡ nên ăn không bị ngấy, hương vị thơm ngon đặc trưng; xương lại nhỏ và cứng. Thịt gà đen có tác dụng tốt cho người mắc các chứng bệnh về tim mạch, tiểu đường hoặc người muốn giảm cân.

Gà đen còn được dùng để hầm với các vị thuốc bồi bổ cho phụ nữ mang thai, trẻ em còi xương, suy dinh dưỡng, người già yếu, người mới ốm dậy, suy nhược cơ thể... nên rất được thị trường ưa chuộng. Mở rộng quy mô, HTX đang tập trung liên kết với các hộ dân trong xã tái đàn. Dự kiến tháng 11 này, HTX sẽ cung ứng 3.000 con gà cho 30 hộ tham gia liên kết nuôi gà với HTX. Phấn đấu đến năm 2025, quy mô đàn sẽ nhân rộng lên 10.000 con. Việc liên kết sẽ xây dựng sản phẩm đặc trưng gà đen cho vùng cao Long Hẹ.

Chị Vàng Thị Ca, thành viên HTX nông nghiệp Chà Mạy, phấn khởi: Tham gia mô hình, gia đình được hỗ trợ 100 con gà giống. Đến nay đã phát triển lên 200 con. Trừ chi phí đầu tư, tiền bán gà thịt và trứng mỗi năm lãi khoảng 50 triệu đồng. Đây là cơ hội để chúng tôi nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Đánh giá về hiệu quả mô hình, ông Vàng A Dủa, Phó Chủ tịch UBND xã Long Hẹ, cho biết: Mô hình nuôi gà đen thuần chủng đang có triển vọng mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân ở không chỉ ở xã Long Hẹ mà còn ở các xã vùng cao của huyện Thuận Châu. Vì gà đen rất hợp với khí hậu, địa bàn rộng, thuận lợi cho việc chăn thả. Mở rộng quy mô chăn nuôi, xã tiếp tục phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật nuôi và chăm sóc cho bà con. Thời gian tới, xã mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp trong việc quảng bá, giới thiệu, liên kết, đảm bảo đầu ra bền vững cho sản phẩm để bà con yên tâm phát triển kinh tế.

Hiện nay, ngoài Long Hẹ, huyện Thuận Châu đã hỗ trợ triển khai mô hình nuôi gà đen tại xã É Tòng theo Nghị quyết số 09-NQ/HU ngày 4/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển kinh tế - xã hội 6 xã vùng cao giai đoạn 2021-2025.

Trần Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top