Phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp ở huyện biên giới

16:49 - Thứ Bảy, 14/09/2024 Lượt xem: 2015 In bài viết

Phát triển thương mại điện tử đang là xu thế tất yếu, đưa thông tin sản phẩm nhanh chóng đến với người tiêu dùng; trở thành phương thức kinh doanh – tiêu dùng phổ biến của nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nắm bắt xu thế đó, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La chú trọng phát triển thương mại điện tử, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản trên thị trường.

Mật ong Sông Mã được nhiều người đặt mua trên các sàn thương mại điện tử.

Trước đây, các sản phẩm nông nghiệp của Sông Mã chủ yếu được tiêu thụ qua các chợ truyền thống và thương lái. Điều này không chỉ giới hạn thị trường mà còn khiến người nông dân phụ thuộc vào các trung gian, gây ra biến động giá và giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, với sự ra đời và phát triển của thương mại điện tử, nông dân Sông Mã đang có cơ hội tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng thông qua các kênh bán hàng trực tuyến, mở rộng quy mô kinh doanh không chỉ trong nước mà còn ra quốc tế.

Ông Nguyễn Chí Thành, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Mã, cho biết: Sông Mã hiện có trên 10.870 ha cây ăn quả các loại. Hiện nay, huyện đang duy trì, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ trong sản xuất nông nghiệp với trên 892 ha cây ăn quả, như: Nhãn, xoài, bưởi, cam... Duy trì, phát triển 47 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn. Huyện đã phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I Cục Bảo vệ thực vật đánh giá và cấp 48 mã số vùng trồng, với gần 482 ha, sản lượng trên 4.500 tấn; trong đó, 12 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, 23 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 13 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Úc, New Zealand.

Thành viên HTX Nuôi ong mật Sông Mã kiểm tra chất lượng đàn ong mật.

Toàn huyện có 74 HTX, hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó có 7 đơn vị có sản phẩm bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, phần lớn còn lại là bán hàng trên các mạng xã hội, như: Nông sản của HTX Ngoan Hậu, bản Tân Lập, xã Chiềng Khương; long nhãn, nhãn quả tươi của HTX Hoa mười, bản Huổi Bó, xã Chiềng Khoong; nho Hạ Đen của Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Sông Mã...

Nhận thấy tiềm năng của thương mại điện tử trong việc giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản, các ngành chức năng của huyện Sông Mã đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân và các HTX, như: Các chương trình đào tạo về kỹ năng kinh doanh trực tuyến, ứng dụng công nghệ vào quản lý sản phẩm, và xây dựng thương hiệu...

Huyện đã phối hợp với Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn Sơn La tổ chức hội nghị tập huấn tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn và livestream giới thiệu các sản phẩm OCOP của Sơn La do các KOL, KOC (người có sức ảnh hưởng, những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường) trực tiếp thực hiện và hướng dẫn. Tổ chức diễn đàn chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên với chủ đề “Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP của địa phương cho 400 đại biểu.

Một trong những sáng kiến tiêu biểu là việc liên kết với các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee và Tiki để nông dân có thể đưa sản phẩm của mình lên nền tảng, tiếp cận với hàng triệu người tiêu dùng. Cùng với đó là các doanh nghiệp, HTX tự xây dựng những fanpage của mình để tăng khả năng đưa nông sản tiếp cận đến người tiêu dùng, như Facebook, Zalo, Tiktok... Ngoài ra, huyện cũng đã hỗ trợ kỹ thuật để giúp nông dân quen thuộc với các công cụ như thanh toán trực tuyến, vận chuyển và quản lý đơn hàng.

Những năm gần đây, HTX Nuôi ong mật Sông Mã, bản Quyết Thắng, xã Nà Nghịu, tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào phát triển nuôi ong mật, tiêu thụ các sản phẩm mật ong, các loại giống ong cho năng suất, chất lượng cao. Tham gia chương trình OCOP huyện Sông Mã, HTX triển khai quảng bá sản phẩm mật ong Sông Mã bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, mạnh dạn thử nghiệm bán các sản phẩm mật ong trên các sàn thương mại điện tử, như: Postmart.vn, Sanviet.vn, Topmaxsale.vn, Vinmart.com, Lazada.vn, Shopee.vn, Tiki.vn... Chỉ trong một thời gian ngắn, doanh thu của HTX đã tăng gần gấp đôi so với trước khi chỉ dựa vào thị trường truyền thống.

Ông Lê Văn Kính, Giám đốc HTX Nuôi ong mật Sông Mã, cho biết: HTX có 16 thành viên, với quy mô 2.500 đàn, sản lượng gần 90 tấn mật ong. Ban đầu chúng tôi lo lắng về việc bán hàng online, nhưng sau khi được hướng dẫn, tôi nhận ra đây là cơ hội lớn để phát triển. Ngoài ra, hợp tác xã còn bán hàng trên mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok, tích hợp mã QR truy xuất nguồn gốc... Do đó, chúng tôi gặp nhiều thuận lợi, hàng bán được nhiều hơn, đã có nhiều khách hàng biết đến sản phẩm của mình.

Tương tự, các HTX: Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, bản Tân Lập, xã Chiềng Khương; Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, bản Huổi Bó, xã Chiềng Khoong; Dịch vụ nông nghiệp Chung Thành, bản Nà Đứa, xã Yên Hưng... cũng đã gặt hái được thành công lớn khi áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử. Việc tích hợp mã QR trên mỗi sản phẩm giúp người tiêu dùng dễ dàng theo dõi quá trình sản xuất, từ đó tăng cường niềm tin và sự lựa chọn của họ.

Nho Hạ Đen Sông Mã được bán trên sàn thương mại Nông sản Phương Anh.

Mặc dù đã có những bước tiến đáng kể, nhưng việc phát triển thương mại điện tử tại Sông Mã vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề cơ sở hạ tầng internet và trình độ sử dụng công nghệ của người dân còn hạn chế. Hiện nay, chính quyền huyện và các đơn vị hỗ trợ đang không ngừng tìm kiếm giải pháp để khắc phục, như việc nâng cấp mạng lưới viễn thông và tăng cường hợp tác với các tổ chức công nghệ.

Ông Lò Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, thông tin: Hiện tại, Bưu điện huyện, Trung tâm Viễn thông Sông Mã và Viettel Sông Mã đã triển khai kế hoạch hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, nhằm thúc đẩy kinh tế số của huyện. Các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đều đã ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh... Trong thời gian tới, huyện Sông Mã tiếp tục đẩy mạnh các chương trình đào tạo, khuyến khích các hộ nông dân và doanh nghiệp địa phương ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực thương mại điện tử, phát triển nông nghiệp bền vững, đóng góp vào nền kinh tế số hóa của cả nước.

Việc đẩy mạnh thương mại điện tử trong nông nghiệp đã và đang mang lại những thay đổi tích cực cho huyện Sông Mã. Thông qua sự hỗ trợ của chính quyền và tinh thần đổi mới sáng tạo của nhân dân, nông sản Sông Mã đang ngày càng vươn xa, không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế, mang lại cuộc sống no ấm cho nhân dân huyện biên giới.  

Huyền Trang
Bình luận

Tin khác

Back To Top