Giải ngân vốn đầu tư công:

Chỉ bàn làm không bàn lùi

07:02 - Chủ Nhật, 15/09/2024 Lượt xem: 2455 In bài viết

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 8 tháng năm 2024 mới đạt 40,49% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 đạt 42,35% kế hoạch).

Đặc biệt, bên cạnh nguyên nhân cũ, các dự án đối mặt với bất lợi do thiên tai. Đây là thực trạng đáng lưu ý, cần tập trung các giải pháp tháo gỡ, tăng tốc giải ngân với tinh thần quyết liệt "chỉ bàn làm không bàn lùi".

Thi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua huyện Hoài Đức. Ảnh: Nguyễn Quang

Thêm khó khăn do bão, lũ

Theo Bộ Tài chính, ước số vốn đầu tư công được giải ngân từ đầu năm 2024 đến ngày 31-8 là 274.501 tỷ đồng, bằng 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 đạt 42,35%). Trong số 13/44 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên mức bình quân chung, Bộ Giao thông vận tải - đơn vị có số vốn đầu tư công được giao rất lớn, đạt tỷ lệ giải ngân xấp xỉ 50%. Còn ở khối địa phương, có 35/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân trên trung bình, trong đó tỉnh Long An đạt xấp xỉ 80%…

Tuy nhiên, bên cạnh các đơn vị có kết quả giải ngân khả quan, còn tới 31/44 bộ, cơ quan trung ương và 28/63 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, dưới 5%… Đáng lưu ý, việc nhiều đơn vị, địa phương có kế hoạch vốn đầu tư công lớn nhưng tỷ lệ giải ngân thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Thực tế trên dồn gánh nặng giải ngân nguồn vốn hết sức quan trọng này vào thời gian còn lại của năm 2024, gây áp lực rất lớn đối với triển khai thi công, quản lý, điều hành từ cấp vĩ mô đến từng cơ sở, dự án.

Áp lực càng lớn hơn khi ngoài những nguyên nhân đã được nhận diện từ lâu, nhưng chưa được giải quyết triệt để hoặc chậm so với yêu cầu, như "nút thắt" giải phóng mặt bằng, phương án thiếu khả thi hoặc chênh lệch trong việc tính toán vốn, nhà thầu yếu kém, tâm lý né tránh, bị động… việc thi công dự án tiếp tục gặp bất lợi do thiên tai. Đặc biệt, bão số 3 ảnh hưởng đến hầu hết các tỉnh, thành phía Bắc, gây chia cắt địa hình, ách tắc về mặt bằng, đứt gãy hoạt động vận chuyển vật liệu… Nói cách khác, giải ngân vốn đầu tư công đang đối diện nguy cơ kép.

Không để dự án chờ mặt bằng

Theo Chỉ thị số 26/CT-TTg (ngày 8-8-2024) của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024 phải phấn đấu đạt hơn 95% kế hoạch. Với kết quả đạt được trong 8 tháng qua, các bộ, ngành, địa phương buộc phải tập trung tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.

Các chuyên gia cho rằng, một số dự án hạ tầng đạt kết quả khả quan, như dự án cầu Bình Khánh, cầu Rạch Miễu 2, sân bay Long Thành, đường dây 500kV mạch 3… đã cho thấy nhiều kinh nghiệm, bài học quý báu. Đó là tinh thần quyết liệt "chỉ bàn làm không bàn lùi", dồn sức, dồn lực cho dự án, phối hợp chặt chẽ giữa bộ, ngành, địa phương, giữa chủ đầu tư và nhà thầu để sẵn sàng tháo gỡ điểm nghẽn.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, để tăng cường hiệu quả, tăng tốc giải ngân, các cấp, ngành cần tiếp tục rà soát, gỡ bỏ quy định chồng chéo, vướng mắc, đơn giản hóa, giảm thiểu thủ tục hành chính, đồng thời tăng tính công khai, minh bạch. Với những dự án chậm trễ do nguyên nhân chủ quan, do cán bộ đùn đẩy, né tránh, cần phải xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị liên quan, từ đó thúc đẩy tinh thần khẩn trương vào cuộc đồng bộ, bảo đảm đúng trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện trong đầu tư công.

Từ góc độ cơ quan quản lý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, sẽ tăng cường phân cấp, phân quyền để cơ sở chủ động hơn trong xử lý khó khăn. Cùng với đó, bộ lưu ý các đơn vị và địa phương phải khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư, đấu thầu, khởi công tất cả các công trình, dự án đầu tư công đã được cấp có thẩm quyền giao, phân bổ kế hoạch trong năm 2024. Từng dự án phải có kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng, từng quý, từ đó kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, đồng thời đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án và có phương án điều chỉnh vốn giữa các dự án. Hơn hết, cần phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ, chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án.

Xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, tập trung tháo gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng; ưu tiên bố trí đủ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, không để tình trạng dự án chờ mặt bằng; tăng cường tần suất kiểm tra dự án để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đi cùng với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết xử lý tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn thực hiện dự án...

Theo HNM
Bình luận
Back To Top