Khắc phục hậu quả mưa lũ, khôi phục sản xuất kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

12:56 - Chủ Nhật, 15/09/2024 Lượt xem: 2842 In bài viết

ĐBP - Đó là nội dung trọng tâm trong thời gian tới được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo sáng nay (15/9) tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về tình hình hậu quả, thiệt hại do cơn bão và hoàn lưu bão gây ra; các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Hội nghị được kết nối trực tuyến với 26 địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên có các đồng chí: Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.

Theo báo cáo tại hội nghị, đến 6h ngày 15/9, cơn bão số 3 đã khiến 348 người chết và mất tích; 190.358ha lúa và 48.727ha hoa màu, 31.745ha cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.269 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 21.786 con gia súc và trên 2,6 triệu con gia cầm bị chết; 305 sự cố về đê điều và nhiều điểm sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Cơn bão Yagi là cơn bão lịch sử với 7 yếu tố: Cường độ lớn; tốc độ cao; phạm vi rộng; đối tượng tác động nhiều; kéo dài nhiều tiếng khi đổ bộ vào đất liền; gây mưa lũ lớn dài ngày, trên diện rộng từ Thanh Hóa trở ra; gây hậu quả rất nghiêm trọng về người, tài sản. Thủ tướng nhấn mạnh hội nghị nhằm đánh giá sơ bộ công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão; triển khai các giải pháp nhằm 4 mục tiêu lớn: Khẩn trương khắc phục hậu quả; nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân; khôi phục sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương đã tham gia nhiều ý kiến về triển khai các giải pháp khắc phục thiệt hại mưa lũ; phương án hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống; giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, chú trọng công tác phân bổ nguồn kinh phí khẩn cấp cho các địa phương; hỗ trợ gạo, lương thực, thực phẩm cho người dân các vùng bị thiệt hại; công tác bố trí lực lượng ứng cứu và tìm kiếm cứu nạn; các phương án khắc phục hạ tầng điện, viễn thông, giao thông, giáo dục. Tập trung xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm, trong đó chú trọng triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà máy, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Đại biểu dự hội nghị dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng do bão lũ.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương sự chủ động, nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của các lực lượng và địa phương trong công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra. Thủ tướng đề nghị thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt các mục tiêu trọng tâm: Không để người dân nào phải thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nước sạch, chỗ ở và các vật dụng sinh hoạt cần thiết; khẩn trương khắc phục hậu quả siêu bão số 3; ổn định tình hình Nhân dân; khôi phục sản xuất, kinh doanh; kiểm soát tốt lạm phát; đảm bảo an ninh trật tư và an toàn cho Nhân dân.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách và trọng tâm: Tập trung tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, sắp xếp chỗ ở tạm thời cho người dân bị mất nhà, cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho người dân vùng thiên tai. Rà soát, kiểm tra, bằng mọi cách tiếp cận các vùng đang bị chia cắt để tiếp tế, cứu hộ người dân. Huy động cả hệ thống chính trị triển khai dọn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau thiên tai; không để mất điện, mất sóng viễn thông và các dịch vụ thiết yếu phục vụ người dân, học sinh và các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp vùng ảnh hưởng thiên tai. Đồng thời phải khẩn trương rà soát, tổ chức tái định cư cho các thôn, bản, gia đình bị mất nhà do thiên tai, chậm nhất 31/12 phải hoàn thành.

Bên cạnh đó, các địa phương khôi phục ngay trồng trọt, chăn nuôi, các loại hình dịch vụ; các khu công nghiệp phải tái hoạt động các dây chuyền sản xuất, không để đứt gãy các chuỗi sản xuất cung ứng, đảm bảo hoàn thành các hợp đồng kinh tế đã ký kết với các đối tác, nhất là đối tác nước ngoài. Ngành ngân hàng nghiên cứu, thực hiện các chính sách phù hợp vừa đảm bảo an ninh tiền tệ vừa hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp phục hồi sau thiên tai. Ngành tài chính nghiên cứu các chính sách về thuế, phí, lệ phí hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ. Các địa phương chú trọng công tác điều hòa các công trình thủy điện, thủy lợi trong việc xả lũ và tích nước; thống kê chính xác thiệt hại từ đó đề xuất với Chính phủ mức hỗ trợ khắc phục thiệt hại.

Song song với khắc phục thiệt hại thiên tai, những tháng cuối năm, đề nghị các bộ, ngành, địa phương chú trọng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng, tăng thu ngân sách nhà nước, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Tin, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top