Tăng trưởng GDP quý III có thể giảm 0,35% do hậu quả bão số 3

16:05 - Thứ Hai, 16/09/2024 Lượt xem: 1708 In bài viết

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo Thường trực Chính phủ về tình hình thiệt hại, hậu quả mưa bão, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Sạt lở đất tại huyện Nguyên Bình, Cao Bằng. Ảnh: UBND huyện Nguyên Bình.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại. Tăng trưởng GDP quý III của cả nước có thể giảm 0,35%, quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3. Ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản ước tăng trưởng là có thể đạt 6,8-7%; trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%.

Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 của nhiều địa phương, như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… giảm trên 0,5%. Nhiều tuyến đường bị ngập lụt, hư hại, khiến hoạt động lưu thông (nhất là đường bộ và đường sắt) bị đình trệ cục bộ.

Các trang trại, hộ trồng lúa, hoa màu… của hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại hầu hết các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3, cả ở khu vực ven biển, đô thị, giáp ranh đô thị, nông thôn, miền núi…Đây là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất, cần nhiều nguồn lực, thời gian để tái đàn, tái vụ, tái sản xuất. Đặc biệt khi miền Bắc đang trong thời gian gieo trồng vụ mùa, chưa bước vào thời điểm thu hoạch.

Nhiều cơ sở du lịch, lưu trú bị hư hỏng, phải đóng cửa để sửa chữa. Do đó, miền Bắc sẽ bỏ lỡ mùa khách du lịch quốc tế (từ tháng 9-2024 đến 4-2025) và cũng có thể không thu hút được khách trong nước, đặc biệt là các địa điểm du lịch trọng điểm, như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Giang…

Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, xây dựng cũng bị tác động của cơn bão, nhất là tác động gián tiếp khi bị mất điện, thông tin liên lạc, lao động và gia đình người lao động bị ảnh hưởng. Để hạn chế thiệt hại cho các doanh nghiệp, khắc phục thiệt hại, các địa phương đã nỗ lực, cố gắng sớm bảo đảm cung ứng đủ điện, nước, kết nối viễn thông để doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất trở lại ngay khi tình hình thời tiết thuận lợi hơn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, sơ bộ tại 20/26 tỉnh, thành phố, ước tính dư nợ bị ảnh hưởng là khoảng 80 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 5% dư nợ trên địa bàn). Trong đó, tại Quảng Ninh và Hải Phòng có 11,7 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ khoảng 23,1 nghìn tỷ đồng.

Các vấn đề xã hội, nhất là y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch nông thôn, nước sạch đô thị, lao động việc làm, đời sống người dân… cần đặc biệt được quan tâm, ưu tiên nguồn lực và triển khai nhanh sau bão, lũ lụt, không để phát sinh dịch bệnh, tránh gây tác động cộng hưởng đến đời sống người dân.

Hệ thống kết cấu hạ tầng của các địa phương do ảnh hưởng của bão, nhiều nơi bị hư hại nghiêm trọng. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, dân sinh về đường, cầu, cống, điện, cấp nước, thoát nước, viễn thông, thông tin, trường học… bị hư hại, cần sớm khắc phục. Các công trình hạ tầng thủy lợi, đê kè, đập chứa nước của nhà máy thủy điện… bị thiệt hại, tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ khi tình hình bão lũ thời gian tới dự báo còn rất phức tạp.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top