Phát huy tiềm năng, lợi thế, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, phát triển các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc trưng, tạo thương hiệu riêng.
Trưng bày, giới thiệu rượu cao sâm Ngọc Linh, huyện Mai Sơn, đạt hạng sản phẩm OCOP 4 sao.
Đến nay, huyện Mai Sơn đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với tổng diện tích gieo trồng 45.394 ha, trong đó, cây lương thực, cây rau màu đạt 14.762 ha; cây công nghiệp với diện tích 19.132 ha; cây ăn quả có 11.500 ha... Toàn huyện còn có 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: 2 vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao với 1.039,5 ha, 1.560 hộ tham gia; 1 vùng sản xuất na ứng dụng công nghệ cao 334,2 ha với 166 hộ tham gia; có 1.143,7 ha được cấp chứng nhận VietGAP; 1.217,2 ha cây ăn quả được cấp 46 mã số vùng trồng, 5 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, được cấp cho các doanh nghiệp và HTX đủ điều kiện xuất đi các nước Mỹ, Úc, New Zealand, Trung Quốc... Đó là những thuận lợi để huyện Mai Sơn có điều kiện phát triển nhiều sản phẩm OCOP.
HTX Ara-Tay coffee, thành lập cuối năm 2019 với 14 thành viên. Sau hơn 5 năm thành lập, đến nay, HTX liên kết với 300 hộ trồng cà phê chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ 70 ha. Ghi nhận chất lượng sản phẩm cà phê rang xay Natural, cà phê Honey rang xay, HTX đã được các đơn vị chuyên môn của huyện và tỉnh tư vấn hoàn thiện phương án kinh doanh, bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm. Đến năm 2023, có 2 sản phẩm của HTX được đánh giá chất lượng sản phẩm OCOP 4 sao.
Bà Cầm Thị Mòn, Giám đốc HTX, cho biết: Các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP đều có tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân. Mỗi năm, HTX xuất bán ra thị trường từ 8 - 10 tấn cà phê nhân, xay; cung ứng, tạo nên dòng sản phẩm đặc trưng cho các cửa hàng cà phê ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước, được người tiêu dùng đón nhận. Doanh thu hàng năm của HTX đạt khoảng 1,6 tỷ đồng. Khẳng định chất lượng sản phẩm OCOP hơn nữa, HTX xây dựng xưởng sản xuất, máy rửa quả, máy pha cà phê, bao bì và máy đóng gói sản phẩm; 2 máy xát vỏ hiện đại dùng công nghệ chế biến ướt, giúp bảo đảm hương vị cà phê tự nhiên, tiết kiệm nước.
Đến nay, huyện Mai Sơn có 20 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó: 10 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 10 sản phẩm đạt hạng 4 sao, với các sản phẩm đa dạng, như: Long nhãn sấy khô Nguyễn Phòng; hạt sa chi Quang Vinh; hạt mắc ca; nấm đông trùng hạ thảo; Cà phê rang xay A3; nấm hương; quả dâu tây; quả Na Đại Sơn; Mật ong Bảo Tín; ống hút tre Bình Minh; Ngọc trai Queenpearl; nấm linh chi; thanh long sấy dẻo; cà phê; cao sâm Ngọc Linh; rượu cao sâm Ngọc Linh...
Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mai Sơn, cho biết: Đến nay, 20 sản phẩm OCOP của huyện đã được đưa lên sàn giao dịch điện tử và cổng thông tin điện tử do Sở Công Thương quản lý, các trang qua website của chương trình OCOP của tỉnh, trên trang mạng xã hội của doanh nghiệp, đơn vị; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm OCOP của địa phương tại các hội chợ, triển lãm, tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm... Từ đó, các sản phẩm OCOP được người tiêu dùng đánh giá cao hơn, khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Trong năm 2024, huyện Mai Sơn tiếp tục triển khai đánh giá 8 sản phẩm OCOP, gồm các sản phẩm: Gạo nếp Tan nhe Mường Chanh; rượu mắc ca; cà phê nguyên hạt, cà phê bột, cà phê túi nhúng; tương thố ố; đậu tương rau cấp đông; Dâu tây đặc biệt Ichi Farm; Mắc ca Delica; Bánh gai Khánh Thành. Các chủ thể tham gia chương trình OCOP đã được nâng cao trình độ, năng lực; chất lượng sản phẩm OCOP đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Chương trình OCOP có những tác động tích cực, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ sang hướng sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị, chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn khắt khe tại các thị trường khó tính. Thời gian tới, cùng với việc khuyến khích cá nhân, tổ chức tích cực tham gia chương trình OCOP, huyện Mai Sơn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông, xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP; tăng cường phát triển sản phẩm mới theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ; củng cố, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận..., góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.