Chiềng Hắc chủ động phòng, chống thiên tai

15:51 - Thứ Năm, 19/09/2024 Lượt xem: 1921 In bài viết

Quản lý, vận hành hiệu quả các công trình thoát lũ đã được đầu tư xây dựng; tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích ngô trên đất dốc sang trồng cây ăn quả, trồng rừng sản xuất. Đồng thời, chủ động xây dựng phương án phòng, chống thiên tai; bố trí địa điểm di chuyển các hộ ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn... là những giải pháp được xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La tập trung thực hiện trong những năm qua, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nhân dân bản Tong Hán trồng cây ăn quả trên diện tích có nguy cơ sạt trượt để bảo vệ đất.

Cùng cán bộ xã Chiềng Hắc đến bản Tong Hán, nơi có dòng suối Sập chảy qua, dọc hai bên đường vào bản phủ màu xanh của các loại cây ăn quả. Được biết, năm 2018 đã xảy ra vụ sạt lở đất làm 1 ngôi nhà bị đổ và 3 cột điện bị gẫy, ngay sau đó, xã, bản triển khai các biện pháp khắc phục, rà soát và di dời 3 hộ có nguy cơ sạt trượt đến nơi an toàn; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân đề cao cảnh giác, chủ động phòng chống thiên tai, nhất là trong mùa mưa lũ.

Ông Lường Văn Tươi, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Tong Hán, chia sẻ: Với sự hỗ trợ của nhà nước, nhân dân trong bản đã chuyển đổi 40 ha trồng ngô sang trồng cây ăn quả, vừa góp phần nâng cao thu nhập, vừa giữ đất chống xói mòn.

Dẫn chúng tôi thăm vườn cây ăn quả, anh Hà Văn Héo, bản Tong Hán nói: Qua được tuyên truyền, năm 2018, gia đình tôi đã chuyển đổi 3 ha đất trồng ngô ở vị trí có nguy cơ sạt trượt sang trồng cây ăn quả, chủ yếu là nhãn, xoài, mận. Năm 2023, cây ăn quả bắt đầu cho thu hoạch, giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm.

Chiềng Hắc có địa hình khá phức tạp, có nhiều khe, suối, thác nước có độ dốc cao, khu vực trung tâm xã tập trung đông dân cư, bao quanh là đồi, nương có địa chất không ổn định, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, ngập lụt khi mưa lũ. Trước thực trạng đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã đã tập trung rà soát các khu vực xung yếu, xây dựng phương án phòng chống thiên tai. Trong đó, đối với những khu vực xung yếu dễ bị gió lốc, mưa đá, sạt lở đất, ngập lụt, lũ quét tại các bản: Tong Hán, Tà Số 1, Tà số 2, Pa Phang 2, Tát Ngoãng, Long Phú... Ban Chỉ huy PCTT&TKCN phân công các thành viên phụ trách từng bản, thường xuyên nắm bắt thông tin về thời tiết để thông báo kịp thời cho nhân dân biết và sẵn sàng phương tiện để hỗ trợ kịp thời khi xảy ra thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Ông Vì Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Chiềng Hắc, cho biết: Chủ động phòng chống thiên tai, năm 2018, xã đã rà soát di dời 22 hộ có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn; cắm biển cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở. Vận động nhân dân trồng cây ăn quả và cây gỗ thay cho diện tích trồng ngô ở khu vực dễ bị sạt lở; chỉ đạo các bản sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng mua cây giống trồng rừng, tăng cường công tác bảo vệ rừng. Hiện nay, diện tích ngô trong xã còn 2.000 ha, giảm 2.500 ha so với năm 2016; diện tích cây ăn quả tăng lên 1.700 ha; diện tích trồng rừng trồng gần 5.000 ha, qua đó hạn chế được tình trạng xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Mấy năm trở lại đây, Chiềng Hắc không bị thiệt hại nặng do mưa lũ.

Cùng với đó, xã chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân không vứt rác ở suối; huy động nhân dân nạo vét, khơi thông cống rãnh thoát nước, các công trình thủy lợi trước mùa mưa. Khi có dự báo mưa lớn, xã bố trí lực lượng trực 24/24 giờ tại các vùng trọng điểm, thông báo cho người dân di chuyển khỏi những nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở. Lựa chọn 3 điểm di dân ở tạm tại các trường học, nhà văn hóa xã và huy động các hộ có máy xúc, xe tải để hỗ trợ công tác khắc phục khi xảy ra thiên tai, sạt lở đất.

Gần đây nhất, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 khiến 11 nhà dân trên địa bàn xã bị ảnh hưởng, trong đó có 4 nhà bị tốc mái, 2 nhà bị sạt lở, 5 nhà bị ngập; gây thiệt hại 11 ha lúa; 5 ha ngô; ngập úng tại bản Tắt Ngoẵng và Tong hán; 20 ha cây nông nghiệp bị thiệt hại; 10 con trâu, bò bị cuốn trôi... Với sự chủ động của cấp ủy, chính quyền, cùng với ý thức phòng chống thiên tai của nhân dân ngày càng được nâng cao, xã đã nhanh chóng thực hiện “4 tại chỗ” huy động lực lượng hỗ trợ giúp 4 hộ dân lợp lại mái nhà; di dời tài sản của 2 hộ bị sạt lở đến nơi an toàn; giúp nhân dân ổn định cuộc sống. Đồng thời tuyên truyền nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan; chủ động các biện pháp phòng, chống mưa lũ, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão xảy ra.

Bài, ảnh: Huy Thành
Bình luận

Tin khác

Back To Top