Bài 2: “Sợi chỉ đỏ” xuyên suốt tiến trình giảm nghèo
ĐBP - Khi người nghèo thực sự muốn thoát nghèo, họ sẽ thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình. Đồng hành với người nghèo để hỗ trợ xóa nghèo thành công, nhiều địa phương đã thực hiện tốt việc “chi bộ nắm bản, đảng viên sát hộ”. Chi bộ, đảng viên là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt sâu sát, nắm chắc địa bàn; tuyên truyền, vận động người nghèo vươn lên.
Rõ người, rõ việc
Đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt, phát huy tốt vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, từ đó, nâng cao trách nhiệm, tính tiên phong gương mẫu thực hiện nhiệm vụ, phong trào tại cơ sở. Đây là việc nói dễ nhưng làm khó, vì muốn nắm, hiểu rõ từng hộ đòi hỏi mỗi chi bộ, đảng viên phải rõ người, rõ việc.
Từng giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Vì (huyện Mường Nhé) nhiều năm, khi nghỉ hưu ông Túng Văn Khi tiếp tục được các đảng viên tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ bản Nậm Vì, xã Nậm Vì. Dù đã cao tuổi, song ông Khi đã bao lần gối mỏi chân mòn xuống từng nhà vận động người dân làm kinh tế, thoát nghèo bền vững. Mỗi lần xuống với dân ông lại cùng hộ nghèo bàn cách nuôi con nào, trồng cây gì thì phù hợp; bắt đầu từ mô hình nhỏ rồi cứ thế nhân rộng, phát triển hơn. Vậy nên chẳng lấy làm lạ khi ông có thể đọc vanh vách chính xác hoàn cảnh của từng hộ ở bản, thậm chí của xã.
Phụ trách giúp đỡ hộ nghèo, Bí thư Chi bộ Khi hiểu hơn ai hết những băn khoăn, nguyện vọng của người dân trên công cuộc thoát nghèo bền vững. Bởi chính gia đình ông từng là hộ nghèo, từng luẩn quẩn trong vòng đói nghèo bủa vây.
Cùng sự quan tâm sâu sát của Bí thư Chi bộ Túng Văn Khi, 7 đảng viên khác trong chi bộ cũng được phân công giúp các hộ nghèo. Các đảng viên tích cực tham mưu, đề xuất vấn đề mới phát sinh ở cơ sở để kịp thời tháo gỡ. Nhờ đó, từ bản nghèo nhất, nhì xã, nay tỷ lệ hộ nghèo của bản Nậm Vì giảm đáng kể, xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế. Như gia đình anh Đao Văn Đông từng là hộ “nghèo bền vững” của bản, từ khi được Bí thư Khi phụ trách, giúp đỡ, cuộc sống của gia đình anh đã thay đổi tích cực.
Anh Đao Văn Đông chia sẻ: Được Bí thư Chi bộ bản giúp đỡ, gia đình tôi rất mừng; phần vì được “cầm tay chỉ việc”, phần khác được học hỏi kinh nghiệm, kiến thức bởi Bí thư làm kinh tế giỏi lắm. Tin tưởng Bí thư Khi, gia đình tôi quyết định tận dụng diện tích đất sẵn có để phát triển chăn nuôi đại gia súc, trồng ngô và cây quế. Nhờ vậy, năm 2023 gia đình tôi đã thoát nghèo”.
Đảng bộ xã Nậm Vì có 132 đảng viên, sinh hoạt ở 13 chi bộ (trong đó 7 chi bộ bản). Hàng năm, căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ủy xã phân công từng đồng chí trong Ban Chấp hành phụ trách các bản, đảng viên phụ trách hộ nghèo. Đặc biệt, các chi bộ chỉ đạo các đảng viên phải luôn là người đi trước, làng nước theo sau trong mọi phong trào ở địa phương, mỗi đảng viên phụ trách 1 - 2 hộ nghèo.
Từ khi Đảng ủy xã Nậm Vì thực hiện việc phân công cán bộ, đảng viên phụ trách các hộ gia đình đã mang lại hiệu quả tích cực, đời sống của Nhân dân từng bước cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo ở mỗi bản giảm dần qua các năm. Năm 2023, với sự cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và toàn thể Nhân dân, toàn xã có 80 hộ thoát nghèo, tương đương giảm hơn 10% so với năm 2022 (giảm từ 61,4% xuống 50,9%).
Nhờ thay đổi tư duy, nhiều hộ nghèo nay đã trở thành điển hình kinh tế của xã như: Đao Văn Đông, Lò Văn Thuận với mô hình chăn nuôi gia súc; Lò Thị Phiên với mô hình chăn nuôi gia cầm…
Chi bộ nắm bản, đảng viên sát hộ
Những chi bộ ở vùng cao như Nậm Vì, các đảng viên đều được Chi bộ phân công nhiệm vụ cụ thể về nắm tình hình khu dân cư, giúp đỡ những hộ khó khăn; kịp thời động viên, tuyên truyền Nhân dân hiểu rõ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tập trung phát triển kinh tế. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo khi tiếp cận các nguồn vốn chính sách, các chương trình khuyến nông.
Trước đây, tư tưởng chung của người nghèo là không muốn thoát nghèo, có trường hợp không thuộc diện hộ nghèo nhưng “tình nguyện” làm hộ nghèo để được hưởng chế độ ưu đãi. Bởi thế, cán bộ đảng viên phải là người gương mẫu xin ra khỏi danh sách hộ nghèo thì mới vận động, giúp đỡ người nghèo thoát nghèo. Thực tiễn cho thấy, ở đâu cấp ủy, chính quyền biết phát huy vai trò nêu gương, tinh thần trách nhiệm của đảng viên thì nơi đó công cuộc giảm nghèo bớt khó khăn hơn.
Ông Bùi Minh Hải, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé cho biết: Đảng bộ huyện Mường Nhé có 44 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, hơn 2.700 đảng viên. Xác định tính tiền phong, gương mẫu của từng đảng viên có vai trò rất quan trọng trong công tác giảm nghèo tại cơ sở, nên Đảng bộ huyện luôn coi trọng củng cố tổ chức đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Cấp ủy các xã, thị trấn đưa chỉ tiêu giảm nghèo vào đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng. Bằng nhiều cách làm như: Hỗ trợ đào tạo nghề; tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, làm nhà đoàn kết, nhà tình nghĩa... đến nay hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 54%. Đi đầu trong thực hiện công tác này là Đảng bộ các xã: Nậm Vì, Quảng Lâm, Chung Chải, Sín Thầu.
Dẫu biết rằng việc thay đổi tư duy và nhận thức của người dân không thể một sớm một chiều. Đó là cả một quá trình lâu dài và vô cùng khó khăn. Song người vùng cao vốn rất trọng chữ tín, họ cam kết thoát nghèo thì chắc chắn sẽ cố gắng đến cùng và công việc của những người cán bộ, đảng viên là chỉ cho họ con đường đúng đắn.
Với chủ trương đó, không chỉ huyện Mường Nhé mà nhiều địa phương của tỉnh Điện Biên đã bền bỉ, vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Việc phân công cán bộ, đảng viên phụ trách được thực hiện bài bản trên tinh thần: Giao rõ người, đúng năng lực, sở trường, phù hợp ngành nghề đào tạo. Đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, sâu sát, kịp thời của Đảng đối với nhiệm vụ giảm nghèo bền vững.
Bài 3: “Lấp đầy” tiêu chí thiếu hụt