Làn gió mới trong công tác giảm nghèo (bài 3)

08:31 - Thứ Năm, 26/09/2024 Lượt xem: 2744 In bài viết

Bài 3: “Lấp đầy” tiêu chí thiếu hụt

ĐBP - Khơi dậy tinh thần tự lực, chủ động vươn lên thoát nghèo của người nghèo; thời gian qua, nhiều địa phương đã có cách làm hay, hiệu quả. Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, căn cứ thực tế các tiêu chí thiếu hụt, các huyện đã đa dạng sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất một cách phù hợp, tạo điều kiện để hộ nghèo “lấp đầy” tiêu chí thiếu hụt.

Bài 2: “Sợi chỉ đỏ” xuyên suốt tiến trình giảm nghèo

Bài 1: “Cho tôi xin ra khỏi hộ nghèo”

Niềm tin ở Nậm Đích

Ở bản vùng cao cách trung tâm xã hơn 40km, từ nhỏ anh Vàng A Hồ, bản Nậm Đích, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) chỉ biết quanh quẩn với nương rẫy; hết mùa trỉa ngô lại gieo lúa. Sinh kế gia đình phụ thuộc vào thiên nhiên là chính, sản xuất manh mún, phương thức canh tác lạc hậu. Bố mẹ anh Hồ vốn là hộ nghèo bền vững ở Nậm Đích, gia đình đông nhân khẩu nên khi anh quyết định lấy vợ, tách ra ở riêng rồi ước mong dựng được căn nhà kiên cố là việc khó như tìm đường lên trời. Vậy nên chẳng khó hiểu khi tách hộ từ năm 2013 anh Hồ tiếp tục “nối gót” bố mẹ trở thành hộ nghèo hơn chục năm ở Nậm Đích. Thế nhưng câu chuyện của gia đình anh Vàng A Hồ nay đã khác!

Một ngày cuối tháng 8, dù mặt trời đã lên cao nhưng anh Vàng A Hồ vẫn tất bật cùng các thợ mộc dựng khung nhà. Dù mồ hôi nhễ nhại song ánh mắt anh Hồ ánh lên niềm vui, sự phấn khởi bởi chỉ vài tuần nữa thôi, gia đình sẽ không còn phải sống trong căn nhà nhỏ xuống cấp, mục nát nữa.

Căn nhà mới 5 gian là “trái ngọt” của gia đình anh Hồ sau khi thay đổi tư duy, nỗ lực làm kinh tế. Anh Vàng A Hồ nhận thức rõ việc muốn thoát nghèo thì trước hết bản thân phải nỗ lực vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước như trước nữa. Nghĩ là làm, học xong lớp đào tạo nghề, anh đi làm thợ hàn ở TP. Hà Nội với mức thu nhập ổn định từ 15 -16 triệu đồng/tháng và trở thành hộ đầu tiên ở Nậm Đích đăng ký thoát nghèo.

Cùng sự nỗ lực của bản thân, anh Hồ nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ sau khi rà soát, đã hỗ trợ gia đình anh 40 triệu đồng để làm nhà từ nguồn vốn Dự án 5 (Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững). Dù số tiền hỗ trợ cùng tích lũy của gia đình chưa đủ để hoàn thiện căn nhà, song anh Vàng A Hồ không quá lo lắng, bởi anh tin tưởng mình đủ sức lao động tạo thu nhập để hết nghèo.

Không chỉ bằng lòng với niềm vui hoàn thành được ước mong là ngôi nhà mới, anh Hồ còn ấp ủ nhiều mục tiêu nữa. Bản được cấp điện lưới quốc gia chưa lâu, vì thế sau khi có nhà mới, anh Hồ dự định sẽ tiếp tục đi làm nghề dành tiền mua tivi và chiếc máy xát để làm dịch vụ, tăng thêm thu nhập. Căn nhà hoàn thành, có phương tiện nghe nhìn cũng là lúc gia đình anh lấp đầy tiêu chí còn thiếu hụt, chắc chắn trở thành hộ đăng ký thoát nghèo thành công ở Nậm Đích.

Là bản vùng sâu, vùng xa, Nậm Đích có 2 dân tộc Thái và Mông sinh sống. Đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao; nhất là còn thiếu hụt về chất lượng nhà ở, việc làm hoặc thiếu hụt về dinh dưỡng, sử dụng dịch vụ viễn thông, phương tiện tiếp cận thông tin… Thế nên, suy nghĩ và thành công bước đầu của anh Vàng A Hồ sẽ là tấm gương tiếp thêm động lực cho nhiều hộ nghèo, nhất là thanh niên trong bản nỗ lực vươn lên.

Chú trọng giảm theo địa chỉ

Gia đình anh Vàng A Hồ, bản Nậm Đích là một trong 5 trường hợp đăng ký thoát nghèo của xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) năm 2024. Trước đó, (năm 2023), Chà Nưa có 7 hộ nghèo đăng ký thoát nghèo và kết quả 100% các hộ đăng ký đã thoát nghèo thành công.

Dù người dân đã thay đổi nhận thức, nỗ lực làm kinh tế song thực tế để thoát nghèo bền vững thì chưa đủ. Dựa trên hoàn cảnh cụ thể của từng hộ nghèo, cấp ủy, chính quyền địa phương cần xây dựng kế hoạch và đề xuất hướng hỗ trợ hợp lý. Để thực hiện hiệu quả các nội dung ký kết giảm tỷ lệ hộ nghèo theo địa chỉ giữa Chủ tịch UBND huyện và Chủ tịch UBND các xã của Nậm Pồ, đảm bảo đạt và vượt mục tiêu giảm từ 6% hộ nghèo trở lên, UBND huyện Nậm Pồ xây dựng Kế hoạch tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa lãnh đạo huyện và các hộ đăng ký thoát nghèo. Song quá trình triển khai cũng gặp khó khăn khi chẳng có hộ nghèo nào nêu ý kiến cần hỗ trợ gì, thiếu hụt tiêu chí nào.

Ông Nguyễn Hữu Đại, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Để giảm nghèo hiệu quả, huyện Nậm Pồ xác định phải phát triển các mô hình sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập giúp hộ nghèo vững kinh tế. Như với chỉ số thiếu hụt về việc làm, mới đây huyện Nậm Pồ đã thực hiện rà soát, tìm hiểu tình hình cụ thể tình trạng việc làm, nguyện vọng của 31 hộ trong danh sách đăng ký thoát nghèo để vận động, tuyên truyền, tư vấn trực tiếp đối với những trường hợp chưa có việc làm. Trường hợp người dân không có tư liệu sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thì huyện giới thiệu, kết nối, tạo điều kiện tham gia học nghề và làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

 Về lâu dài để giải quyết bài toán việc làm tại chỗ, Nậm Pồ thực hiện tốt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, từng bước gắn sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, liên kết giữa người dân và doanh nghiệp như hiện nay đang triển khai ở một số mô hình cây quế, chanh leo. Cùng với đó là huyện cũng tranh thủ mọi nguồn lực để nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhất là đường, điện, thông tin để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất của người dân.

Không chỉ riêng Nậm Pồ, các huyện: Mường Ảng, Mường Nhé, Tủa Chùa, Điện Biên cũng đẩy mạnh các chương trình, dự án hỗ trợ đảm bảo thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo có địa chỉ. Các địa phương tăng cường thực hiện xã hội hóa hoạt động hỗ trợ thông qua vận động gây Quỹ vì người nghèo, các phong trào hỗ trợ hộ nghèo của các hội, đoàn thể; khuyến khích và tạo điều kiện cho các hoạt động thiện nguyện, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh; vận động sự chung tay của các doanh nghiệp... tạo nguồn lực “lấp đầy” các tiêu chí còn thiếu hụt.

Bài 4: Phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top