Làn gió mới trong công tác giảm nghèo (bài 4)

08:53 - Thứ Sáu, 27/09/2024 Lượt xem: 3138 In bài viết

Bài 4: Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững

ĐBP - Công tác giảm nghèo ở tỉnh Điện Biên đã đạt nhiều kết quả tích cực song vẫn còn nhiều việc phải làm. Giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới là mục tiêu mà tỉnh đã và đang hướng đến. Đạt mục tiêu đề ra đó, tỉnh ta triển khai quyết liệt, linh hoạt nhiều giải pháp phù hợp, sát thực tế; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn đặc biệt khó khăn.

Bài 3: “Lấp đầy” tiêu chí thiếu hụt

Bài 2: “Sợi chỉ đỏ” xuyên suốt tiến trình giảm nghèo

Bài 1: “Cho tôi xin ra khỏi hộ nghèo”

Không để người nghèo tái nghèo

“Thoát nghèo - tái nghèo” là vòng luẩn quẩn, nỗi lo không chỉ với người vừa thoát nghèo mà còn cả cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt ở địa bàn khó khăn, miền núi. Với người nghèo, thoát nghèo đã khó nhưng để không trở lại “điểm xuất phát” thì càng cần sự quyết tâm, nỗ lực hơn rất nhiều.

Với đặc thù người dân tộc thiểu số chiếm 95% dân số, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, công tác giảm nghèo của huyện Mường Chà đạt những kết quả đáng khích lệ. Căn cứ điều kiện, đặc điểm, lợi thế và nhu cầu thiết thực của người dân, các xã được trao quyền chủ động lựa chọn nội dung nào cần làm trước, nội dung nào cần làm sau, mức độ làm đến đâu để phù hợp.

Chắt lọc kinh nghiệm từ nhiều địa phương trong công tác giảm nghèo bền vững, không để hộ nghèo tái nghèo, huyện Mường Chà đã chọn lựa các mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế hiệu quả. Tiêu biểu như việc liên kết của xã Mường Mươn với Hợp tác xã Nam Dương (thị trấn Mường Chà) khi trồng 18,4ha bí xanh tại các bản: Mường Mươn 1, Huổi Vang, Púng Giắt 1, Púng Giắt 2.

Vốn quen với lối canh tác truyền thống, khi triển khai mô hình không ít người dân băn khoăn về hiệu quả kinh tế của cây bí xanh mang lại. Bởi vậy, để thu hút sự tham gia tích cực của người dân thì việc tuyên truyền vận động được xã Mường Mươn coi là giải pháp hàng đầu. Chỉ sau 1 vụ thu hoạch, bí xanh đã trở thành cây giảm nghèo của xã.

Là gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chồng mất do tai nạn chị Lò Thị Dung, bản Púng Giắt 2, xã Mường Mươn một mình nuôi 2 đứa con thơ. Sau khi được các cấp, chính quyền quan tâm hỗ trợ làm nhà ở, không muốn tái nghèo chị Lò Thị Dung tích cực tham gia mô hình trồng bí xanh.

Trong căn nhà mới đang trong giai đoạn hoàn thiện nằm dọc đường Quốc lộ 12, chị Lò Thị Dung cho biết: “Trước đây bà con chỉ trồng 1 vụ lúa/năm nhưng thiếu nước nên năng suất, chất lượng rất kém. Với muốn thoát nghèo bền vững, tôi chuyển sang trồng bí xanh do xã triển khai, mỗi năm thu 2 vụ, giá trung bình 6 - 8 nghìn đồng/kg. Nhờ đó, gia đình tôi đã có thêm nguồn thu nhập ổn định.”

Trên đà thắng lợi đó, từ mô hình trồng bí xanh đầu tiên với diện tích 2,6ha, đến nay toàn huyện Mường Chà có hơn 28ha bí mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Với đặc thù là tỉnh miền núi biên giới, 82% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bởi vậy, khi triển khai thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã nhất quán với chỉ đạo: Các cấp, các ngành và mỗi cán bộ, đảng viên phải vào cuộc thực hiện tốt các chương trình, dự án giảm nghèo, tạo sinh kế ổn định cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, biên giới.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Điện Biên được Trung ương giao tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững hơn 2.063 tỷ đồng. Vốn thực hiện năm 2023 trên 984 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương giao hơn 957 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 27 tỷ đồng) và nguồn vốn huy động khác 450 triệu đồng, để triển khai 7 dự án như: Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất; phát triển giáo dục nghề nghiệp...

Tỉnh đã ban hành 13 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó HĐND tỉnh ban hành 7 nghị quyết; UBND ban hành 6 quyết định) quy định cụ thể để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững.

Để chỉ đạo thực hiện xuyên suốt, thống nhất, 10/10 huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG do Chủ tịch UBND cấp huyện làm trưởng ban chỉ đạo; xây dựng quy chế hoạt động; phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách từng địa bàn. Tương tự với cấp xã cũng thành lập Ban Quản lý thực hiện các chương trình MTQG do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên, tổ chức đoàn thể phụ trách, giúp đỡ thôn, bản.

Những kết quả tích cực

Với các giải pháp tổng thể từ tỉnh, huyện đến cơ sở, Chương trình Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Điện Biên ngày một khởi sắc.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Triển khai thực hiện các chương trình giảm nghèo, 7 huyện thuộc nhóm huyện nghèo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022, gồm: Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà, Mường Nhé và Nậm Pồ đã tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn. Nhất là vốn Chương trình Giảm nghèo bền vững để hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; cùng với đó là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của hộ nghèo.

Đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 25,68% (giảm 4,6% so với năm 2022, đạt 116% so với kế hoạch). Trong đó, tại các huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,7% so với năm 2022 (đạt 122% so với  kế hoạch); góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Minh chứng cho kết quả này là thành quả mà cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ và HTX Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn có được dù mới đi vào hoạt động hơn một năm. Dù chỉ một lần đến thăm mô hình song ai cũng ngỡ ngàng bởi trước đây, những quả đồi khô cằn gần như bị bỏ hoang, khắp triền dốc chỉ có cỏ gianh lô xô mọc thì nay đã được thay thế bởi những thửa liền thửa, giá đỡ, nhà lưới, nhà kính và hệ thống tưới nước, phun sương tự động hiện đại.

 Nhiều người dân ở Si Pa Phìn vốn quen với lối canh tác truyền thống manh mún, phụ thuộc vào thiên nhiên nay trở thành công nhân với mức thu nhập ổn định từ 8 triệu đồng/tháng. Đó là thành quả khi Ban Thường vụ Huyện ủy Nậm Pồ ban hành riêng một Nghị quyết chuyên đề về phát triển vùng nguyên liệu cây chanh leo, cây quế và phát triển vùng sản xuất rau, củ, quả an toàn giai đoạn 2023 - 2025. Nhận thấy sinh kế của đại đa số đồng bào các dân tộc nhờ vào sản xuất nông nghiệp, huyện tập trung triển khai nhanh, quyết liệt các dự án liên quan đến sản xuất, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp; góp phần không nhỏ trong cuộc cách mạng giảm nghèo bền vững, thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hành trình giảm nghèo bền vững phía trước còn không ít gian nan khi giai đoạn 2021 - 2025, Điện Biên phấn đấu mỗi năm giảm từ 4% trở lên tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều; trong đó, các huyện nghèo giảm trung bình từ 5,5% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 5% trở lên. Năm 2025 tỉnh có 2 huyện thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 18,9%...

Để đạt mục tiêu đó, Điện Biên xác định vừa phát huy kết quả đạt được, vừa tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong công tác giảm nghèo bền vững. Đặc biệt là tiếp tục khơi dậy, phát huy hơn nữa ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo của người nghèo. Đồng thời, tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nhất là vốn Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững để hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top