Nhân rộng các mô hình kinh tế tiêu biểu trên đất Quang Bình

15:36 - Thứ Sáu, 27/09/2024 Lượt xem: 1981 In bài viết

Bằng sự sáng tạo, cần cù, chịu thương, chịu khó, những người nông dân huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang đã mạnh dạn đầu tư, phát triển các mô hình kinh tế tiêu biểu gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Từ đó, đem lại thu nhập cao và cuộc sống ổn định cho người dân, mở rộng các hình thức liên kết, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Năm 2024, mô hình trồng dưa Vàng của gia đình chị Nguyễn Thị Hiền Lương, tổ 4, thị trấn Yên Bình được Nhà nước hỗ trợ 50% giá giống, giá phân bón, vật tư nông nghiệp, màng phủ, ống nhựa, hệ thống tưới nước cho cây vận hành tự động. Mô hình được thực hiện trên diện tích 2.000m2, trong đó, dưa trồng trong nhà lưới là 1.000 m2 và trồng ngoài trời là 1.000m2. Sau quá trình đầu tư, chăm sóc khoảng hơn 2 tháng, cây dưa Vàng đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 2,8 - 3 kg/quả. Với 2.000 cây dưa trồng trong nhà lưới đã cho tổng sản lượng thu hoạch khoảng 5,6 tấn, giá bán tại vườn 30.000 đồng/kg, tương đương với số tiền thu được là 170 triệu đồng/vụ.

Mô hình trồng dưa Vàng của chị Nguyễn Thị Hiền Lương, tổ 4, thị trấn Yên Bình cho hiệu quả kinh tế cao.

Qua đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình trồng dưa Vàng, gia đình chị đã mở rộng diện tích và trồng gối vụ để bán thường xuyên và liên tục. Theo chị Lương, giống dưa Vàng là cây trồng ngắn ngày, nếu trồng trong nhà lưới sẽ dễ chăm sóc hơn, ít bị các loại sâu bệnh hơn. Việc trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, góp phần làm thay đổi tư duy, thói quen, tập quán canh tác từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp sạch gắn với nhu cầu của thị trường.

Năm 2017, anh Từ Văn Hoạt, thôn Trung, xã Vĩ Thượng tiên phong, đi đầu chuyển hướng sang trồng cây Thanh long ruột đỏ với quy mô hơn 800 gốc. Ban đầu, anh gặp không ít khó khăn trong việc áp dụng các kỹ thuật chăm sóc cây Thanh long, bởi loại cây này thường hay bị sâu bệnh, nấm, vi khuẩn và côn trùng gây hại. Để kiểm soát và phòng ngừa sâu bệnh, anh đã áp dụng các biện pháp sinh học, sử dụng phân bón hữu cơ, trong những tháng mùa khô, cây Thanh long được tưới nước đều đặn, cung cấp đủ dưỡng chất để sinh trưởng, phát triển tốt. Nhờ sự kiên trì và quyết tâm của anh, cây Thanh long đã mang lại trái ngọt, thương lái đến thu mua tận nơi với giá bán từ 15 - 20.000 đồng/kg, đem lại hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Người dân xã Vĩ Thượng nhân rộng mô hình trồng cây Thanh long ruột đỏ.

Ngoài trồng Thanh long, năm 2022, anh Hoạt tiếp tục mở rộng mô hình kinh tế của mình bằng việc nuôi dê theo hình thức chăn thả. Nhận thấy việc chăn nuôi dê phù hợp với điều kiện của vùng vì có nguồn cỏ, đồng đất rộng lớn, anh đã vay vốn 70 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân để làm chuồng trại, tăng số lượng đàn dê. So với những vật nuôi khác, dê thương phẩm dễ tiêu thụ trên thị trường, giá bán đạt 140.000 đồng/kg. Thông qua các mô hình kinh tế, thu nhập của gia đình anh đạt trên 150 triệu đồng/năm. Sự nỗ lực vươn lên của anh đã trở thành động lực khích lệ nhiều nông dân khác trong xã tích cực học hỏi, đưa các phương pháp mới vào trồng trọt, chăn nuôi để làm giàu ngay trên chính đồng đất quê hương.

Nhiều năm qua, gia đình anh Vũ Văn Huynh, thôn Thượng, xã Bằng Lang đã duy trì tốt mô hình nuôi lợn rừng lai. Trong chuồng nuôi lúc nào cũng có gần 300 con lợn, mỗi năm xuất bán 2 lứa, mỗi lứa 150 - 200 con, lợn xuất chuồng đạt cân nặng từ 30 - 40 kg, giá bán là 120.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, anh còn cung cấp con giống, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng và chữa bệnh cho đàn lợn. Anh Huynh cho biết: “Mô hình nuôi lợn rừng lai có thể tận dụng nguồn phụ phẩm dễ tìm, sẵn có ở xung quanh để làm thức ăn, nhờ đó, giảm được chi phí chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân”.

Hiện nay, đa số các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Quang Bình khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tiếp cận với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh, huyện để đầu tư phát triển sản xuất. Trong đó, ưu tiên phát triển các cây, con có thế mạnh, tích cực chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến khích thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, tạo sự liên kết vững chắc trong sản xuất nông nghiệp.

Bài, ảnh: MỘC LAN
Bình luận

Tin khác

Back To Top