Hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững

12:45 - Thứ Bảy, 28/09/2024 Lượt xem: 3426 In bài viết

ĐBP - Điện Biên là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Với lợi thế đó, tỉnh Điện Biên đã và đang hướng tới xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững. Trên cơ sở tận dụng tối đa ưu thế về điều kiện tự nhiên kết hợp với áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn.

Ông Phạm Văn Dưỡng chăm sóc đàn cá trong ao của gia đình.

Đến thăm mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của gia đình ông Phạm Văn Dưỡng, thôn Hoàng Yên, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên), chúng tôi mới thấy được sự đầu tư trong chăn nuôi, trồng trọt của người nông dân này. Với lợi thế về diện tích đất sản xuất lớn, ông Dưỡng đã đào ao thả cá kết hợp với chăn nuôi và trồng cây ăn quả (cam, xoài, mít, bưởi...). Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn kết hợp với tinh thần ham học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đến nay, mô hình kinh tế của gia đình ông Dưỡng đã phát triển ổn định. Dẫn chúng tôi tham quan mô hình phát triển kinh tế của gia đình, ông Dưỡng chia sẻ: “Để xây dựng được mô hình kinh tế này, tôi đã đi tham khảo và học tập ở nhiều nơi. Nhận thấy điều kiện của gia đình có thể đáp ứng được yêu cầu làm kinh tế tổng hợp nên tôi đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Thời gian đầu khó khăn về vốn, song sau quá trình tích lũy, đến nay kinh tế gia đình tôi đã dần ổn định. Hàng năm, gia đình tôi xuất bán ra thị trường 25 tấn cá thương phẩm; 3 tấn lợn, gà, vịt thịt cùng với nguồn thu từ việc trồng cây lấy gỗ, các loại cây ăn quả, sau khi trừ các chi phí cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng”.

Nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng về các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, Công ty TNHH Trà Phan Nhất Điện Biên đã đổi mới phương pháp canh tác, sản xuất chè nhằm hạn chế các loại thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với việc áp dụng những tiến bộ khoa học, công ty đã chú trọng sử dụng các sản phẩm sinh học, thân thiện với môi trường nhằm sản xuất ra các sản phẩm hữu cơ để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái.

Công ty TNHH Trà Phan Nhất Điện Biên sử dụng các sản phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh hại.

Ông Phan Trọng Nhất, Giám đốc Công ty TNHH Trà Phan Nhất Điện Biên cho biết: “Qua tìm hiểu và phân tích khu vực bãi Pháy Váng này rất phù hợp để trồng hữu cơ thì tôi tiến đến tìm hiểu về giống trồng chè. Công ty cũng có liên kết với Viện chứng nhận hữu cơ cố vấn và giúp đỡ đơn vị làm chứng nhận hữu cơ… Thời gian đầu canh tác theo hướng hữu cơ vất vả lắm, khi đó cỏ mọc nhiều nên chúng tôi phải thuê nhiều nhân công làm cỏ, chi phí lớn. Đổi lại, đến nay, cũng rất là vui vì trong bãi chè này tôi có cảm nhận rằng đang được cân bằng sinh thái, sâu bệnh rất ít, các vi sinh vật, côn trùng có lợi đang phát triển có lợi cho cây trồng…”.

Những năm gần đây, nhiều nông dân đã chủ động tiếp cận với nền nông nghiệp công nghệ cao. Các mô hình sản xuất trong nhà kính, nhà màng, nhà lưới; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm dần hình thành, đem lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, tỉnh Điện Biên cũng hướng tới đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng bền vững, góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch của người dân cũng như nâng cao giá trị sản phẩm của địa phương. Để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng bền vững, tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn, có tính cạnh tranh cao; đồng thời hướng tới phát triển các sản phẩm thế mạnh thành sản phẩm OCOP, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP. Trên cơ sở đó, nhiều mô hình kinh tế mới, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã hình thành và tạo nên một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả bền vững, lâu dài.

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học vào quá trình canh tác đã tạo ra các sản phẩm chè sạch và an toàn cho người tiêu dùng.

Bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Việc ứng dụng các mô hình kinh tế mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua, thông qua các mô hình là bước đánh giá sự phù hợp của các đối tượng cây trồng, vật nuôi vào địa bàn. Qua các kết quả khả quan, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng; chính những mô hình đã thành công là điều kiện cho bà con tiếp cận với các giải pháp xóa đói, giảm nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình…

Những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh chuyển dịch theo hướng phát triển tích cực. Qua đó, từng bước xây dựng mô hình nông nghiệp sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng và đảm bảo an toàn; tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bài, ảnh: Quang Hưng
Bình luận

Tin khác

Back To Top