Nguy cơ “được giá, mất mùa” với nông dân huyện Điện Biên

09:58 - Thứ Hai, 30/09/2024 Lượt xem: 3817 In bài viết

ĐBP - Hiện là thời điểm nông dân huyện Điện Biên đang vào vụ thu hoạch lúa mùa năm 2024. Tuy nhiên, vụ mùa năm nay được đánh giá không mấy thuận lợi, mưa lớn kéo dài, gió lốc, sạt lở đất… đã làm hàng trăm héc ta lúa bị mất trắng, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng lúa. Trong khi các đầu mối thu mua với mức giá cao lại không có thóc để bán, càng khiến người nông dân thêm tiếc nuối…

Những diện tích lúa tại bản Noong Ứng, xã Thanh An bị đổ khiến năng suất, chất lượng giảm, không thể dùng máy gặt, gây tăng chi phí thu hoạch.

Những ngày này, trên khắp cánh đồng khu vực lòng chảo Mường Thanh, nông dân đang bước vào thu hoạch chính vụ lúa mùa năm 2024. Khác với niềm vui mỗi vụ thu hoạch “ngọc Mường Trời”, năm nay, niềm ưu tư thể hiện trên từng gương mặt người dân nơi đây. Ông Lù Văn Hội, bản Noong Ứng, xã Thanh An (huyện Điện Biên) ngậm ngùi chia sẻ với chúng tôi khi nhìn thành quả của gia đình bị mất do ảnh hưởng của thời tiết: “Vụ mùa năm nay, gia đình tôi gieo cấy hơn 3.000m2 lúa. Đúng thời kỳ quan trọng nhất trong chu kỳ sinh trưởng lúa là lúc trổ đòng thì xảy ra mưa lớn, gió mạnh khiến nửa diện tích lúa của gia đình bị đổ. Mặc dù biết gặt khi lúa vẫn chưa chín đều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất nhưng gia đình vẫn quyết định thu hoạch, vì để lâu những diện tích lúa đổ có nguy cơ bị thối, có thể mất trắng. Vụ mùa năm 2023, với 1.000m2 gieo cấy gia đình thu được 6 - 7 tạ lúa, nhưng năm nay chỉ thu được 3,5 - 4 tạ với cùng diện tích. Vụ trước, tuy giá lúa không cao như bây giờ nhưng gia đình còn được năng suất, trừ chi phí và để lại ăn thì gia đình vẫn có thể bán được từ 1 - 2 tấn. Tính ra vụ này chỉ đủ chi phí giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công gặt. Mặc dù thời điểm hiện tại giá thóc tăng cao, tuy nhiên nhà lại không có thóc để bán”.

Ông Nguyễn Văn Luyển, Phó Chủ tịch UBND xã Pom Lót cho biết: Diện tích trồng lúa vụ mùa 2024 của xã trên 280ha, trong đó tập trung vào các giống lúa như Bắc thơm số 7, Séng cù, Hana và nếp... Ngoài thiên tai gây ra đổ và ngập úng trên diện tích lúa, mưa nhiều là nguyên nhân, điều kiện để sâu bệnh hại phát triển. Khi cây lúa trổ bông gặp mưa nhiều tạo độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho các bệnh gây hại lúa như: Khô vằn, cháy lá, đạo ôn, rầy các loại tiếp tục phát sinh và gia tăng mật độ gây hại trên diện tích lúa. Qua đánh giá từ cơ quan chuyên môn, xã Pom Lót ngoài chịu ảnh hưởng từ thời tiết, xã còn chịu ảnh hưởng rất lớn từ các loại sâu bệnh hại dẫn đến sản lượng cũng như năng suất giảm. Dự ước năng suất bình quân đạt 63 tạ/ha, sản lượng gần 2.000 tấn, giảm từ 2 - 3% so với vụ mùa năm trước.

Giá các sản phẩm từ thóc, gạo tăng từ 2 - 3 nghìn đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Trong ảnh: Gạo thành phẩm tại cơ sở xay xát ở xã Thanh An, huyện Điện Biên.

Năng suất, sản lượng sụt giảm, giá lúa tăng, có nhiều nguyên nhân. Theo đại diện xưởng xay xát Hai Trang (xã Thanh An, huyện Điện Biên) - cơ sở chuyên thu mua, xay xát, kinh doanh lương thực từ thóc, gạo lý giải: Hàng năm, vào dịp cuối năm cần số lượng lớn các sản phẩm từ thóc, gạo nên các đơn vị tư nhân, doanh nghiệp kinh doanh lương thực đứng chân trên địa bàn xuất số lượng lớn sản phẩm thóc, gạo đi các tỉnh thành. Hiện nay, mặc dù thương lái đã đồng loạt tăng giá thóc mua vào; mặt khác, không chỉ riêng huyện Điện Biên, các địa phương khác cũng bị mất mùa bởi ảnh hưởng từ thời tiết nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ thóc, gạo vận chuyển đi các tỉnh càng tăng cao, "cung không đáp ứng cầu". Thời điểm hiện tại, giá thóc tăng từ 2 - 3 nghìn đồng/kg so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, giá thóc Bắc thơm số 7 dao động từ 12 - 17 nghìn đồng/kg, Séng cù từ 17 - 18 nghìn đồng/kg, nếp ruộng dao động 10,5 - 11 nghìn đồng/kg...

Mặc dù giá thóc tăng, nhưng đối với các đơn vị thu mua thóc vẫn không mua được hàng, bởi đã xuất hiện tình trạng một số các hộ dân sau khi thu hoạch thấy giá cả có chiều hướng tăng nên đã giữ lại, không xuất bán, với mong muốn giá còn tăng nữa, điều này cũng gây ra khan hiếm cục bộ lúa xuất bán trên thị trường huyện Điện Biên. Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Vụ mùa 2024 là vụ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Đến thời điểm này, huyện đã thu hoạch hơn 2.000ha trong tổng số trên 5.100ha lúa mùa 2024. Do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài, kèm với gió lốc khiến hơn 160ha lúa bị đổ và mất trắng hoàn toàn trên 120ha (tại xã Mường Pồn), một số địa bàn ảnh hưởng từ 30 - 70%. Điều này ảnh hưởng lớn đến năng suất cũng như sản lượng lúa toàn huyện. Qua đánh giá từ phía cơ quan chuyên môn, năng suất ước đạt 60 - 62 tạ/ha, sản lượng trên 32.686 tấn, giảm 640,1 tấn so với kế hoạch.

Thu hoạch lúa mùa trên cánh đồng xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên.

Theo ông Bách, trên cơ sở dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong thời gian sắp tới, nhiều khả năng xuất hiện đợt mưa lớn trên diện rộng, có thể gây bất lợi cho quá trình thu hoạch. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, cơ quan chuyên môn có văn bản hướng dẫn các xã khẩn trương thu hoạch những diện tích lúa đã chín với phương châm "xanh nhà hơn già đồng", ưu tiên thu hoạch các diện tích lúa vùng sâu, dễ bị ảnh hưởng do ngập úng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, dự kiến đến ngày 5/10 cơ bản thu hoạch xong diện tích lúa mùa. “Về vấn đề biến động thị trường lúa gạo trên địa bàn huyện, hiện nay Phòng đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, nắm bắt sát tình hình để tham mưu UBND huyện có hướng chỉ đạo kịp thời, không để ảnh hưởng đến tình hình thị trường, an ninh lương thực” - ông Bách cho biết thêm.

Bài, ảnh:  Quang Hùng
Bình luận

Tin khác

Back To Top