Ngành dệt may Việt Nam: Mở rộng thị phần ngay trên “sân nhà”

08:56 - Thứ Ba, 01/10/2024 Lượt xem: 3073 In bài viết

Cùng với nỗ lực vươn ra thế giới, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn tập trung vào thị trường nội địa khi tiếp tục đưa ra nhiều chiến lược phát triển.

Với phân khúc sản phẩm đa dạng, chú trọng về chất lượng gắn với xu thế tiêu dùng, dệt may Việt Nam kỳ vọng ngày càng mở rộng thị phần ngay trên “sân nhà”.

Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại một cửa hàng của Tổng công ty May 10-CTCP ở phố Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Nguyễn Vĩnh

Tập trung vào thị trường nội địa

Không chỉ khẳng định vị thế hàng đầu về xuất khẩu trong ngành dệt may Việt Nam, Tổng công ty May 10- CTCP (May 10) còn tập trung phát triển thị trường trong nước.

Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt cho biết, đây là một phần trong chiến lược trung và dài hạn của đơn vị trong nhiều năm qua. Bên cạnh thương hiệu truyền thống Grus đã gắn liền với thị trường trong nước hơn 30 năm qua, May 10 còn phát triển nhiều dòng sản phẩm tại thị trường nội địa như: May 10 Expert, May 10 Series, May 10 Classic, May10 Classic Suit… Đồng thời, doanh nghiêp này tiếp tục cho ra mắt thêm các thương hiệu thời trang dành cho các đối tượng, như: Thời trang nữ cao cấp DeTheia, thời trang trẻ Generos...

Tất cả những sản phẩm của May 10 từ veston, sơmi, jackets, quần tây các loại... dành cho người tiêu dùng trong nước đều được kiểm tra chặt chẽ, thậm chí hơn hàng xuất khẩu.

Từ năm 2005, May 10 đã chủ động chiếm lĩnh thị trường trong nước bằng cách nghiên cứu thành công bảng thông số chuẩn kích cỡ người Việt Nam, từ đó tung ra thị trường trong nước với các nhãn hiệu được người tiêu dùng VN yêu thích, thỏa mãn yêu cầu của nhiều đối tượng từ các chính khách, nhà quản lý, nhà ngoại giao, các thương gia đến mọi giai tầng trong xã hội.

Đặc biệt, trong năm 2023-2024, May 10 tiếp tục triển khai nhiều dự án lớn như chuỗi trung tâm thời trang May 10 Centurion, hệ thống cửa hàng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, thành phố Hồ Chí Minh… hoạt động theo mô hình trung tâm thời trang với đa dạng các sản phẩm, nhãn hiệu, mẫu mã. Với 7 cửa hàng và đại lý được mở mới trong 8 tháng năm 2024, đến nay May 10 đã sở hữu hơn 200 cửa hàng, đại lý tại Hà Nội và các tỉnh, thành trong nước. May 10 cũng tập trung phát triển kênh phân phối thương mại điện tử và đa dạng phương thức bán hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời đại công nghệ số.

Tương tự, từ đầu năm đến nay, Tổng công ty Đức Giang cũng liên tục mở mới các cửa hàng giới thiệu sản phẩm thuộc thương hiệu thời trang HeraDG, S.PEARL. Tổng Giám đốc Tổng công ty Đức Giang Phạm Tiến Lâm cho hay, công ty coi phát triển thị trường nội địa là một trong những chiến lược quan trọng. Trong điều kiện thị trường bán lẻ cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc Tổng công ty Đức Giang tiếp tục giới thiệu đến khách hàng trong nước không gian mua sắm mới là minh chứng cho việc phát triển thị trường nội địa bằng những sản phẩm thời trang chất lượng.

Hiện nhiều nhãn hàng thời trang Việt Nam đã liên tục mở rộng điểm bán tại thị trường nội địa. Thông qua đó, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã xây dựng phân khúc sản phẩm và đối tượng khách hàng riêng, từ đó dần tạo ra giá trị và khẳng định vị thế trên thị trường thời trang nội địa, như: Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến, Tổng công ty May Nhà Bè - CTCP, Tổng công ty cổ phần Dệt May Hòa Thọ… Chất lượng sản phẩm với những thiết kế độc đáo, sáng tạo, mới lạ, gắn với xu hướng xanh và tiêu dùng thuận lợi cho người tiêu dùng đang được các doanh nghiệp phát huy để chiếm lĩnh thị trường nội địa, kéo người tiêu dùng Việt ưu tiên dùng hàng Việt…

Sản xuất hàng may mặc tại Công ty cổ phần May Sơn Hà (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Nguyễn Quang

Nâng chất lượng, giữ thị phần

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm khẳng định, ngành dệt may Việt Nam phải “đi bằng hai chân”, vừa đẩy mạnh xuất khẩu, vừa phục vụ thị trường trong nước. Với dân số 100 triệu người và thu nhập của người dân ngày càng tăng, nếu khoảng 15% thu nhập dành cho tiêu dùng thì dung lượng của thị trường nội địa sẽ đạt khoảng 7 tỷ USD vào năm 2025. Hiện nay, các doanh nghiệp ngành dệt may đã có nhiều thay đổi trong tư duy sản xuất, thiết kế mẫu mã, sử dụng đa dạng nguyên, phụ liệu để phù hợp với nhu cầu từng vùng miền, lứa tuổi, thu nhập...

Phó Tổng Giám đốc May 10 Hoàng Thế Nhu cho biết, công ty tập trung vào chất lượng, thẩm mỹ sản phẩm bằng cách đầu tư đội ngũ thiết kế với hơn 30 nhà thiết kế và 200 nhân viên phát triển sản phẩm mới cho thị trường nội địa. Trí tuệ nhân tạo cũng được áp dụng vào khâu thiết kế với tốc độ ra mẫu và trình độ có thể sánh ngang các nhà thiết kế trên thế giới. Công ty cũng chú trọng đầu tư nhà xưởng theo tiêu chuẩn xanh và tăng tỷ trọng sử dụng các loại sợi thân thiện môi trường như bông, tre, cà phê…

Trong khi đó, nhãn hiệu thời trang YODY liên tục phát triển các dòng sản phẩm từ sản phẩm mặc ở nhà tới đi chơi, đi làm dành cho trẻ em và người lớn cùng mức giá hợp lý. Đến nay, thương hiệu có 270 cửa hàng được mở rộng trên toàn quốc này đang dần trở nên quen thuộc với nhiều người tiêu dùng Việt Nam.

Còn đại diện Tổng công ty Đức Giang cho biết, doanh nghiệp luôn nỗ lực đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, thường xuyên thay đổi mẫu mã qua các bộ sưu tập mới theo xu hướng ứng dụng, ưu tiên sử dụng nguyên liệu tái tạo, thân thiện với môi trường. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về các tiêu chí thời trang, tái tạo và giảm phát thải khí các bon mà còn giúp nâng cao vị thế, gia tăng giá trị và thị phần cho doanh nghiệp.

Được đánh giá là thị trường thời trang có sức hút lớn, những năm qua, hàng trăm hãng thời trang lớn thế giới đã liên tục “đổ bộ” vào Việt Nam với hệ thống cửa hàng rộng khắp.

Các chuyên gia cho rằng, để không bị đánh mất thị phần ngay tại "sân nhà", doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần không ngừng đổi mới và phát triển về mọi mặt, gia tăng giá trị sản phẩm, liên tục ra mắt các thiết kế mới, đồng thời tạo đột phá với bản sắc riêng, lối đi riêng cùng cách tiếp cận thân thiện với người tiêu dùng.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top