Hụt nguồn cung, rau xanh tăng giá

15:19 - Thứ Sáu, 04/10/2024 Lượt xem: 3754 In bài viết

ĐBP - Nếu như các năm trước, thời điểm này rau vụ thu đông đã tràn ngập tại các khu chợ với nhiều loại rau cải, súp lơ, bí xanh, bí đỏ, dưa chuột… thì năm nay lại rơi vào tình trạng khan hàng. Giá rau xanh tăng cao đã giúp nhiều nông dân vùng lòng chảo của tỉnh được mùa song do nguồn cung giảm, biến động giá lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đến các tiểu thương và người tiêu dùng.

Kể từ khi bắt đầu trồng bí xanh vào năm 2014, gia đình anh Trần Văn Hiển, thôn Đại Thanh, xã Noong Luống (huyện Điện Biên) đã trải qua nhiều thăng trầm trong sản xuất. Tuy nhiên, vụ bí mới đây đã mang đến cho gia đình anh niềm vui. Với 1.800m2 trồng bí xanh, anh đã bắt đầu cho thu hoạch vào ngày 2/10 và thương lái đã tìm đến tận nơi để thu mua với giá 19 nghìn đồng/kg.

Theo chia sẻ của anh Trần Văn Hiển: Giá bí xanh trong những vụ trước đây chỉ dao động từ 2 - 3 nghìn đồng/kg, khiến việc trồng loại cây này trở nên kém hiệu quả, gia đình không mở rộng diện tích. Nhưng năm nay, tình hình thị trường đã khác. Với giá bán hiện tại, nếu chăm sóc tốt, vườn bí xanh sẽ mang về lợi nhuận gấp 6 - 7 lần so với những vụ trước.

Không chỉ gia đình anh Hiển mà với nhiều nông dân cùng thôn hoặc ở thôn khác như: A1, Đại Thành, On của xã Noong Luống và một số xã vùng lòng chảo Điện Biên. Trồng rau màu đã trở thành nghề mang lại thu nhập ổn định với nhiều nông dân vùng lòng chảo.  

Gia đình anh Trần Văn Hiển thôn Đại Thanh, xã Noong Luống, huyện Điện Biên chăm sóc bí xanh.

Ông Trần Thế Hoàn, Chủ tịch UBND xã Noong Luống, huyện Điện Biên cho biết: Hiện nay, xã Noong Luống có 95ha rau màu chủ yếu là các loại: Đỗ leo, cà chua, dưa chuột, mướp đắng, bí xanh. Trong đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn xã bị thiệt hại không đáng kể, chỉ khoảng 4ha gồm 1ha các loại rau, đỗ còn lại là diện tích ngô, nên không tác động đến việc tăng giá. Tuy nhiên đợt mưa lũ, đặc biệt là cơn bão số 3 đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều tỉnh, thành phía Bắc, dẫn đến tình trạng khan hiếm rau xanh. Trong khi đó, sản lượng rau xanh của xã Noong Luống chỉ bán một phần nhu cầu tiêu dùng tại địa phương, còn lại phần lớn được tiêu thụ ở các tỉnh miền xuôi như: Hà Nội, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang và Thái Nguyên. Do vậy, khi nguồn cung rau xanh từ các địa phương khác bị suy giảm, sản lượng rau của xã càng trở nên khan hiếm, khiến giá cả tăng cao hơn so với ngày thường.

Tình trạng trên mặc dù giúp nhiều nông dân trên địa bàn xã có nguồn thu đáng kể song cũng ảnh hưởng đến người tiêu dùng và còn tạo áp lực tại địa phương trong việc cung ứng hàng hóa.

Lượng rau xanh cả trong chợ tập trung hay chợ tạm đều ít.

Khảo sát tại một số chợ như Chợ Trung tâm 1, Chợ Trung tâm 3 và Chợ Noong Bua (TP. Điện Biên Phủ) cho thấy số lượng rau xanh bày bán hiện nay giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm trước. Đây là thời điểm giao mùa, khiến rau vụ đông chưa vào mùa thu hoạch rộ, trong khi rau vụ hè (như rau muống, mùng tơi và rau dền) sắp hết mùa, dẫn đến sự thiếu hụt sản lượng và không đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Nhiều tiểu thương tại các chợ cho hay: Trong khi người nông dân sản xuất rau ở vùng lòng chảo bán được giá cao cho thương lái, thì ngay tại địa phương các tiểu thương lại gặp khó khăn. Rau xanh khan hiếm khiến lượng hàng hóa được bày bán rất ít. Hiện tại, các tiểu thương chỉ nhập về khoảng 1/3 lượng rau so với trước đây, khiến họ buộc phải điều chỉnh để đảm bảo đủ hàng bán cho người tiêu dùng. Để bù đắp cho sự thiếu hụt rau xanh, các tiểu thương đã tăng cường khai thác thêm từ Đà Lạt, các tỉnh phía Nam và cả từ Trung Quốc để bổ sung lượng hàng phục vụ người tiêu dùng. Nhập hàng ngoại tỉnh sẽ tăng chi phí khiến giá rau cũng tăng thêm.

Tại các chợ dân sinh, giá rau tăng mạnh, khiến nhiều người tiêu dùng ví von rằng ăn rau “đắt như thịt”. Đặc biệt, các loại rau gia vị như hành lá, thì là có giá rất cao, từ 70 - 100 nghìn đồng/kg. Điều này buộc nhiều gia đình phải tiết kiệm hơn trong việc sử dụng rau xanh.

Chị Nguyễn Thị Hương - người tiêu dùng tại Chợ Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ cho biết: "Giá rau tăng cao nên khi đi chợ, gia đình tôi đã cắt giảm lượng rau xanh hàng ngày; đồng thời chuyển sang mua các loại củ quả với mức giá hợp lý hơn như: Bí đỏ, su su".

Giá rau xanh tăng cao khiến nhiều người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn các loại củ, quả.

Theo báo cáo tình hình giá cả thị trường của Sở Công Thương, từ đầu năm đến nay, giá rau, củ quả có biến động không đều. Điển hình như tháng 8 - 9, thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều gây ngập úng, dẫn đến sản lượng cung cấp cho thị trường giảm đáng kể dẫn đến giá các loại rau xanh tăng. Cụ thể, trong tháng 9 giá rau cải xanh từ 25 - 30 nghìn đồng/kg; cà chua từ 35 - 40 nghìn đồng/kg; bí xanh từ 15 - 20 nghìn đồng/kg; rau muống từ 18 - 20 nghìn đồng/kg... Dự báo thời gian tới, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống có thể tăng nhẹ do giá nguyên liệu đầu vào biến động theo giá thế giới, trong khi nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi rất lớn sẽ có tác động đến hoạt động chăn nuôi.

Thời gian tới Sở Công Thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, giá cả hàng hóa để kịp thời tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, Bộ Công Thương có giải pháp bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo cung ứng hàng hóa cho nhu cầu của người dân. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.

Hiện nay nhiều vùng trồng rau ở các tỉnh, thành miền Bắc đang triển khai gieo trồng lại, bù vào những diện tích rau màu đã bị hỏng do mưa lũ vừa qua. Nếu thời tiết thuận lợi thì thời gian tới, khi các loại rau vụ đông được thu hoạch, nguồn cung rau xanh sẽ được bổ sung nhiều hơn, khi đó giá rau xanh sẽ "hạ nhiệt".

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top