Vấn đề kỳ này

Nút thắt mặt bằng

08:32 - Thứ Sáu, 11/10/2024 Lượt xem: 2647 In bài viết

ĐBP- Ngày cuối cùng của tháng 9, ông Quàng Văn Điểm cư trú tại bản Xuân Tre 1, xã Búng Lao đồng thuận bàn giao mặt bằng xây dựng chợ trung tâm xã Búng Lao, huyện Mường Ảng. Vậy là công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền và các đơn vị liên quan thực hiện dự án chợ trung tâm xã Búng Lao đã thành công. Bởi gia đình ông Quàng Văn Điểm là hộ cuối cùng trong số 27 hộ thuộc diện giải phóng mặt bằng chợ trung tâm xã Búng Lao đã đồng thuận với chủ trương của huyện, bàn giao mặt bằng.

Đơn vị thi công tập trung nhân lực, máy móc thi công dự án đường động lực. Ảnh: Phạm Trung

Thực tế, việc triển khai các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh tiến độ chậm, khó giải ngân vốn đầu tư có nguyên nhân lớn từ việc vướng mắc mặt bằng. Nút thắt mặt bằng là vấn đề cần được phân tích, xác định rõ nguyên nhân, giải pháp, phối hợp giữa các lực lượng tiến hành tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng thi công. Tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm thời gian qua tuy có chuyển biến song chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch cũng bởi không có mặt bằng.

Dự án xây dựng trụ sở làm việc kết hợp trung tâm sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình tỉnh có diện tích đất phải thu hồi 7.000m2 nhưng đến tháng 7/2024 vẫn còn 3.800m2 của 3 hộ dân chưa thể thu hồi do người dân không đồng thuận với chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Không có mặt bằng không thể thi công, tiến độ các hạng mục chính của dự án “giậm chân tại chỗ”. Dự án đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12 (dự án đường động lực) triển khai từ năm 2021 và phải hoàn thành năm 2024 nhưng cả thời gian dài đơn vị không thể thi công vì không có mặt bằng. Dự án đường động lực phải giải phóng mặt bằng khá lớn với diện tích 31,8ha của 320 hộ dân thuộc 4 phường Him Lam, Noong Bua, Nam Thanh, Thanh Trường của TP. Điện Biên Phủ.

Tương tự, dự án quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên; dự án xây dựng khu, điểm tái định cư khu trung tâm chính trị, hành chính tỉnh; dự án đường từ ngã ba Bệnh viện Đa khoa tỉnh đến ngã tư Tà Lèng (bổ sung đoạn từ N2 đến N20)... đều là những dự án trọng điểm chậm tiến độ bởi vướng mắc mặt bằng. Tiến độ triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) rất chậm, ảnh hưởng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chung của tỉnh.

Nút thắt mặt bằng đã được chính quyền các địa phương nơi triển khai dự án và cơ quan liên quan xác định, đề ra giải pháp, phối hợp tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng.

Liên danh nhà thầu Trường Hải - Việt Trung - Ánh Tuyết thi công dự án xây dựng trụ sở làm việc kết hợp trung tâm sản xuất chương trình phát thanh - truyền hình tỉnh. Ảnh: Nhật Phương

TP. Điện Biên Phủ là địa phương có nhiều dự án triển khai nhất với diện tích đất cần thu hồi, giải phóng mặt bằng lớn nhất. Năm 2024 TP. Điện Biên Phủ được giao 500 tỷ đồng thực hiện các công trình, dự án nhưng đến hết tháng 8 tỷ lệ giải ngân vốn mới đạt 38% kế hoạch bởi những vướng mắc, khó khăn trong đền bù, giải phóng mặt bằng, đặc biệt tại các dự án có quy mô lớn. Chính sách thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư chưa đồng bộ; xác định nguồn gốc đất khó khăn, người dân không đồng thuận phương án bồi thường, hỗ trợ dẫn tới chậm giải phóng mặt bằng. 

Xác định rõ những khó khăn trên, chính quyền TP. Điện Biên Phủ tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng bàn giao đơn vị thi công. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công rõ trách nhiệm các cơ quan liên quan, cán bộ, công chức phụ trách; thành lập các tổ tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình, phân tích để người dân hiểu rõ lợi ích, nghĩa vụ khi nhà nước thu hồi đất thi công công trình, dự án. Chính quyền thành phố tổ chức đối thoại với người dân, phổ biến, hướng dẫn các văn bản, chế độ chính sách trong giải phóng mặt bằng, giải đáp kiến nghị của nhân dân.

Bằng sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Thành ủy, UBND TP. Điện Biên Phủ, nút thắt mặt bằng các chương trình, dự án dần tháo gỡ, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Đối với dự án đường động lực, TP. Điện Biên Phủ đã phê duyệt xong phương án bồi thường giải phóng mặt bằng diện tích đất nông nghiệp, thủy sản; thực hiện niêm yết phương án giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất ở của 54 hộ. Ngày 5/9, thành phố đã bàn giao 81% mặt bằng cho các nhà thầu thi công, đảm bảo tiến độ dự án. Dự kiến trung tuần tháng 10 thành phố sẽ phê duyệt phương án, kết thúc cơ bản công tác giải phóng mặt bằng dự án đường động lực. Cùng với đó, dự án xây dựng trụ sở làm việc kết hợp trung tâm sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình tỉnh; dự án đường từ ngã ba Bệnh viện Đa khoa tỉnh đến ngã tư Tà Lèng (bổ sung đoạn từ N2 đến N20) đều có đủ mặt bằng phục vụ thi công.

Rõ ràng, việc tháo gỡ nút thắt mặt bằng không chỉ đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư mà công trình, dự án hoàn thành mang lợi nhiều lợi ích cho người dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án có tiến độ thi công, giải ngân chậm tỉnh sẽ kiên quyết cắt giảm và điều chuyển vốn sang dự án có nhu cầu và khối lượng giải ngân đảm bảo. Do vậy, áp lực giải ngân vốn đầu tư những tháng cuối năm rất lớn đòi hỏi chính quyền các địa phương triển khai dự án cần tập trung, quyết liệt hơn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các chương trình, dự án. Các sở, ngành, địa phương, đơn vị chủ đầu tư tập trung rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện từng chương trình, dự án để có phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phấn đấu đến cuối năm giải ngân 95% vốn đầu tư công toàn tỉnh.

Hà Anh
Bình luận
Back To Top