Mở đường thoát nghèo bền vững ở Vị Xuyên

15:14 - Thứ Sáu, 11/10/2024 Lượt xem: 1716 In bài viết

Với gần 36 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, 56 dự án đa dạng hóa sinh kế và phát triển sản xuất tại huyện Vị Xuyên đang mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp trên 680 hộ nghèo, cận nghèo cải thiện thu nhập và thoát nghèo.

Năm 2023, 22 hộ dân thôn Khuân Phà, xã Tùng Bá được hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ để mua dê sinh sản từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; sau hơn một năm triển khai dự án, với sự chăm sóc chu đáo, đàn dê phát triển rất tốt, mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân. Ông Nông Văn Nguyên, thôn Khuân Phà, xã Tùng Bá chia sẻ: “Nguồn vốn của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giúp nhiều hộ nghèo trong thôn có điều kiện để phát triển kinh tế. Nuôi dê tận dụng được nguồn thức ăn từ lá cây trong vườn, dễ chăm sóc nên đàn dê phát triển tốt, bà con rất mừng, bước đầu nhiều hộ đã có thu nhập, tái đầu tư và phát triển thêm đàn dê”.

Ông Nông Văn Nguyên, thôn Khuân Phà, xã Tùng Bá chăm sóc đàn dê được đầu tư từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Năm 2024, xã Tùng Bá được phân bổ 950 triệu đồng từ Chương trình MTQG gia giảm nghèo bền vững. Đến nay, cơ bản xã đã giải ngân xong cho các hộ dân thực hiện nuôi dê sinh sản, nuôi lợn thương phẩm, nuôi gà đen H’mông thương phẩm, nuôi trâu, bò sinh sản. Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Bá, Vi Hữu Quỳnh cho biết: “Việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo là một trong những mục tiêu ưu tiên của xã  trong kế hoạch phát triển KT - XH, giúp người dân nâng cao đời sống. Để chương trình phát huy hiệu quả, xã Tùng Bá căn cứ điều kiện thực tế, tiềm năng, thế mạnh của địa phương đưa con giống phù hợp vào chăn nuôi; tập trung tuyên truyền, động viên người dân đồng lòng thực hiện; phân công các thành viên Ban chỉ đạo xã, các đoàn thể phụ trách từng thôn, trực tiếp hỗ trợ người dân; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; đến nay, các mô hình giảm nghèo trên địa bàn xã đều đang phát huy hiệu quả”.

Giai đoạn 2022 - 2024, huyện Vị Xuyên được giao nguồn vốn sự nghiệp và nguồn bổ sung thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững gần 36 tỷ đồng; đến hết tháng 9.2024 đã giải ngân được trên 24 tỷ đồng, đạt 73,2% kế hoạch vốn giao; ước thực hiện đến hết năm 2024 giải ngân đạt trên 98%. Trong đó Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đã giải ngân đạt 96,93% kế hoạch vốn giao, triển khai thực hiện 35 dự án gồm: 18 dự án nuôi trâu, bò, ngựa sinh sản và thương phẩm, 9 dự án nuôi lợn thương phẩm, 5 dự án nuôi lợn nái sinh sản, 3 dự án nuôi dê thương phẩm và 1 dự án nuôi giống gà H’mông với tổng số 484 hộ nghèo, cận nghèo tham gia. Tiểu dự án 1, thuộc Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất đã giải ngân đạt 63,7% kế hoạch vốn giao; duy trì thực hiện 21 dự án gồm: 3 dự án nuôi lợn đen, 2 dự án nuôi lợn sinh sản và thương phẩm, 4 dự án nuôi trâu thương phẩm, 10 dự án nuôi trâu, bò sinh sản, 1 dự án nuôi dê sinh sản, 1 dự án nuôi gà đen H’mông với tổng số gần 200 hộ nghèo, cận nghèo tham gia. Hiện nay các xã tiếp tục xây dựng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng để thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện.

Qua kiểm tra, đánh giá của các cơ quan chuyên môn huyện Vị Xuyên, các dự án, tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người nghèo giải ngân từ đầu năm 2023 đến nay bắt đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Đến nay, các mô hình chăn nuôi đã sinh thêm 86 con bê, nghé, 119 con dê và 1.195 con lợn; số lượng lợn thương phẩm và lợn con xuất bán ước khoảng 65,2 tấn, tổng doanh thu đạt 7,2 tỷ đồng. Các dự án góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 22,12%. Để có kết quả nổi bật trên, huyện Vị Xuyên đã quyết liệt, chủ động trong chỉ đạo và thực hiện các dự án, tiểu dự án ngay từ đầu năm; gắn giao nhiệm vụ với kiểm tra, đôn đốc trong quá trình thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cơ sở; tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia các dự án, qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển KT - XH của địa phương.

Bài, ảnh: AN GIANG
Bình luận

Tin khác

Back To Top