Triển vọng từ sản xuất, chế biến măng theo chuỗi giá trị

06:13 - Thứ Bảy, 12/10/2024 Lượt xem: 1731 In bài viết

Sau 5 năm triển khai Dự án “Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua phát triển chuỗi măng sạch” thuộc Chương trình GREAT của Chính phủ Úc, nhiều địa phương trong tỉnh đã mở rộng diện tích trồng tre lấy măng; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, chế biến măng theo chuỗi giá trị, mở ra cơ hội phát triển kinh tế,  giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Mô hình trồng măng bát độ tại bản Ngà, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ.

Triển khai Dự án “Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua phát triển chuỗi măng sạch huyện Vân Hồ”, hiện nay, diện tích trồng tre bát độ lấy măng tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã tăng lên hơn 500 ha, tập trung ở các xã: Tân Xuân, Xuân Nha và Chiềng Xuân. Dự án còn hỗ trợ các HTX đầu tư xây dựng nhà xưởng, nhà sấy năng lượng mặt trời, thu mua, sơ chế măng hiệu quả; kết nối tiêu thụ với các công ty xuất khẩu, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số, nhất là phụ nữ.

Xưởng sơ chế, chế biến măng của HTX sản xuất măng sạch Xuân Nha.

HTX sản xuất măng sạch Xuân Nha, bản Tưn, xã Xuân Nha, có 13 thành viên, là điển hình thành công với mô hình sản xuất măng sạch. Được dự án hỗ trợ, HTX đã triển khai trồng trên 200 ha tre bát độ; đầu tư nhà ươm cây giống 1.000 m², nhà xưởng 500 m² và nhà sấy năng lượng mặt trời 100 m².

Bà Lò Thị Nguyễn, Giám đốc HTX, cho biết: HTX hoạt động theo mô hình liên kết, thu mua nguyên liệu từ các tổ hợp tác và cung cấp măng xuất khẩu cho Công ty cổ phần Yên Thành, tỉnh Yên Bái. Từ đầu năm đến nay, HTX đã thu mua, sơ chế và chế biến khoảng 150 tấn măng tươi, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng. Hiện nay, HTX đang nỗ lực nghiên cứu thị trường, liên kết với các doanh nghiệp để phát triển thêm nhiều sản phẩm từ măng.

Tham gia HTX từ khi thành lập, chị Đinh Thị Sen, bản Chiềng Nưa, xã Xuân Nha, được Dự án hỗ trợ 1.000 gốc măng bát độ, trồng trên diện tích 2 ha. Chị Sen cho biết: Năm nay gia đình thu hoạch 24 tấn măng tươi, được HTX thu mua với giá 4.500 đồng/kg, cho thu nhập gần 110 triệu đồng. Trồng tre bát độ lấy măng chỉ đầu tư một lần, thời gian thu hoạch tới 20 năm, chi phí chăm sóc ít. 

Mô hình trồng măng tre bát độ tại xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên.

Còn tại huyện Phù Yên, dự án GREAT cũng đã hỗ trợ nông dân trồng mới tre bát độ lấy măng; thành lập các tổ hợp tác, HTX, liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua và sơ chế măng tại địa phương và vùng lân cận.

HTX Tâm Tín, xã Gia Phù, huyện Phù Yên, có 8 thành viên, liên kết với 80 hộ dân của 2 huyện Phù Yên và Bắc Yên triển khai trồng 100 ha tre bát độ và ký kết hợp đồng với Công ty cổ phần Yên Thành bao tiêu sản phẩm măng.  

Ông Cầm Hoài Thanh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Tâm Tín, xã Gia Phù, cho biết: Năm nay, HTX đã bắt đầu thu mua, sơ chế 12 tấn măng tươi. Tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu, trong năm 2025, HTX sẽ tiếp tục cung cấp cây giống, triển khai trồng 250 - 300 ha tre bát độ lấy măng tại 2 huyện Phù Yên và Bắc Yên.

Sản phẩm măng bát độ của HTX sản xuất và chế biến măng sạch Tân Xuân, huyện Vân Hồ được đóng gói trước khi bán ra thị trường.

Đến nay, Dự án “Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua phát triển chuỗi măng sạch” đã được triển khai trên địa bàn 19 xã của 5 huyện: Bắc Yên, Phù Yên, Sốp Cộp, Sông Mã và Vân Hồ, với 7 HTX, 34 tổ hợp tác, hơn 2.900 hộ tham gia. Dự án đã hỗ trợ trồng trên 1.000 ha tre bát độ; xây dựng 3 vườn ươm cây giống, quy mô 5 vạn cây tre giống/năm; hỗ trợ 23 nồi luộc măng cải tiến, 4 nhà sấy năng lượng mặt trời và 2 nhà xưởng chế biến cho các HTX; tư vấn thành lập các chuỗi liên kết sản xuất măng xuất khẩu giữa nông dân - tổ hợp tác - HTX - doanh nghiệp xuất khẩu.

Trồng tre bát độ lấy măng đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ngày 2/8/2024, UBND tỉnh đã phê duyệt đề xuất "Phát triển ngành hàng măng tỉnh Sơn La" thuộc dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tại tỉnh Sơn La giai đoạn 2”. Thời gian thực hiện đến hết tháng 3/2027 tại các huyện: Bắc Yên, Sốp Cộp, Quỳnh Nhai, Vân Hồ và Mường La, với tổng giá trị trên 42 tỷ đồng.

Dự án triển khai sẽ hỗ trợ xây dựng 2 nhà sấy năng lượng mặt trời, 20 nồi luộc măng cải tiến, 8 vườn ươm cây giống; thành lập các HTX và xưởng sơ chế, chế biến măng; trồng 1.500 ha tre vùng nguyên liệu măng để chế biến, xuất khẩu; xây dựng nhãn hiệu sản phẩm măng tự nhiên Sơn La. Hiện nay, các huyện đang tập trung rà soát, quy hoạch và triển khai diện tích trồng mới; xây dựng nhà xưởng sơ chế tại địa phương.

Phan Trang
Bình luận

Tin khác

Back To Top