Bảo vệ thủy nông Nậm Rốm - trách nhiệm của từng người dân

10:36 - Thứ Bảy, 12/10/2024 Lượt xem: 4409 In bài viết

ĐBP - Tình trạng xả rác thải xuống kênh mương hiện vẫn đang diễn ra. Lượng rác trong kênh mương ngày càng tăng làm ô nhiễm nguồn nước, hư hỏng hạ tầng thủy lợi. Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhưng tình trạng xả rác thải ra kênh mương vẫn chưa chuyển biến tích cực. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc điều tiết nước tại nhiều tuyến kênh thuộc Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm.

Xã Thanh An (huyện Điện Biên) có hơn 1km kênh tả Thủy nông Nậm Rốm chảy qua. Trong ảnh: Thực trạng rác ứ đọng, khiến nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối.

Thời điểm này, các tuyến kênh thủy nông đã ngừng cung cấp nước, tạo điều kiện cho nông dân vùng lòng chảo thu hoạch lúa vụ mùa. Nước cạn dẫn đến một lượng lớn rác thải sinh hoạt ứ đọng tại lòng kênh thủy nông Nậm Rốm. Chỉ riêng tuyến kênh tả chảy qua địa phận phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ), xã Thanh An, Noong Hẹt... (huyện Điện Biên), rác thải sinh hoạt như bao bì, chai lọ, túi nilon, hộp nhựa, phế phẩm nông nghiệp, xác động vật đến các vật dụng gia đình chìm, nổi dưới lòng kênh, khiến nước đen ngòm, nổi váng, bốc mùi hôi thối.

Chị Lò Thị Thanh, thôn Đông Biên 2, xã Thanh An (huyện Điện Biên) chia sẻ: Thôn có hơn 1km kênh tả thủy nông Nậm Rốm chảy qua. Khi xả nước thì rác trôi qua tuyến kênh, nhưng khi thủy nông ngừng cung cấp nước để người dân thu hoạch lúa thì ở lòng kênh ứ đọng lượng rác khá lớn. Tôi ngồi đây cũng nhìn thấy nhiều lắm, đôi khi thấy cả con chó, lợn chết họ cũng vất tại mương này. Mùi hôi thối rất khó chịu đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt các hộ dân.

Là điểm cuối kênh hữu Đại thủy nông Nậm Rốm, hồ Cô Lôm thuộc xã Noong Luống (huyện Điện Biên, hàng ngày số lượng lớn rác thải chảy qua và ứ đọng lại rất nhiều, làm cho nước hồ bị ô nhiễm.

Là điểm cuối của kênh hữu Đại thủy nông Nậm Rốm, hồ Cô Lôm thuộc xã Noong Luống (huyện Điện Biên) có diện tích khoảng 5ha, cung ứng nước tưới qua hệ thống mương cấp 2, cấp 3 cho 80% diện tích lúa, hoa màu và ao hồ của người dân trên địa bàn xã Noong Luống.

Ông Bùi Văn Dũng, Phó Chủ tịch xã Noong Luống cho biết: Tình trạng rác thải vất bừa bãi dọc tuyến kênh thủy lợi không phải bây giờ mới có là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Năm nào cũng như năm nào, là điểm cuối kênh nên bất kể thủy nông Nậm Rốm xả nước hay không thì hàng ngày số lượng lớn rác thải chảy qua và ứ đọng lại đây rất nhiều, làm cho nước hồ bị ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất và sinh sống của người dân địa phương.

Để hạn chế tình trạng ứ đọng rác thải tại đây, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện đúng quy định gom, đổ rác thải. Từ nguồn ngân sách của huyện, xã được cấp 60 triệu đồng/năm hỗ trợ công tác trục vớt, thu gom rác thải thường xuyên, đã góp phần giảm tình trạng rác ứ đọng và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề này, xã gặp không ít những khó khăn. “Đa phần rác thải sinh hoạt này từ các xã đầu kênh chảy và tập kết tại đây, việc nhắc nhở hay xử lý rất khó khăn” - ông Dũng chia sẻ.

Ngoài nhiệm vụ điều tiết cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, công nhân Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên còn phải trục vớt rác tại tuyến kênh chảy qua xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên).

Ông Trần Quốc Duyệt, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên cho biết: Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm có chiều dài 34km, có nhiệm vụ bảo đảm nước tưới cho khoảng 7.400ha đất sản xuất nông nghiệp vùng lòng chảo Điện Biên. Nhiệm vụ chuyên môn của chúng tôi là điều tiết cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp nhưng nhiều lúc anh em hay nói đùa với nhau “dọn rác mới là nghề chính!”. Biết là ô nhiễm, độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên để đảm bảo lịch cấp nước chúng tôi vẫn phải xuống kênh mương vớt rác, khơi thông dòng chảy. Hiện các xã đã có điểm vớt rác, đều có công nhân Công ty trực 24/24h để vớt rác. Bình thường 1 người có thể đảm nhiệm được công việc này. Tuy nhiên, những hôm lượng rác đổ quá nhiều, Công ty phải tăng cường công nhân từ các cụm khác về hỗ trợ.

Tuy nhiên, theo ông Duyệt, việc lắp đặt lưới chắn rác, bố trí nhân công, trang thiết bị để trục vớt và xử lý rác thải trên tuyến kênh thủy lợi chỉ là giải pháp tạm thời mang tính tình thế. Để hạn chế tình trạng xả rác thải bừa bãi xuống kênh thủy lợi, các cấp chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phân loại và thu góm rác đúng theo quy định. Các thôn, bản cần đưa vấn đề thu gom, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường vào nội quy, hương ước, tiêu chí bình xét gia đình văn hóa. Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vất rác xuống lòng kênh mương thủy lợi.

Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm, ngoài giá trị kinh tế với 3 vụ thâm canh (2 vụ lúa, 1 vụ rau) trên diện tích hơn 7.400ha, công trình còn chứa đựng giá trị lịch sử, là ký ức hào hùng của nhiều thế hệ nhân dân Điện Biên. Vì vậy, việc giữ gìn, bảo vệ công trình là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và từng người dân.

Bài, ảnh Quang Hùng
Bình luận

Tin khác

Back To Top