Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm

14:29 - Thứ Hai, 14/10/2024 Lượt xem: 2832 In bài viết

ĐBP - Trong 9 tháng năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công và vốn chuyển tiếp từ các năm trước trên toàn tỉnh vẫn ở mức thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra. Việc hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 với tỷ lệ trên 95% là nhiệm vụ bắt buộc nên áp lực giải ngân trong những tháng cuối năm là rất lớn.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến hết ngày 30/9, tổng thanh toán, giải ngân nguồn vốn đầu tư công là 1.553,624 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ giải ngân trung bình toàn tỉnh đạt 38,17% kế hoạch vốn; thấp hơn cùng kỳ năm trước 3,61 điểm phần trăm và thấp hơn 378,443 tỷ đồng về giá trị giải ngân. Trong đó, có 23/40 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức trung bình của tỉnh; 10/40 đơn vị giải ngân thấp hơn mức trung bình; 7/40 đơn vị chưa thực hiện giải ngân kế hoạch vốn năm 2024.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến kiểm tra tiến độ dự án “Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên”.

Để đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch theo chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, các bộ, ngành và UBND tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ đầu tư triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp.

Ngày 4/10 vừa qua, Bộ Tài chính ban hành Văn bản số 10657/BTC-ĐT gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc công khai 326 dự án giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, nguồn ngân sách Trung ương (vốn trong nước) do địa phương quản lý. Để đẩy nhanh tiến độ, Bộ Tài chính đề nghị UBND cấp tỉnh triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của tất cả các nguồn vốn. UBND cấp tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư, sở, ngành rà soát tất cả dự án, đẩy mạnh thanh toán, quyết toán công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công. Chủ động báo cáo phương án điều chuyển vốn giữa các dự án không có khả năng giải ngân hoặc chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn. Trường hợp vượt thẩm quyền, UBND cấp tỉnh gửi các bộ có liên quan để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định trước ngày 15/11.

Trong số 326 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 30%, tỉnh Điện Biên có 18 dự án. Trong đó, có 5 dự án chưa tiến hành giải ngân; 2 dự án giải ngân dưới 10%; 5 dự án giải ngân dưới 20% và 6 dự án giải ngân dưới 30%.

Công nhân Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Mường Thanh thi công dự án đường hoàn trả hồ Huổi Trạng Tai.

Dự án hồ Huổi Trạng Tai phục vụ nhu cầu tưới cho hơn 460ha đất nông nghiệp; đồng thời bảo vệ cho khoảng 400 hộ dân trên địa bàn 2 xã: Thanh Hưng, Thanh Chăn (huyện Điện Biên) khỏi nguy cơ lũ ống, lũ quét; tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng. Năm 2024, dự án được giao 34,852 tỷ đồng. Đến 30/9, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đạt 6,721 tỷ đồng, tương ứng 19% kế hoạch vốn.

Theo Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tỷ lệ giải ngân vốn đạt thấp là do từ đầu năm các đơn vị nhà thầu tập trung thi công để thu hồi 100% nguồn vốn tạm ứng. Đối với những những phần việc còn lại, chủ đầu tư yêu cầu tạm dừng, đến đầu tháng 10, qua mùa mưa mới thi công tiếp để đảm bảo chất lượng, an toàn hạng mục đập chính, nhất là toàn bộ khối lượng đổ bê tông mặt đập.

Bên cạnh đó, dự án còn khoảng 2,403 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng của các hộ dân khu vực hành lang đập hiện đang đợi UBND huyện Điện Biên phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, dự án hoàn trả đường từ ngã tư C4 đến công trình hồ Huổi Trạng Tai đã thi công nhưng đang đợi UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh lại cơ cấu nguồn vốn mới có thể giải ngân.

Trao đổi về giải pháp giải ngân những tháng cuối năm, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Giám đốc Ban Quản lý các dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết: Đến nay, hạng mục đập chính đã hoàn thành công tác thi công, hiện đang trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ để thanh toán. Đến ngày 30/10, tỷ lệ giải ngân vốn dự án sẽ đạt trên 50% kế hoạch. Đối với dự án đường hoàn trả, Ban đã trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, đồng thời đôn đốc nhà thầu tập trung máy móc, nhân lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Theo kế hoạch, đến 31/11 dự án đường hoàn trả sẽ hoàn thành.

Đối với chi phí giải phóng mặt bằng, Ban đã nhiều lần họp với UBND huyện Điện Biên, UBND các xã và các hộ dân về việc khẩn trương phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng. UBND huyện Điện Biên dự kiến trong tháng 10 sẽ phê duyệt phương án để tiến hành chi trả tiền cho người dân. Đến ngày 30/11, Ban sẽ cơ bản giải ngân toàn bộ vốn giao năm 2024. Khoảng thời gian từ ngày 30/11 - 31/12 các đơn vị hoàn thiện hồ sơ, thủ tục gói kiểm định chất lượng công trình (khoảng 450 triệu đồng) trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét. Như vậy, đến 31/12, dự án hồ Huổi Trạng Tai sẽ giải ngân 100% nguồn vốn giao năm 2024.

Đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói thầu số 5, dự án Đường động lực.

Thời điểm này, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Mường Thanh đang tập trung tối đa nguồn lực, phương tiện và nhân công để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Đường hoàn trả công trình hồ Huổi Trang Tai.

Ông Lê Đức Anh, Chỉ huy trưởng công trình cho biết: Công trình đã hoàn thành khoảng 30% khối lượng. Hiện đơn vị đang huy động 13 xe, máy; 30 công nhân tập trung thi công rãnh thoát nước, đúc và lắp đặt cấu kiện bê tông và tập kết 100% vật liệu. Từ nay đến ngày 30/11, đơn vị sẽ dồn toàn lực thi công và hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch, hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư, giải ngân 100% nguồn vốn giao.

Theo bảng xếp hạng giải ngân vốn đến hết tháng 9/2024, huyện Mường Ảng đứng thứ 14/40 đơn vị chủ đầu tư được giao vốn đầu tư công năm 2024, với tỷ lệ giải ngân đạt 54,96% kế hoạch vốn, cao hơn tỷ lệ giải ngân trung bình chung toàn tỉnh.

Ông Tạ Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Thực hiện các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, về cơ bản các chương trình dự án UBND huyện sẽ đảm bảo tiến độ giải ngân. Tuy nhiên, hiện nay công tác giải ngân vốn của huyện đang gặp vướng tại dự án Đường liên huyện Hua Ná - Pá Liếng (xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng) đi Lọng Khẩu Cắm (xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ). Năm 2024, dự án được giao kế hoạch vốn là 36 tỷ đồng, đến hết 30/9 mới giải ngân được 3%. Nguyên nhân là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đoạn phía địa phận của xã Mường Phăng. Đây là dự án có tỷ trọng vốn khá lớn, hiện nay UBND huyện Mường Ảng đang tích cực phối hợp với UBND TP. Điện Biên Phủ để tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ.

Liên danh nhà thầu Trường Hải - Việt Trung - Ánh Tuyết thi công dự án xây dựng Trụ sở làm việc kết hợp với trung tâm sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình tỉnh.

Trao đổi về nội dung trên, ông Nguyễn Bá Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Mường Ảng cho biết: Đến nay, toàn bộ mặt bằng phục vụ dự án bên phía xã Ẳng Cang đã cơ bản giải phóng xong nhưng mặt bằng phía xã Mường Phăng lại gặp nhiều vướng mắc. Hiện nay, Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Điện Biên Phủ đã hoàn thành phương án đền bù giải phóng mặt bằng song chưa trình phê duyệt do vướng một số nội dung quy định tại Luật Đất đai năm 2024 mới có hiệu lực từ ngày 1/8. Trước thực trạng đó, UBND huyện Mường Ảng đã vận động các nhà thầu tạm ứng kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng để các hộ dân tạo điều kiện về mặt bằng để triển khai dự án.

Đơn vị thi công gói thầu số 5, dự án “Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên”.

Ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu phải phát huy vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện các dự án đầu tư. Chủ đầu tư đánh giá tiến độ thực hiện từng chương trình, dự án, nguồn vốn cụ thể để xác định khó khăn, vướng mắc, chỉ ra nguyên nhân, có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công phải đi đôi với quản lý Nhà nước về đầu tư, chống tiêu cực, lãng phí nguồn lực đầu tư.

Cùng với đó, có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn và giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng dự án, đặc biệt các dự án trọng điểm để bàn giao cho đơn vị thi công, đẩy nhanh giải ngân vốn.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top