Cơ hội của nông dân trong kỷ nguyên số

09:51 - Thứ Ba, 15/10/2024 Lượt xem: 1943 In bài viết

Giờ đây, câu chuyện, hình ảnh về những cánh đồng không bước chân; trang trại thông minh không bóng người; nông dân ngồi ở nhà bán nông sản xuyên biên giới… xuất hiện ngày càng nhiều tại các miền quê.

Nổi bật là ở nhiều địa phương, nông dân đã canh tác theo hướng hữu cơ và ứng dụng công nghệ số trong chăm sóc và quản lý cây trồng, vật nuôi theo hướng hoàn toàn tự động. Theo đó, những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay như blockchain (công nghệ chuỗi khối), trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT (internet vạn vật), dữ liệu lớn (big data), máy bay không người lái... đã được người dân ứng dụng vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Đặc biệt, qua thiết bị thông minh, nhiều nông dân đã làm chủ mảnh vườn, trang trại của mình một cách tiện lợi, hiệu quả. Họ có thể ngồi ở bất cứ nơi đâu mà vẫn có thể tưới nước, bón phân, theo dõi quá trình sinh trưởng cây trồng trong nông trại bằng những cái chạm tay vào chiếc điện thoại thông minh.

Thật sự, kỷ nguyên số đã, đang giúp nhà nông nâng tầm hiểu biết, tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn và vệ sinh thực phẩm. Và trên hết, giúp tăng năng suất lao động và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Nói cách khác, bằng chuyển đổi số, người nông dân không phải “trông trời, trông đất, trông mưa…” mà trông vào dữ liệu, công nghệ để giúp họ kết nối, không còn mù mờ về thị trường, đồng thời giúp người tiêu dùng hiểu rõ về nguồn gốc, chất lượng nông sản.

Rõ ràng, kỷ nguyên số đã, đang tạo ra những cơ hội to lớn cho người nông dân vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3-6-2020 tại Quyết định số 749/QĐ-TTg, nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay là ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương, hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phải cùng chung tay số hóa, xây dựng cho được kho dữ liệu số để tiến lên làm ăn lớn, hiện đại. Theo đó, tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Đặc biệt, cần thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.

Với riêng người nông dân, để phát triển trong kỷ nguyên số, cần thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc để trở thành công dân số. Đặc biệt, nông dân cần tham gia liên kết trong các hợp tác xã, tổ hợp tác, hệ thống khuyến nông phục vụ sản xuất nhằm tạo thuận lợi cho việc tiến lên sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ số, tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh và quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn.

Giá trị của chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là câu chuyện ứng dụng công nghệ tạo thêm giá trị thặng dư cho nền kinh tế, mà còn giúp hàng triệu hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi, để hòa nhịp xu thế phát triển trong thời đại 4.0.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top