Không để lãng phí nguồn lực các Chương trình mục tiêu Quốc gia (bài 2)

14:30 - Thứ Sáu, 18/10/2024 Lượt xem: 2530 In bài viết

Bài 2: Dự án thiếu bền vững, không hiệu quả

ĐBP - Triển khai thực hiện các chương trình MTQG từ đầu giai đoạn đến nay đã có hàng trăm dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, xóa đói giảm nghèo được các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Tuy nhiên, chủ yếu là các dự án hỗ trợ sản xuất cộng đồng, còn các mô hình liên kết sản xuất rất ít. Trong khi đó, nhiều dự án, mô hình được triển khai theo kiểu “để giải ngân vốn”, chưa chú trọng đến tính hiệu quả, nhân rộng. Thực tế qua khảo sát, nhiều mô hình triển khai manh mún, nhỏ lẻ, không phát huy được hiệu quả và chưa đúng nguyện vọng, mong muốn của đối tượng thụ hưởng, không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn giảm niềm tin của người dân.

Bài 1: Kỳ vọng “cú hích” từ chương trình mục tiêu quốc gia

Lúng túng triển khai dự án

Hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững là nội dung quan trọng của các chương trình MTQG. Các hợp phần này có nguồn vốn lớn so với hợp phần khác. Giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh Điện Biên được giao hơn 2.073 tỷ đồng. Trong 2 năm (2023 - 2024), tỉnh được giao hơn 1.713 tỷ đồng vốn sự nghiệp từ ngân sách Trung ương để thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn (năm 2023 hơn 937 tỷ đồng và năm 2024 hơn 776 tỷ đồng). Nếu triển khai có hiệu quả các nội dung này sẽ tạo điều kiện cho người dân sinh kế, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Thế nhưng, đến nay đã gần hết giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất từ các chương trình MTQG tại nhiều xã trên địa bàn tỉnh Điện Biên, nhất là đối với các xã vùng sâu, vùng xa vẫn đang loay hoay lựa chọn mô hình, dự án hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ sinh kế. Nhiều không xác định được thế mạnh về cây trồng, vật nuôi nên chưa xác định được mục tiêu hỗ trợ.

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh kiểm tra dự án hỗ trợ bò tại xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông.

Đơn cử như huyện Điện Biên Đông, thưc hiện dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc chương trình giảm nghèo bền vững, từ năm 2022 - 2024, huyện được giao gần 28 tỷ đồng, trong đó vốn năm 2022 và 2023 kéo dài sang năm 2024 là gần 13 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi huyện phân bổ về cấp xã khó triển khai thực hiện. Năm 2023, các xã, thị trấn xây dựng 38 mô hình hỗ trợ bò sinh sản, hỗ trợ cho 784 hộ dân, tuy nhiên đến cuối năm 2023 chỉ có 9 dự án thực hiện, hỗ trợ cho 153 hộ dân; còn các dự án khác không thực hiện được.

Tại buổi làm việc với đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh ngày 24/9 vừa qua, ông Vũ Ngọc Hoành, hiện là Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho rằng nguyên nhân do vướng mắc bởi Luật Chăn nuôi. Đối tượng hỗ trợ của các dự án là hộ nghèo, cận nghèo, hộ sinh sống tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhưng các đối tượng này ở rải rác, diện tích đất sản xuất không tập trung nên khó bố trí thực hiện các dự án. Đặc biệt, chương trình dự án với nhiều phương án lựa chọn về cây trồng, vật nuôi do đó các xã còn lúng túng trong việc lựa chọn mô hình đạt hiệu quả cao nhất, nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Đối với các dự án liên kết sản xuất, các địa phương trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn hơn. Đến nay, hầu hết các địa phương không thực hiện được các dự án liên kết. Điển hình, năm 2024, thực hiện tiểu dự án 2 về hỗ trợ phát triển sản liên kết xuất theo chuỗi giá trị (Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), huyện Tủa Chùa được phân bổ hơn 44,2 tỷ đồng nhưng huyện không thực hiện được dự án liên kết.

Người dân xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) nhận giống lúa hỗ trợ sản xuất từ các chương trình MTQG.

Ông Thào A Lử, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tủa Chùa cho biết: Hàng năm huyện giao các cơ quan chuyên môn thông báo tuyển chọn đơn vị chủ trì liên kết dự án sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nhưng không có đơn vị đăng ký tham gia nên không thực hiện được. Do đó các dự án đều phải chuyển sang hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế (chủ yếu hỗ trợ các giống cây trồng, giống gia cầm, phân bón…)

Không chỉ tại huyện Điện Biên Đông hay Tủa Chùa, việc triển khai nội dung hỗ trợ sản xuất cộng đồng và liên kết thuộc các chương trình MTQG tại hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh đều gặp lúng túng, vướng mắc, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải ngân và đối tượng thụ hưởng. Vì vậy, nguồn vốn thường bị kéo dài sang năm sau. Điển hình, riêng dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tổng nguồn vốn được phân bổ giai đoạn 2021 - 2024 toàn tỉnh gần 195 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó nguồn vốn năm 2022 chuyển sang hơn 42 tỷ đồng, vốn năm 2023 chuyển sang hơn 78 tỷ đồng. Vì vậy, kết quả giải ngân vốn đến tháng 6/2024 mới đạt 26,6% kế hoạch.

Nhiều dự án không hiệu quả

Từ nguồn vốn các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 đến nay đã có hàng trăm dự án được triển khai thực hiện. Như với chương trình giảm nghèo đến nay toàn tỉnh đã thẩm định 33 dự án hỗ trợ sản xuất cộng đồng đang thẩm định 55 dự án. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng triển khai 98 dự án sản xuất và 514 dự án phát triển sản xuất cộng đồng. Song, nhiều dự án chưa đem lại kỳ vọng cho người dân; thậm chí một số dự án sau khi kết thúc mô hình cũng không còn.

Người dân xã Leng Su Sìn tham gia dự án trồng khoai tây.

Thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, năm 2023 xã Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé) triển khai mô hình hỗ trợ trồng khoai tây tại các bản: Leng Su Sìn, Suối Voi,  Phứ Ma, Cà Là Pá với 78 hộ dân tham gia, tổng diện tích gần 20ha, với tổng kinh phí thực hiện hơn 1,4 tỷ đồng. Khi triển khai dự án, người dân kỳ vọng mô hình sẽ là tiền đề, điều kiện để vươn lên xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Thế nhưng, hiệu quả dự án không như kỳ vọng. Theo ý kiến của đại diện UBND xã Leng Su Sìn, dự án triển khai muộn so với thời vụ, vì vậy cây khoai tây không năng suất, củ khoai nhỏ, chất lượng không đảm bảo. Bên cạnh đó, do trồng không đúng thời vụ nên thời điểm thu hoạch mưa liên tục khiến khoai bị thối, nên doanh nghiệp liên kết không thu mua. Tham gia mô hình người dân không có lãi nên sau vụ trồng đầu tiên đến nay người dân không mặn mà tiếp tục duy trì.

Tương tự, năm 2023 huyện Điện Biên Đông được phân bổ 4 tỷ đồng (chuyển tiếp năm 2022 sang) từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để thực hiện tiểu dự án 2, thuộc dự án 3 (hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị). Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên Đông xây dựng 7 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2023 chỉ triển khai thực hiện được 3 dự án hỗ trợ trồng trọt (bí xanh Tìa Dình, gạo nếp tan Luân Giói, mắc ca Pu Nhi) còn các dự án về hỗ trợ chăn nuôi không thực hiện được. Song các mô hình hỗ trợ nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả không cao. Điển hình, mô hình trồng bí xanh Tìa Dình, dù sản xuất theo hướng hàng hóa, liên kết nhưng khâu sản xuất gặp nhiều khó khăn dẫn đến tình trạng bí xanh Tìa Dình luôn khan hiếm, diện tích vùng nguyên liệu ngày càng thu hẹp.

Người dân tham gia dự án trồng bí xanh Tìa Dình.

Ông Phạm Quang Thành, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên Đông cho biết: Sau khi được giao chủ trì thực hiện các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, Trung tâm đã đăng tải thông báo, thông tin rộng rãi về các dự án trên các phương tiện thông tin đại chúng, mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất dự án. Song các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn không mấy mặn mà. Vì vậy, năm 2024 trung tâm đã từ chối nhận giao vốn bởi không có đơn vị liên kết thực hiện.

Không chỉ mô hình trồng khoai tây tại Mường Nhé, hay mô hình liên kết trồng bí xanh Tìa Dình, thực tế có rất nhiều mô hình hỗ trợ sản xuất chưa phát huy được hiệu quả. Thậm chí, vì tiến độ giải ngân vốn, một số địa phương đã triển khai thực hiện hỗ trợ các mô hình dễ thực hiện như hỗ trợ giống gà, vịt, phân bón... Song các mô hình hỗ trợ này manh mún, nhỏ lẻ, gần như chưa phát huy được hiệu quả; đặc biệt, chưa tạo được sinh kế lâu dài cho người dân vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Để các dự án hỗ trợ sản xuất đem lại hiệu quả, Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 chỉ đạo các địa phương hạn chế thấp nhất hoặc không thực hiện dự án hỗ trợ cộng đồng về chăn nuôi (trâu, bò, lợn, gà), mà tập trung nguồn lực để phát triển các mô hình hỗ trợ sản xuất liên kết, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo tiềm năng thế mạnh từng địa phương. Như Mường Nhé, Nậm Pồ tập trung cây quế; Tuần Giáo tập trung mắc ca, cà phê; Mường Ảng ưu tiên phát triển cà phê... Xuyên suốt quá trình thực hiện, các huyện phải tăng cường đôn đốc, giám sát ngay từ khâu lựa chọn mô hình, cung ứng, sử dụng nguồn giống bảo đảm đúng quy định pháp luật. Đồng thời thường xuyên kiểm tra thực địa, phân công cán bộ hướng dẫn, đồng hành với người dân.

Bài 3: Năng lực cán bộ cơ sở hạn chế

Bài, ảnh: Mai Phương - Văn Tâm
Bình luận
Back To Top