Không để lãng phí nguồn lực các Chương trình mục tiêu Quốc gia (bài 3)

06:55 - Thứ Bảy, 19/10/2024 Lượt xem: 3219 In bài viết

Bài 3: Năng lực cán bộ cơ sở hạn chế

ĐBP - Triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG, tại một số địa phương công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa thực sự quyết liệt; nhất là đối với cấp xã, một bộ phận cán bộ còn hạn chế về năng lực. Do đó trong quá trình triển khai lúng túng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư để trình phê duyệt cũng như giải ngân vốn chương trình MTQG trên địa bàn.

Bài 2: Dự án thiếu bền vững, không hiệu quả

Bài 1: Kỳ vọng “cú hích” từ chương trình mục tiêu quốc gia

Sợ sai không dám làm

Những năm gần đây, huyện Nậm Pồ phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi; trong đó, quế được xem là loại cây trồng chủ lực. Tại Nà Khoa - xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của huyện Nậm Pồ khi triển khai thực hiện chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cây quế được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao đời sống của người dân.

Triển khai chương trình MTQG, người dân xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ không mặn mà trồng cây quế.

Triển khai các chương trình MTQG trên địa bàn xã Nà Khoa đã từng bước giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống ấm no, tỷ lệ hộ nghèo giảm so với trước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn rất nhiều khó khăn. Như đối với cây quế, dù đã có hướng dẫn cụ thể, người dân được tham gia các lớp tập huấn, cầm tay chỉ việc, song theo nhận định của lãnh đạo UBND xã thì thủ tục triển khai quá rườm rà.

Năm 2024, ban đầu xã Nà Khoa rà soát có 155ha để triển khai trồng cây quế, tuy nhiên không thực hiện được. Ông Sùng A Lềnh, Chủ tịch UBND xã Nà Khoa cho biết: Người dân trên địa bàn xã có tư tưởng không muốn triển khai trồng cây quế, nhất là khi cây sắn đang được giá. Bà con băn khoăn khi vừa phải trồng sắn vốn đơn giản hơn, vừa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật đối với cây quế, từ việc đào hố, bón phân. Đồng thời, lo ngại sau này diện tích cây quế trồng thành rừng sẽ không được khai thác nên không mấy ai đăng ký triển khai.

Cùng với đó, trong quá trình thực hiện chương trình MTQG một số cán bộ được phân công phụ trách các dự án, tiểu dự án chưa chủ động, tích cực nghiên cứu các quy định của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương để kịp thời tham mưu cho UBND xã chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung thuộc thẩm quyền. Cán bộ cấp xã chưa sâu sát, thiếu chủ động, quyết liệt tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao; chưa kịp thời báo cáo, đề xuất giải pháp cho cấp có thẩm quyền xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Người dân xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ trồng cây quế xen cây sắn.

Có thể thấy, nhiều nguyên nhân dẫn đến việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG tại cơ sở còn hạn chế; trong đó, ở hầu hết các huyện là do cơ chế, hướng dẫn còn chồng chéo, chưa đồng bộ. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng khác là trong quá trình triển khai đã bộc lộ rõ những hạn chế về năng lực của cán bộ cấp xã.

Tại buổi giám sát thực hiện các chương trình MTQG của Thường trực HĐND tỉnh tại xã Nà Khoa, lãnh đạo UBND xã đã thẳng thắn thừa nhận: “Do năng lực quản lý, điều hành yếu nên xã Nà Khoa sợ thanh tra, sợ kiểm tra, sợ sai mà không dám làm”.

Cũng vì lý do trên, khi triển khai trồng cây quế Nà Khoa đã có tờ trình chuyển đổi kinh phí được cấp đầu năm 2024 cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện. Không riêng Nà Khoa, theo đánh giá của UBND huyện Nậm Pồ, hiện nay, một bộ phận cán bộ cơ sở trong toàn huyện còn hạn chế về năng lực nghiên cứu và tổ chức triển khai thực hiện. Đặc biệt là lúng túng trong việc triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất. Công tác chuẩn bị đầu tư đã được triển khai và thực hiện nhiều năm, song nhiều chủ đầu tư đến nay vẫn còn lúng túng trong việc lập hồ sơ, chuẩn bị đầu tư để trình phê duyệt. Dẫn tới việc thực hiện các dự án chậm so với kế hoạch đề ra.

Kết quả giải ngân vốn rất thấp

Triển khai thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn toàn tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành đầy đủ các văn bản quy định, hướng dẫn, triển khai thực hiện các chương trình phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương. Đã có 110 văn bản gồm: 23 văn bản chỉ đạo, điều hành chung; 87 văn bản hướng dẫn, chỉ đạo điều hành riêng cho từng chương trình. Tuy nhiên, hệ thống văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương rất nhiều, có nội dung chưa thống nhất, chưa rõ ràng dẫn đến khó khăn cho việc nghiên cứu thực hiện.

Trong khi đó, lực lượng cán bộ, công chức trực tiếp triển khai thực hiện chưa đáp ứng về số lượng và năng lực kinh nghiệm, nhất là ở cấp cơ sở. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành với UBND cấp huyện trong một số hoạt động chưa thực sự chặt chẽ và thường xuyên. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh; trong đó có việc giải ngân các nguồn vốn. Tại các địa phương đến năm 2022 đã giao đủ nguồn vốn song chủ yếu mới giải ngân được nguồn vốn đầu tư; nguồn vốn sự nghiệp giải ngân rất chậm, dẫn đến tình trạng kinh phí phân bổ cho năm 2022 và 2023, bao gồm cả kinh phí năm 2021 kéo dài sang, không được thực hiện.

Ngoài hỗ trợ đầu tư hạng mục nhà văn hóa, huyện Nậm Pồ triển khai hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo còn nhiều khó khăn.

Đơn cử như tại 4 huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Điện Biên Đông, việc triển khai Dự án 5 về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đều không thực hiện được phần kinh phí hỗ trợ bằng nguồn ngân sách địa phương hoặc vốn xã hội hóa. Hay triển khai Tiểu dự án 2 của Dự án 4 hỗ trợ người đi lao động nước ngoài, kết quả giải ngân chỉ đạt 0,62% kế hoạch vốn. Tương tự, Tiểu dự án 2 ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giao trên 38 tỷ đồng; giải ngân đến ngày 30/6/2024 mới chỉ được 595 triệu đồng (đạt 1,5% kế hoạch). Đối với Dự án 2, đa dạng hóa sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo, vốn sự nghiệp thực hiện giai đoạn 2021 - 2024 là hơn 194 tỷ đồng, kết quả giải ngân đạt 26% kế hoạch...

Ông Mùa Thanh Sơn, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho biết: Theo quy định, nếu ngân sách Trung ương phân bổ cho các năm 2022 và 2023 không được giải ngân, Chính phủ sẽ thu hồi lại. Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2023, các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ lo ngại rằng nếu các chính sách ban hành khó thực hiện thì việc phân bổ vốn cũng sẽ gặp khó khăn. Nhiều đại biểu cho rằng việc thu hồi vốn như vậy là không nhân văn với người nghèo, sẽ có rất nhiều người không được thụ hưởng nguồn kinh phí trên. Vì vậy, Chính phủ đã đồng ý cho phép kéo dài nguồn vốn của năm 2022 và 2023 sang năm 2024. Nhưng đến ngày 31/12/2024 mà các địa phương vẫn không giải ngân hết số vốn này, chắc chắn sẽ bị thu hồi.

Thời gian qua, nhằm triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình MTQG, từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều văn bản được điều chỉnh, bổ sung và thay thế. Được biết, sau giám sát tối cao, tháng 1/2024 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 111 về Một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình MTQG nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình thực hiện. Dù Nghị quyết đã được ban hành để điều chỉnh, bổ sung nhưng theo đánh giá của các sở, ngành tỉnh thì mới chỉ tháo gỡ được vướng mắc cho các ban, ngành Trung ương; còn tại các địa phương, đặc biệt là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất nhiều vướng mắc chưa thể tháo gỡ.

Bài 4: Nhìn thẳng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Bài, ảnh: Mai Phương - Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top