Không để lãng phí nguồn lực các Chương trình mục tiêu Quốc gia (bài 4)

06:56 - Chủ Nhật, 20/10/2024 Lượt xem: 3582 In bài viết

Bài 4: Nhìn thẳng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

ĐBP - Thực hiện các chương trình MTQG đã tác động đáng kể đến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là 6 chỉ tiêu: Hạ tầng, thu nhập, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, mỗi địa phương cần thẳng thắn nhìn nhận thực tế những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở để xác định giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Bài 3: Năng lực cán bộ cơ sở hạn chế

Bài 2: Dự án thiếu bền vững, không hiệu quả

Bài 1: Kỳ vọng “cú hích” từ chương trình mục tiêu quốc gia

Nhìn thẳng hạn chế

Đến thăm một số xã trên địa bàn huyện Điện Biên, chúng tôi thấy rõ sự “thay da đổi thịt” nhờ triển khai, thực hiện 3 chương trình MTQG. Tuy nhiên, dù có nhiều thuận lợi để triển khai, thực hiện các chương trình MTQG so với địa bàn các xã vùng cao, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh thì huyện Điện Biên vẫn có nhiều khó khăn, vướng mắc.

Triển khai các chương trình MTQG, tại xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên) kết cấu hạ tầng xã đã phát triển mạnh.

Tại xã Noong Hẹt (xã nông thôn mới nâng cao của huyện Điện Biên) so với đầu nhiệm kỳ, đến nay kết cấu hạ tầng xã đã phát triển mạnh. Đã có hơn 35 dự án công trình xây dựng lớn, nhỏ của tỉnh, huyện, xã đã và đang triển khai với tổng mức đầu tư trên 130 tỷ đồng.

Sau hơn 3 năm triển khai các chương trình MTQG, đến nay 100% hộ gia đình và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% đường trục xã, liên xã, liên thôn bản được nhựa hóa, bê tông hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,8% (vượt so với Nghị quyết đại hội đề ra đến năm 2025 là 6,4%); thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng/người/năm; 7/14 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Mặc dù vậy, theo ông lê Duy Hưng, Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt thì công tác lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết nông thôn mới còn chậm so với kế hoạch đề ra; việc giải ngân nguồn vốn sự nghiệp 3 chương trình MTQG chậm, khó thực hiện. Ngoài ra, do quy định con giống vật nuôi phải đảm bảo các quy định của Luật Chăn nuôi nên công tác tổ chức triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng nuôi bò sinh sản thuộc chương trình năm 2023 vẫn còn vướng mắc chưa thể tháo gỡ để tiếp tục triển khai thực hiện vào năm 2024.

Tương tự, xã Thanh Nưa đến nay vẫn còn 34 nhà tạm, nhà dột nát. Đối với Tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, xã còn gặp khó khăn trong việc bố trí diện tích đất và huy động các nguồn lực để xây dựng mới Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, nhà văn hóa - khu thể thao thôn, bản.

Dù có nhiều thuận lợi song việc triển khai các chương trình MTQG ở huyện Điện Biên còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tỉnh Điện Biên còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, các dịch vụ, điều kiện sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu. Xác định những thách thức đó, ngay từ khi triển khai thực hiện các chương trình MTQG, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo và quy chế hoạt động để tổ chức triển khai thực hiện thống nhất, bài bản trên địa bàn tỉnh. UBND cấp huyện, cấp xã cũng thành lập Ban chỉ đạo; Ban quản lý thực hiện các chương trình giai đoạn 2021 - 2025, phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Tỉnh cũng thành lập đoàn giám sát liên ngành để kiểm tra tình hình thực hiện các chương trình, các nhiệm vụ và đôn đốc tiến độ thực hiện tại các địa phương. Định kỳ tổ chức họp giao ban, hoặc họp đột xuất để đánh giá kết quả và đề ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, số lượng văn bản quy định, hướng dẫn liên quan đến việc tổ chức thực hiện quá nhiều, có nhiều nội dung mới được sửa đổi, điều chỉnh nên chưa thống nhất đã gây khó khăn cho việc áp dụng thực hiện. Tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của các chương trình còn chậm, tỷ lệ giải ngân vốn đạt thấp. Việc bố trí nguồn ngân sách địa phương đối ứng và huy động các nguồn vốn khác tại địa phương là rất khó khăn. Một số xã và cộng đồng dân cư chưa chủ động nghiên cứu, đề xuất lựa chọn các mô hình đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhu cầu.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Với chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 là xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hơn, cần hỗ trợ đầu tư nhiều hơn, nhưng phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước đó. Trong khi nguồn lực địa phương thì hạn chế.

Với chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi việc rà soát các hộ thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất sản xuất còn gặp khó khăn do nhiều hộ không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc cho tặng không có văn bản làm căn cứ pháp lý. Mặt khác, qua rà soát số đối tượng thụ hưởng rất ít, vì vậy rất khó giải ngân nguồn vốn của nội dung này. Hay việc hỗ trợ trực tiếp cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng cũng chưa thu hút được người dân trên địa bàn tỉnh do mức hỗ trợ thấp (khoảng 10 - 15 triệu đồng/lao động); và phải đảm bảo điều kiện được công ty tuyển dụng cung cấp đủ hồ sơ, giấy tờ hóa đơn hợp lệ. Đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 121 người đi lao động xuất khẩu lao động và có xu hướng chuyển sang lao động ngoại tỉnh...

Ông Tạ Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện từng chương trình MTQG, huyện đã đề ra 7 phương hướng, giải pháp chung và nhiều nhiệm vụ cụ thể nhằm đạt các chỉ tiêu, mục tiêu của chương trình. Trong đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình. Đặc biệt coi trọng vai trò của cấp cơ sở, đảm bảo sự tham gia của người dân trong việc giám sát, đánh giá.

Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, huyện Mường Nhé sẽ tích cực triển khai nhiều giải pháp chung và cụ thể.

Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình MTQG, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tỉnh Điện Biên đã có nhiều đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan liên quan ở Trung ương. Dù vậy, tại cấp tỉnh cần tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động, tích cực triển khai thực hiện chương trình MTQG theo đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công. Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn thực hiện cho từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần.

Các huyện cần quyết liệt thực hiện giải ngân nguồn vốn đã được phân bổ cho các chương trình MTQG. Làm tốt việc huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư, tập trung xóa huyện “trắng nông thôn mới” và xã đạt dưới 10 tiêu chí nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu số bản đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu theo kế hoạch. Các địa phương khẩn trương hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, lập mới quy hoạch chung của cấp xã, rà soát, điều chỉnh lập quy hoạch vùng huyện.

Cần nêu cao hơn nữa trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cơ quan chủ trì các cấp. Các ngành, địa phương chủ động, tích cực phối hợp trong tổ chức triển khai các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc các chương trình MTQG.

Bài, ảnh: Mai Phương - Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top