Hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế cho người dân

14:19 - Thứ Ba, 22/10/2024 Lượt xem: 2524 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, việc hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân trên địa bàn tỉnh bám sát chủ trương, nghị quyết tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Thông qua các chương trình hỗ trợ, nhiều cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đã được đưa vào sản xuất, tạo sinh kế cho người dân; góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Người dân xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo) nhận hỗ trợ phân bón cây mắc ca.

Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, từ đầu năm đến nay, người dân xã Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé) đã được hỗ trợ các loại cây giống để phát triển sản xuất lâm nghiệp. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều hộ dân thuộc tổ cộng đồng 2 bản Cà Là Pá (Cà Là Pá và Cà Là Pá 1, xã Leng Su Sìn) đã được hỗ trợ giống cây sa nhân tím. Mặt khác, cùng với các bản: Suối Voi, Á Di, Gia Chứ và Phứ Ma, bà con 2 bản Cà Là Pá tiếp tục được hỗ trợ cây quế để phát triển sản xuất.

Với sự hỗ trợ của Nhà nước trong phát triển sản xuất, ông Vừ Xáy Lầu, Trưởng bản Cà Là Pá bày tỏ: “Những năm gần đây, tổ cộng đồng 2 bản Cà Là Pá luôn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của Nhà nước. Đợt tháng 6 vừa qua, tổ cộng đồng 2 bản Cà Là Pá tiếp tục được hỗ trợ cây quế giống. Sau đó, bà con đã tiến hành trồng gần 15ha quế. Với diện tích này, dân bản sẽ cố gắng chăm sóc và bảo vệ tốt để tạo nguồn sinh kế, góp phần tăng thu nhập trong thời gian tới…”.

Từ đầu năm đến nay, huyện Mường Nhé đã thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất cho người dân theo các nguồn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững. Trong đó có hơn 40 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng như: Hỗ trợ cộng đồng phát triển trồng ngô, sắn, quế, sa nhân… Đến thời điểm hiện tại, một số dự án và mô hình của các chương trình hỗ trợ đang được triển khai, dấu hiệu khá tích cực.

Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm về nếp tan triển khai trên địa bàn xã Luân Giói (huyện Điện Biên Đông) góp phần hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại sản phẩm chất lượng cao.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Nhờ các chính sách hỗ trợ sản xuất, chính quyền các cấp đã tích cực định hướng cho Nhân dân phát triển kinh tế phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên cơ sở đó, các chương trình hỗ trợ ngày càng phát huy hiệu quả; tạo ra bước chuyển dịch trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững.

Thực hiện triển khai các dự án liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm năm thứ 2, để đảm bảo cho việc hỗ trợ các đơn vị chủ trì liên kết triển khai các hoạt động của dự án đến với người dân tham gia liên kết sản xuất kịp thời, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên Đông đã tiến hành ký kết hợp đồng trách nhiệm triển khai dự án năm thứ 2 với các đơn vị chủ trì liên kết dự án phát triển giống nếp tan Luân Giói, bí xanh Tìa Dình và mắc ca Pu Nhi.

Ông Phạm Quang Thành, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên Đông cho biết: Ngoài lựa chọn những cây, con giống chất lượng và có giá trị kinh tế cao, huyện còn ưu tiên các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương để hỗ trợ cho người dân. Trong đó các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm về bí xanh Tìa Dình hay nếp tan Luân Giói… đã góp phần đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác và tận dụng lợi thế, thế mạnh của địa phương.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên Đông kiểm tra cách bảo quản sản phẩm bí xanh thuộc dự án do đơn vị thực hiện hỗ trợ.

Thời gian qua, các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã thực hiện nhiều dự án hỗ trợ sản xuất cho người dân. Đặc biệt là trong giai đoạn 2021 - 2024, Tổ thẩm định cấp huyện đã nhận hồ sơ
dự án đề nghị thẩm định 86 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng (33 dự án đã thẩm định và 53 dự án đang thẩm định). Nhờ triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp nhiều hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Tuy đã đạt được những mặt tích cực nhưng tình trạng thiếu hụt về đất canh tác nông nghiệp còn tồn tại ở nhiều địa phương. Một số xã còn khó khăn, lúng túng trong việc lựa chọn các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững… Khắc phục tồn tại, hạn chế đó, thời gian tới, tỉnh Điện Biên tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác giảm nghèo và chính sách an sinh xã hội tập trung
hoàn thành hệ thống văn bản chỉ đạo, quản lý tổ chức thực hiện Chương trình sát với tình hình thực tế trên địa bàn. Cùng với sự quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị rất cần sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của các hộ nghèo, đối tượng yếu thế để các chương trình hỗ trợ sản xuất phát huy hiệu quả.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top