Vấn đề kỳ này

Phát triển chăn nuôi gia súc

08:27 - Thứ Năm, 24/10/2024 Lượt xem: 4381 In bài viết

ĐBP - Phát triển chăn nuôi gia súc được tỉnh xác định là một trong những hướng đi hiệu quả phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đặc biệt tại các huyện miền núi, vùng cao. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững chăn nuôi gia súc ăn cỏ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân mở rộng quy mô đàn gia súc, nuôi theo mô hình trang trại, gia trại.

Tận dụng lợi thế chăn thả, trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc, nhiều gia đình ở huyện Mường Nhé phát triển chăn nuôi gia súc. Trong ảnh: Người dân bản Ðoàn Kết, xã Chung Chải chăm sóc đàn trâu. Ảnh: Mai Phương

Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh phát triển đàn gia súc ăn cỏ với tốc độ bình quân khoảng 3%/năm; tập trung nâng cao chất lượng, giá trị sản xuất gia tăng vật nuôi, thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt; đàn trâu tăng bình quân 1,4%/năm; đàn bò tăng bình quân 4,5%/năm; đàn dê tăng bình quân 2,9%/năm... Đến năm 2030, tổng đàn trâu, bò, dê khoảng 376.000 con. Theo đó, tỉnh Điện Biên quy hoạch vùng chăn nuôi trâu, bò tập trung tại các huyện: Mường Nhé, Mường Chà, Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Mường Ảng, Tuần Giáo; phát triển đàn lợn tại các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng...

Triển khai đề án của tỉnh, các địa phương đã ban hành nghị quyết, chính sách cụ thể để chăn nuôi gia súc phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Tuy nhiên, chăn nuôi gia súc trên địa bàn tỉnh phần lớn theo quy mô nhỏ, lẻ hộ gia đình, thiếu áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, phòng trị bệnh cho vật nuôi nên hiệu quả chưa cao. Trong khi nuôi nhốt gia súc, người dân có thể chủ động tiêm phòng; hạn chế đến mức thấp nhất vật nuôi chết do dịch bệnh, giá rét. Do đó, cơ quan chuyên môn và các địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển từ chăn nuôi trâu bò thả rông sang đầu tư nuôi nhốt vỗ béo để kiểm soát dịch bệnh và gia súc sinh trưởng tốt hơn. Vận động người dân phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa và mô hình trang trại, gia trại, tỉnh đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân đầu tư hệ thống chuồng trại, con giống, trồng cỏ và chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc; tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho vật nuôi...

Huyện Điện Biên Đông đã triển khai quy hoạch vùng chăn nuôi đại gia súc và vùng trồng cỏ, tập trung tại các xã: Luân Giói, Háng Lìa, Chiềng Sơ, Xa Dung. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai các chương trình, dự án tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ người dân phát triển và mở rộng quy mô đàn gia súc. Người dân được hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư chuồng trại, mua con giống, trồng cỏ voi. Diện tích trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc trên địa bàn huyện khoảng 500ha. Ngoài ra, người dân được tập huấn kỹ thuật ngâm ủ các phụ phẩm nông nghiệp (thân cây ngô, lạc, sắn, rơm rạ) làm thức ăn cho gia súc. Nhờ vậy, tổng đàn gia súc của huyện Điện Biên Đông đạt trên 82.000 con. Cũng với cách làm tương tự, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc trên địa bàn huyện Tủa Chùa hàng năm đạt từ 3 - 5% với khoảng 85.000 con.

Cỏ voi được trồng để chăn nuôi gia súc.

Háng Lìa là xã đi đầu trong phát triển chăn nuôi gia súc của huyện Điện Biên Đông nhờ việc lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ, vận động nhân dân xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô đàn, trồng cỏ voi; hướng dẫn hộ chăn nuôi kỹ thuật phòng chống dịch bệnh. Tốc độ phát triển đàn gia súc của xã đạt 4 - 5%/năm, riêng đàn trâu bò tăng 15%/năm với đàn gia súc hiện nay khoảng 5.400 con.

Phát triển chăn nuôi gia súc bền vững, các địa phương đã kết hợp nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi) để thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ. Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, chính quyền các địa phương, việc phát triển chăn nuôi gia súc đã và đang được nhân dân hưởng ứng, thực hiện. Mô hình chăn nuôi tập trung đang xuất hiện nhiều hơn ở các địa phương, giảm dần việc chăn thả, thiếu kiểm soát dịch bệnh. Hiện nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh khoảng 551.000 con; trong đó, đàn trâu 137.000 con, đàn bò hơn 99.000 con, đàn lợn trên 315.000 con.

Sơ chế cỏ voi làm thức ăn cho gia súc. Ảnh: Lường Phượng

Tuy có phát triển song chăn nuôi gia súc trên địa bàn tỉnh vẫn thiếu bền vững khi quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ là chủ yếu. Toàn tỉnh hiện có 300 trang trại chăn nuôi hỗn hợp trâu, bò, lợn, dê nhưng có tới 290 trang trại quy mô nhỏ, 18 trang trại quy mô vừa còn lại là chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán. Đây là những hạn chế cần khắc phục để chăn nuôi thực sự phát triển bền vững, mang lại nguồn thu nhập cho mỗi gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Để chăn nuôi phát triển bền vững, các địa phương cần sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ngân hàng chính sách đồng thời lồng ghép nguồn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo điều kiện cho người dân giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang nuôi nhốt tập trung theo hướng trang trại, gia trại, có kiểm soát dịch bệnh. Thực hiện mô hình chăn nuôi hữu cơ, phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng hợp tác, liên kết giữa các hộ dân tạo sản phẩm hàng hóa từ chăn nuôi.

Hà Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top