Mỗi bản một mô hình kinh tế

10:07 - Thứ Hai, 28/10/2024 Lượt xem: 723 In bài viết

Giúp các tổ, bản xác định được tiềm năng, lợi thế, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả, Thành phố Sơn La đã phát động, triển khai mô hình “Mỗi bản một mô hình kinh tế”, đem lại kết quả tích cực.

Sản phẩm quýt bản địa tại bản Ót Luông, xã Chiềng Cọ.

Thực hiện mô hình, các tổ, bản của 8 xã, phường trên địa bàn Thành phố đã đăng ký 67 mô hình, gồm 36 mô hình trồng cà phê, mận mơ, xoài, nhãn, thanh long, cây có múi, rau, quả; 31 mô hình nuôi gia súc, gia cầm. Các xã có nhiều mô hình, gồm: Hua La 15 mô hình; Chiềng Ngần 13 mô hình; Chiềng Xôm 10 mô hình; phường Chiềng An 9 mô hình; Chiềng Đen 8 mô hình; Chiềng Cọ 7 mô hình...

Ông Đoàn Văn Thắng, Trưởng phòng Kinh tế Thành phố, cho biết: Phòng đã tham mưu cho UBND Thành phố ban hành “Khung mô hình” cụ thể từng loại giống cây trồng, vật nuôi. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố phối hợp với xã, phường mở các lớp tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ. Bằng cách làm này, sau hơn 1 năm triển khai, Thành phố đã lựa chọn được 7 mô hình trồng trọt, 11 mô hình chăn nuôi tiêu biểu, cho hiệu quả kinh tế cao để nhân rộng.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của HTX Nông nghiệp sạch An Phú, phường Chiềng An.

Tại tổ 2, phường Chiềng An, HTX Nông nghiệp sạch An Phú đã triển khai mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP, với quy mô 5 ha, áp dụng kỹ thuật sản xuất thanh long trái vụ, cho ra quả vào đúng ngày rằm và mùng 1 âm lịch hằng tháng, tạo thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán cao hơn so với thanh long sản xuất đại trà.

Anh Quàng Văn Trung, Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch An Phú, chia sẻ: Mỗi năm, vườn thanh long cho thu hoạch 18 lứa quả, năng suất khoảng 25 tấn/ha, giá bán dao động 15.000 - 30.000/kg, lợi nhuận đạt từ 200-250 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, sản phẩm thanh long của HTX có thương lái đến thu mua tại vườn, cung cấp đi các tỉnh và trên địa bàn Thành phố. Mô hình đang được nhân rộng cho 18 hộ thành viên.

Mô hình trồng cà phê bản Muông Yên, xã Chiềng Cọ.

Xã Hua La có mô hình thâm canh cà phê có cây che bóng tại bản Hoàng Văn Thụ đang cho hiệu quả kinh tế cao. Với quy mô 5 ha cà phê, trồng xen khoảng 400 cây gió bầu, giúp giảm thiểu tác hại của sương muối trong mùa đông, điều hòa độ ẩm trong mùa hè. Mô hình cho năng suất từ 15-20 tấn quả cà phê tươi/ha, bán với giá từ 10.000-15.000 đồng/kg, doanh thu đạt 250 triệu/ha, trừ chi phí, thu lãi khoảng 150 triệu/ha.

Ông Quàng Văn Bưu, Chủ tịch UBND xã Hua La, chia sẻ: Xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch cà phê tại 15 bản. Hiện nay, toàn xã có trên 1.300 ha cây cà phê, xã thành lập 3 HTX; có 2 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP; trong đó, Cà phê bột nguyên chất của HTX Cà phê Bích Thao Sơn La đạt sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Xưởng chế biến cà phê của HTX Cà phê Bích Thao Sơn La.

Thực hiện mô hình “Mỗi bản một mô hình kinh tế”, đã giúp người dân trên địa bàn Thành phố thay đổi tư duy sản xuất, chăn nuôi, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, từ đó xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi.

Mô hình nuôi dúi của hộ ông Quàng Văn Quốc, bản Ót Luông, xã Chiềng Cọ, cho lợi nhuận 300 - 400 triệu đồng/năm. Mô hình trồng cam, quýt hữu cơ của ông Tòng Văn Thành, bản Ngoại, xã Chiềng Cọ, năng suất khoảng 20 tấn/ha, thu nhập 450 triệu đồng/năm, lợi nhuận 250-300 triệu đồng/ha. Mô hình nuôi dế của ông Tòng Văn Cường, tổ 5, phường Chiềng An, mỗi năm xuất bán từ 1,2 - 1,5 tấn dế thương phẩm, giá bán trung bình 140 nghìn đồng/kg, doanh thu 170 - 200 triệu đồng/năm. Mô hình nuôi bò thịt giống 3B, bản Trung Tâm, xã Chiềng Đen của hộ ông Quàng Văn Muôn, hằng năm cung cấp ra thị trường khoảng 10 tấn bò thịt, doanh thu khoảng 600 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng...

Mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm của nông dân bản Mòng, xã Hua La.

Ông Đoàn Văn Thắng, Trưởng phòng Kinh tế Thành phố, chia sẻ thêm: Từ hiệu quả các mô hình, Phòng tiếp tục tham mưu cho UBND Thành phố triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, như: Xây dựng hạ tầng các vùng sản xuất; xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; phát triển thương hiệu sản phẩm...

Cùng với đó, thành phố Sơn La chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người sản xuất các giải pháp về khoa học kỹ thuật để nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm. Tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào sản xuất liên kết, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, nhất là các doanh nghiệp, HTX có quy mô vừa và lớn, có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và mức độ liên kết rộng, chế biến sâu sản phẩm.

Bên cạnh đó, chỉ đạo UBND các xã, phường đánh giá hiệu quả các mô hình; tổ chức cho nhân dân tham quan, học tập đối với các mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao; rút kinh nghiệm và xây dựng các giải pháp cụ thể đối với các mô hình chưa đạt hiệu quả. Chú trọng phát triển các mô hình sản xuất liên kết, theo hướng hữu cơ; ứng dụng công nghệ cao, có quy mô tập trung để phát triển bền vững. Phát triển sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương, với mục tiêu mỗi xã, phường phải có ít nhất một sản phẩm thế mạnh.

Bài, ảnh: Minh Thu
Bình luận

Tin khác

Back To Top