Chợ phiên Pu Nhi: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

15:46 - Thứ Hai, 28/10/2024 Lượt xem: 2835 In bài viết

ĐBP - Cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ khoảng 13km, có vị trí gần “cung đường du lịch” Tà Lèng - Mường Phăng, chợ phiên Pu Nhi, xã Pu Nhi (huyện Điện Biên Đông) họp vào ngày thứ 7 hàng tuần được kỳ vọng là điểm đến của đông đảo người dân bản địa và vùng lân cận đến mua bán, trao đổi hàng hóa; hấp dẫn, thu hút du khách gần xa đến trải nghiệm, thưởng thức bản sắc chợ vùng cao. Tuy nhiên, qua gần 2 tháng hoạt động, nơi đây vẫn chưa thoát được nếp chợ quê cố hữu để vươn mình trở thành điểm nhấn du lịch của xã Pu Nhi. Yếu tố cần hiện nay là hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối, liên kết trong cả hoạt động thương mại lẫn du lịch.   

Chợ phiên Pu Nhi họp vào thứ 7 hàng tuần.

Những niềm vui mới…

Có mặt lúc bình minh vừa ló rạng, chúng tôi khá bất ngờ vì chợ phiên Pu Nhi họp khá sớm. Dạo một vòng chợ, dù quy mô khá nhỏ, áng chừng chỉ có khoảng 30 - 40 gian nhưng mặt hàng tương đối đầy đủ. Nhiều nhất vẫn là nông sản và sản phẩm thủ công của địa phương. Ngay từ cổng chợ, hai bên lối đi đã có nhiều người bày bán nông sản, chủ yếu là các loại rau được bà con Pu Nhi trồng tại vườn nhà, đến ngày phiên chợ mới thu hoạch, như: Cải các loại, ngọn su su, bông bí, quả bí, măng, các loại rau rừng… Ngoài ra, cũng có một số gian bày bán sản phẩm thủ công, đặc sản của người Mông, như: Giấy, hương, đồ thêu, bánh giầy…

Có vị trí bán hàng ngay trung tâm chợ Pu Nhi, chị Lò Thị Chiến, bản Nậm Ngám A, xã Pu Nhi - chủ một gian hàng nhỏ bày bán các loại rau củ xởi lởi mời khách. Rẽ vào xem thử, chúng tôi thấy các loại rau từ cải, bí xanh, đỗ… tất cả đều rất tươi, dường như vừa hái lúc sáng sớm để kịp phiên chợ. Chị Chiến cho biết: Trước đây trồng rau phải mang xuống TP. Điện Biên Phủ bán. Có chợ của xã rồi, việc mua bán thuận lợi hơn, bà con trong xã ai cũng vui, phấn khởi lắm. Trưởng bản cứ lên loa “a lô” bảo là trồng thêm rau, trồng bí, trồng các loại cây quả khác nhiều lên mà mang ra chợ bán. Giờ thì ngồi đây thôi, người thành phố cũng lên mua.

Số lượng gian hàng ở chợ phiên Pu Nhi vẫn còn khá khiêm tốn.

Không xa gian hàng của chị Chiến, gian hàng của chị Giàng Thị Chừ, bản Nậm Ló thu hút chúng tôi bởi món óc đậu đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông. Tuy nhiên, chị Chừ không để trong nồi đun trên bếp như ở các nơi khác mà đã chia sẵn thành từng túi nhỏ, tiện cho khách mang đi. Vừa thoăn thoắt lấy hàng cho khách, chị Chừ vừa tâm sự: “Nhờ có chợ này mà mình bán được nông sản chứ trước đây toàn để ở nhà dùng. Khách lên đây có cả người ở xã khác nữa. Bà con thấy thế cũng phấn khởi! Mình mới mua thêm giống rau về trồng để bán trong các phiên chợ tới đây…”.

Chị Đặng Thị Huyền Trang, phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ là một trong số những người có mặt ở từ khá sớm. Chị và bạn đồng hành dường như đã khám phá hết các gian hàng ở phiên chợ nhỏ vùng cao. Điều đặc biệt là sau mỗi lần dừng chân khám phá, hành trang của chị lại nặng thêm túi thịt, bó rau. Chị Trang chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên mình lên chợ phiên này. Còn chị bạn đồng hành với mình thì lên đây nhiều lần rồi! Mình thấy chợ này không quá xa thành phố mà lại đúng nghĩa là chợ phiên vùng cao. Các sản phẩm ở đây thì cảm quan ban đầu đều thấy là tươi, ngon. Mình đã mua được nhiều loại thịt, như: Bò, dê, lợn; mua được cả các loại rau tươi… Hôm nay mình còn được xem văn nghệ do xã tổ chức, được thưởng thức món thắng cố do người bản địa nấu. Nói chung mình thấy chợ phiên này rất hay. Nếu có thời gian mình sẽ trở lại cùng với gia đình để mua sắm sản vật địa phương và trải nghiệm văn hóa vùng cao được nhiều hơn…”.

Người dân xã Pu Nhi đi chơi chợ phiên.

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Chợ phiên Pu Nhi cách TP. Điện Biên Phủ không xa. Hệ thống giao thông mới được nâng cấp êm thuận, chỉ mất khoảng 30 phút di chuyển từ trung tâm tỉnh. Không chỉ vậy, lộ trình lên chợ phiên Pu Nhi còn đi qua điểm săn mây, ngắm toàn cảnh TP. Điện Biên Phủ tại điểm du lịch Kê Nênh trên “cung đường du lịch” Tà Lèng - Mường Phăng. Với địa thế khá thuận lợi như vậy, nhưng sau 2 tháng hoạt động, chợ phiên vẫn chưa thu hút được nhiều du khách tới tham quan, trải nghiệm như kỳ vọng.

Nghỉ chân tại một quán nhỏ trong chợ, chúng tôi mới có cái nhìn tổng quan hơn về phiên chợ vùng cao này. Thực tế hiện nay, dù diện tích mặt bằng lớn, đất trống còn nhiều nhưng số lượng gian hàng bày bán vẫn còn khá khiêm tốn. Các mặt hàng cũng không quá phong phú mà chỉ tập trung vào các sản phẩm địa phương. Hơn thế nữa, lại quá ít các gian hàng ẩm thực, ít các hoạt động trải nghiệm. Bởi ngoài việc mua sắm, du khách tìm đến đây để được chơi, được hòa mình vào văn hóa vùng cao. Đó là điều mà chợ phiên Pu Nhi vẫn chưa làm được.

Các mặt hàng bày bán tại chợ phiên chủ yếu là nông sản địa phương.

Đồng tình với quan điểm này, chị Đặng Thị Huyền Trang chia sẻ thêm: “Mình cũng thấy quy mô chợ còn khá nhỏ, ít gian hàng quá. Mình dậy sớm đi chợ nên chưa kịp ăn sáng mà các gian ẩm thực ở đây còn khá ít, các món không phong phú như các chợ phiên khác. Cá nhân mình nghĩ nếu mở rộng thêm các gian hàng, đa dạng sản phẩm thì sẽ thu hút được nhiều khách hơn. Mình thấy nhiều người ở thành phố lên đây mua đồ. Nếu mà vui hơn nữa thì chắc chắn họ sẽ quay lại và giới thiệu cho nhiều người khác cùng đến”.

Là ngày họp chợ cuối cùng của tháng 10, UBND xã Pu Nhi tổ chức chương trình văn nghệ phục vụ người dân và du khách với sự tham gia của các đội văn nghệ bản Nậm Ngám C và bản Háng Trợ khiến chợ phiên có phần sôi động hơn. Điều khiến chúng tôi bất ngờ là đích thân Phó Chủ tịch UBND xã Pu Nhi Lầu A Của vừa là người dẫn chương trình vừa là ca sĩ góp vui cho chương trình văn nghệ. Nghe những chia sẻ của chúng tôi, ông Lầu A Của trầm tư: “Chợ phiên Pu Nhi được khai trương dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, với mục đích chính là để người dân trong xã tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do họ tự sản xuất. Thời gian qua cấp ủy, chính quyền xã cũng tiến hành công tác quảng bá về chợ phiên, bước đầu được người dân ở TP. Điện Biên Phủ biết đến, lên tham quan và mua nông sản tại chợ. Không chỉ vậy, nhờ tuyến tỉnh lộ 143 Noong Bua - Pu Nhi - Na Son mới được đầu tư sửa chữa nên vào chiều thứ 6 hàng tuần, cán bộ, người dân thuộc các xã phía Nam huyện Điện Biên Đông đi qua đây và vào mua sắm tại chợ. Qua 2 tháng thì chợ vẫn duy trì hoạt động ở mức trung bình. Mặt bằng của chợ rộng nhưng số lượng người bán hàng vẫn ở mức khiêm tốn, khoảng 50 - 60 gian hàng một phiên. Các mặt hàng hiện nay cũng chưa thực sự đa dạng, nhất là các gian hàng ẩm thực chưa có nhiều…”.

Người dân Pu Nhi mua các sản phẩm thủ công truyền thống.

“Pu Nhi cũng có lợi thế về phát triển du lịch với hệ sinh thái tự nhiên phong phú, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Xã có di tích Vừ Pả Chay, hiện địa phương mong muốn Nhà nước đầu tư mở đường vào khu di tích này, có thêm điểm đến ngoài chợ phiên để du khách tham quan, góp phần phát triển kinh tế du lịch, tăng thu nhập cho bà con. Hiện nay xã đang cố gắng phát triển chợ phiên Pu Nhi trở thành một phần quan trọng của chuỗi thông thương hàng hóa từ tỉnh vào trung tâm huyện Điện Biên Đông theo tuyến tỉnh lộ... Ngoài ra, cần sự chung tay của truyền thông, báo chí và cộng đồng, đẩy mạnh giới thiệu quảng bá để nhiều người dân và du khách biết đến chợ phiên độc đáo này hơn” - ông Lầu A Của chia sẻ.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top