Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" lần thứ II - năm 2024

Thủ lĩnh Hà Nhì nơi ngã ba biên giới

17:48 - Thứ Ba, 29/10/2024 Lượt xem: 2760 In bài viết

ĐBP - Ở miền biên viễn xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé), khi hỏi về ông Sừng Sừng Khai, ở bản A Pa Chải không ai không biết, và ví ông như một thủ lĩnh người dân tộc Hà Nhì. Trong quá trình công tác hay khi trở về phát triển kinh tế gia đình, ông Khai luôn là người tiên phong đi đầu; tạo ra những giá trị tích cực, truyền cảm hứng lan tỏa tới cộng đồng. Sự đóng góp của ông đã góp phần không nhỏ thay đổi cuộc sống của đồng bào dân tộc Hà Nhì nơi cực Tây Tổ quốc.

Bài 1: Tiên phong phát triển kinh tế

Dù không được học hành và đào tạo qua trường lớp một cách bài bản, song với tinh thần dám nghĩ, dám làm, ông Sừng Sừng Khai (SN 1966) đã nỗ lực vươn lên đi đầu trong mọi phong trào phát triển kinh tế tại địa phương. Người con dân tộc Hà Nhì này đã tiên phong xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm...

Ông Khai trao đổi kinh nghiệm canh tác lúa nước với cán bộ biên phòng.

Bỏ nương, lập ruộng

Những ngày cuối tháng 10, dân bản A Pa Chải đang tập trung thu hoạch lúa nước. Nếu không hẹn trước, có lẽ chúng tôi không gặp được ông Sừng Sừng Khai, bởi ông còn đang tất bật với ruộng vườn, chuồng trại... Gần 60 tuổi nhưng ông Khai vẫn khỏe khoắn, rắn chắc, dẻo dai “như một gốc nghiến” giữa đại ngàn. Vừa vác cây chuối to từ nương về nhà, nhìn thấy chúng tôi, ông Khai phấn khởi, niềm nở như gặp lại những người thân quen từ lâu, khiến những người gặp ông lần đầu cũng cảm nhận được sự thân thiện, hào sảng của người nông dân chân chất này.

Mời khách vào nhà, vừa rót nước mời khách, ông Khai vừa mở lời: “Hôm nay, các anh không gọi điện trước thì chắc giờ này tôi vẫn đang ở ruộng. Công việc đồng áng vất vả nhưng vui…”. Nghe ông chia sẻ, những hình ảnh về Sừng Sừng Khai - người tiên phong canh tác lúa nước ở A Pa Chải hơn 30 năm trước lần lượt hiện lên...

Ông Khai nhớ lại: “Những năm 1980 đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, người dân trong bản chỉ biết làm nương để lấy lương thực. Tuy nhiên, trồng lúa nương cho năng suất thấp, lương thực không đảm bảo, nhà nào cũng gặp khó khăn nên... đói nghèo bủa vây. Năm 1993, gia đình tôi đã mạnh dạn bỏ nương; tự khai hoang ruộng trồng lúa nước. Sau 2 năm, tôi đã tiến hành khai hoang gần 2ha ruộng. Sau khi thu hoạch, nhận thấy năng suất, sản lượng của lúa nước cao hơn hẳn lúa nương, tôi đã vận động bà con cùng làm theo để đảm bảo lương thực cho gia đình.

Nhờ thường xuyên tích lũy kiến thức và kinh nghiệm chăn nuôi nên đàn bò của gia đình luôn phát triển tốt. Trong ảnh: Ông Khai cho bò ăn muối, bổ sung khoáng chất.

Thời điểm đó, việc mua giống lúa cũng như nông cụ canh tác cũng rất khó khăn, song với vai trò tiên phong, tố chất của một thủ lĩnh dám nghĩ, dám làm, Sùng Sừng Khai đã sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ thóc giống, cày, bừa, sức kéo… với dân bản. Nhờ vậy, nhiều hộ dân đã có thêm tư liệu sản xuất, canh tác lúa nước, xóa đói nghèo.

Gia đình ông Pờ Tư Lòng, bản A Pa Chải khi ấy thấy ông Khai làm ruộng lúa nước hiệu quả nên cũng làm theo. Cùng với sự giúp đỡ của ông Khai, đời sống của gia đình ông Lòng dần khấm khá hơn. Ông Lòng tâm sự: “Lúc đó, các loại giống lúa chưa có nhiều, chỉ nhà ông Sừng Sừng Khai mới có. Nhận thấy dân bản không có giống lúa, ông Khai đã chia sẻ với các hộ để nhân rộng diện tích trồng lúa nước trong bản. Sau vài năm, bà con đã làm lúa nước nhiều hơn. Khi ấy, dù chưa thể làm giàu từ trồng lúa nhưng đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định nguồn lương thực ở vùng biên giới cực Tây này”.

Ngoài chăn nuôi trâu, bò, ông Khai còn nuôi thêm nhiều lợn gà.

“Vua VAC” nơi cực Tây Tổ quốc

Từ những vạt đồi ở bản A Pa Chải, ông Sừng Sừng Khai đã nhân rộng đàn bò với gần 10 con phát triển thành trang trại với khoảng 130 con bò và trở thành “triệu phú chăn nuôi” nơi ngã ba biên giới. Thời điểm đầu những năm 2000, nghèo khó vẫn đeo đẳng cuộc sống của người Hà Nhì, trong khi điều kiện phát triển chăn nuôi lại rất thuận lợi mà chưa ai đầu tư chuồng trại, nuôi gia súc. Khi ấy, ông Khai đã rất muốn làm nhưng không có vốn. Cơ duyên đến khi Nhà nước có chủ trương cho người dân vay vốn làm kinh tế, ông Khai đã mạnh dạn vay ngân hàng 10 triệu đồng, đầu tư phát triển chăn nuôi trâu, bò.

Ông Khai nhớ lại: “Năm 2002, tôi được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 10 triệu đồng. Tôi đã mua 9 con bò giống và gom tất cả số trâu bò mình có từ trước tạo thành đàn gia súc 17 con. Thời gian đó, thảm cỏ nhiều, thức ăn trong tự nhiên dồi dào nên bò chỉ cần nuôi khoảng hơn 2 năm đã sinh sản rồi. Với lợi thế đó, không lâu sau, đàn trâu, bò của gia đình đã phát triển nhanh chóng lên gần 40 con. Lúc đó chưa ai biết chăn thả tập trung nên tôi đã tiên phong làm trước”.

Diện tích ao cá cũng cho gia đình ông thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Ban đầu, ông Khai chỉ rào các mảnh đồi lại thành một khu, chỗ nào trâu, bò hay đi thì chặt cây rào đường tạo thói quen. Vài năm sau, khi gia súc quen dần với kiểu nuôi “định hướng” đó, ông làm lán che cho trâu, bò vào trú; qua đó vừa kiểm soát số lượng đàn, tình hình phát triển của vật nuôi, vừa kịp thời nắm bắt tình hình dịch bệnh để chữa trị. Sau vài hôm, ông lại lùa trâu bò về chuồng, cho ăn muối, bổ sung khoáng chất cho đàn gia súc. Cùng với chủ động dự trữ rơm, cỏ vào mùa đông mà gia đình ông đã giúp đàn bò vượt qua thời tiết khắc nghiệt ở miền biên viễn này.

Trưởng bản A Pa Chải Lỳ Lỳ Sinh cho biết: “Trước đây, dù nhà nào cũng nuôi trâu, bò, nhưng bà con chỉ chăn thả tự do, không nuôi nhốt tập trung. Việc nuôi thả rông, không chỉ khó kiểm soát bệnh dịch mà còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng mùa màng, đường sá trong bản nữa. Lúc đó, ông Khai đã đi đầu để khoanh đàn gia súc lại thành một khu vực nuôi nhốt, tạo thành chuồng trại riêng; giúp đàn gia súc tránh được mưa, sương gió; góp phần hạn chế dịch bệnh rất nhiều. Từ đó, ông Khai đã nhanh chóng phát triển đàn trâu, bò lên đến hơn 100 con. Nhận thấy cách làm hay cũng như sức ảnh hưởng, sự sẻ chia, tuyên truyền, vận động của thủ lĩnh Sừng Sừng Khai, nhiều hộ chăn nuôi đã thay đổi tập quán canh tác từ chăn thả tự do sang nuôi nhốt tập trung; vì vậy mà đàn bò lúc nào cũng béo tốt. Ngoài phát triển đàn trâu, bò, gia đình ông Khai còn chăn nuôi thêm lợn, gà, đào 7 ao cá với tổng diện tích 8.000m2 và trồng 1,5ha cây sa nhân dưới tán rừng. Hàng năm, gia đình ông Khai thu nhập gần 200 triệu đồng và trở thành tấm gương sáng về phát triển kinh tế để dân bản làm theo…”.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top