Vấn đề kỳ này

Mang sản phẩm nông thôn ra thị trường

07:35 - Thứ Năm, 31/10/2024 Lượt xem: 2957 In bài viết

ĐBP - Ðiện Biên có tiềm năng phát triển các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn, thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống như: Lúa gạo, chè, cà phê, mắc ca; mật ong, miến dong, chí chọp; hàng thổ cẩm, thịt, cá sấy... Xác định lợi thế riêng có, ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang tích cực triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phục hồi các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để đưa các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh ra thị trường, tăng thu nhập cho nông dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mang các sản phẩm nông thôn ra thị trường trong và ngoài tỉnh một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất, tháng 2/2021, UBND tỉnh Ðiện Biên đã ban hành Quyết định phê duyệt Ðề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ðề án đặt mục tiêu đưa các sản phẩm OCOP trở thành kinh tế trọng tâm của tỉnh; phát triển sản xuất sản phẩm dịch vụ hàng hóa nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn; góp phần phát huy tiềm năng thế mạnh truyền thống của các địa phương, sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đạt các tiêu chuẩn quy định...

Với nhiều giải pháp đồng bộ đề ra, được chỉ đạo thống nhất từ trên xuống dưới, có sự vào cuộc nhiệt tình của cấp uỷ, chính quyền, các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã thu được những kết quả tích cực, rõ nét về chất lượng và bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Một số sản phẩm có vùng nguyên liệu được hỗ trợ chứng nhận VietGAP, chứng nhận hữu cơ, chủ thể đạt được các chứng nhận quản lý tiên tiến như chứng nhận HACCP, GMP FOOD... Hiện có 72 sản phẩm được chứng nhận OCOP cấp tỉnh; trong đó 5 sản phẩm OCOP 4 sao, 67 sản phẩm OCOP 3 sao.

Ðến nay, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh không chỉ phát triển mạnh tại địa phương mà còn vươn ra thị trường ngoài tỉnh như: Thịt trâu sấy Lò Duyên, thịt trâu gác bếp Chung Phước, bún gạo lứt đỏ, táo mèo khô sấy lạnh, miến dong Lộc Biên, Gạo nếp nương Tâm Thiện, gạo Séng cù Trường Hương Ðiện Biên; cà phê Hà Chung, bưởi da xanh Mường Ảng… Ðiều này đã khẳng định hướng đi đúng của tỉnh Ðiện Biên trong phát triển các sản phẩm OCOP.

Ðể người dân trong và ngoài nước biết nhiều hơn đến các sản phẩm OCOP, hàng thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm truyền thống, tỉnh Ðiện Biên đã quan tâm, chú trọng thực hiện việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với các hoạt động du lịch, thương mại, sự kiện văn hoá trong nước và quốc tế. Việc giới thiệu, quảng bá càng thiết thực, hiệu quả hơn khi tỉnh đăng cai Năm Du lịch quốc gia - Ðiện Biên và Lễ hội Hoa Ban năm 2024. Cùng với đó là chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, với hơn 160 sự kiện cấp quốc gia và cấp tỉnh, đã thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan, thưởng lãm, mua sắm hàng hoá và khám phá, tìm hiểu bản sắc các dân tộc Ðiện Biên.

Tại sự kiện “Không gian văn hóa vùng cao” trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia - Ðiện Biên và Lễ hội Hoa Ban năm 2024; Tuần Văn hóa - Du lịch Tây Bắc và TP. Hồ Chí Minh tại tỉnh Luông Pha Băng, nước CHDCND Lào; các sự kiện văn hoá, thương mại tại các tỉnh: Thanh Hoá, TP. Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội… bên cạnh những trải nghiệm, khám phá mới, thú vị về văn hóa các dân tộc tỉnh Ðiện Biên, du khách còn được thưởng thức những đặc sản của tỉnh thông qua các gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP địa phương như: Thịt trâu khô, cà phê, gạo, chè; hàng thủ công mỹ nghệ, mây tre đan; thổ cẩm truyền thống các dân tộc tỉnh Ðiện Biên.

Tuần lễ Văn hóa, Du lịch Ðiện Biên - Tây Bắc tại TP. Hồ Chí Minh diễn ra từ ngày 4 - 6/12/2023 tại Khu vực đường đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1, với chuỗi các hoạt động phong phú, chứa đựng bản sắc văn hóa dân tộc Tây Bắc và TP. Hồ Chí Minh. Trong những ngày diễn ra sự kiện, có đông đảo người dân các tỉnh miền Nam, khách nước ngoài đến tham quan, mua sắm hàng hoá, thưởng thức các sản vật địa phương, hàng OCOP đoàn Ðiện Biên mang vào trưng bày, giới thiệu. Do giao thông đường bộ xa xôi, cách trở, hàng hóa chủ yếu chở bằng máy bay nên chỉ được một lượng nhất định, đã không đủ phục vụ nhu cầu người dân phương Nam. Qua đây cho thấy, các mặt hàng của Ðiện Biên giới thiệu, quảng bá tại sự kiện rất “hút” khách, để lại ấn tượng tốt.

Việc dễ dàng tiếp cận, trải nghiệm và mua sắm những sản phẩm OCOP, hàng thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm truyền thống có chất lượng, uy tín ngay tại các điểm du lịch, sự kiện văn hoá, hội chợ thương mại… trong và ngoài nước như cách làm thời gian qua đã giúp du khách hiểu sâu sắc hơn về con người, bản sắc văn hoá, phong tục tập quán tỉnh Ðiện Biên. Ðây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương tiếp cận nhiều hơn với du khách; đồng thời mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh, kết nối giao thương với các đối tác trong và ngoài tỉnh.

Có thể khẳng định, việc đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP, làng nghề truyền thống gắn với du lịch là mô hình hiệu quả cần được nhân rộng và phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top