Có nên áp thuế giá trị gia tăng 5% với phân bón?

08:49 - Thứ Năm, 31/10/2024 Lượt xem: 2866 In bài viết

Ngày 29/10/2024 Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ tám (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), trong đó xem xét áp thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% cho phân bón.

Ảnh minh họa. 

Việc từ chỗ thuộc diện áp dụng thuế GTGT thuế suất 5% chuyển sang đối tượng không chịu thuế GTGT nghe qua tưởng như sẽ có lợi cho doanh nghiệp và nông dân, nhưng thực ra không hẳn.

Trước đây, sản xuất phân bón chịu thuế đầu vào chủ yếu là 10%, thuế đầu ra 5%, tuy nhiên thuế đầu vào được khấu trừ và thậm chí hoàn thuế nếu mức thuế này cao hơn thuế đầu ra.

Giờ đây, khi áp dụng quy định mới thì doanh nghiệp không được khấu trừ thuế đầu vào, mà phải hạch toán vào chi phí. Điều này khiến chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón có khả năng tăng lên đáng kể, kéo theo giá bán cuối cùng cho nông dân.

Về lý thuyết, việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng chịu 5% thuế GTGT sang đối tượng không chịu thuế GTGT có thể dẫn đến hai khả năng trái ngược nhau, đó là làm giảm giá bán và làm tăng giá bán tới người mua cuối cùng.

Bên cạnh đó, điều này phụ thuộc vào tỷ trọng chi phí đầu vào chịu thuế GTGT 10% trong cơ cấu giá bán sản phẩm (chưa có thuế GTGT).

Nếu tỷ trọng này thấp, ví dụ 10%, còn 90% còn lại của giá bán được cấu thành từ các khoản không chịu thuế GTGT như nguyên liệu là phân bón nhập khẩu (ví dụ phân ure, Kali, lân dùng để sản xuất phân NPK), tiền lương, khấu hao máy móc, lợi nhuận doanh nghiệp…, việc không phải chịu thuế GTGT với mức 5% trên giá bán sẽ làm giá bán giảm đi so với khi phải chịu 5% thuế GTGT đầu ra và được khấu trừ thuế GTGT đầu vào (vì thuế GTGT đầu vào không đáng kể).

Điều này xảy ra với những doanh nghiệp chuyên dùng nguyên liệu là các loại phân đơn nhập khẩu (không chịu thuế GTGT) để phối trộn một cách đơn giản và cho ra sản phẩm NPK mà người ta vẫn gọi là công nghệ “cuốc xẻng”.

Ngược lại, nếu tỷ trọng đó cao, từ 50% giá bán trở lên, mà đây lại là tình trạng phổ biến ở các doanh nghiệp sản xuất phân bón tại Việt Nam sử dụng nguyên liệu, vật tư, năng lượng, thiết bị... chịu thuế GTGT đầu vào 10%, phần thuế GTGT đầu vào lớn hơn khoản 5% thuế GTGT đầu ra, do đó việc miễn khoản 5% đầu ra nhưng không cho khấu trừ 10% đầu vào sẽ khiến giá thành tăng lên so với khi phân bón chịu thuế GTGT 5% (vì doanh nghiệp được hoàn một phần thuế GTGT do thuế đầu ra nhỏ hơn thuế đầu vào).

Đồng thời giá thành tăng mà giá bán giữ nguyên thì doanh nghiệp sẽ chịu thiệt, còn nếu muốn giữ nguyên lợi nhuận doanh nghiệp phải tăng giá bán và người chịu thiệt là nông dân. Nếu chia sẻ cả hai cùng chịu thiệt, mỗi bên một ít thì chỉ hàng nhập khẩu là được lợi.

Mặt khác, do chi phí tăng cao các nhà đầu tư sẽ ngần ngại khi đầu tư sản xuất phân bón trong nước, đặc biệt là các dự án có công nghệ cao do không được hoàn thuế GTGT cho nhà xưởng, thiết bị, nguyên liệu vật tư.

Điều này dẫn tới tình trạng ngành sản xuất phân bón trong nước mất động lực phát triển do sản phẩm trở nên kém cạnh tranh so với hàng nhập khẩu và có nguy cơ bị hàng nhập khẩu đánh bại ngay trên sân nhà.

Chính vì vậy nếu phân bón được chuyển từ diện không chịu thuế GTGT sang diện chịu thuế GTGT với thuế suất 5%, thì tình hình sẽ đảo ngược hoàn toàn.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top