Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

15:37 - Thứ Năm, 31/10/2024 Lượt xem: 1947 In bài viết

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau gần 15 năm triển khai đã nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn của mỗi người dân thông qua việc lựa chọn, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt. Ở tỉnh ta, Cuộc vận động được triển khai gắn với các hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.

Gian hàng trưng bày sản phẩm cà phê của huyện Mai Sơn tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam. Ảnh: PV

Đẩy mạnh tuyên truyền

Hằng năm, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh tuyên truyền Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường lãnh đạo, thực hiện Cuộc vận động động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Đồng thời, ban hành Kế hoạch số 10/KH-BCĐ ngày 10/4/2024 về thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với các hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La năm 2024.

Các huyện, thành phố, Ban Chỉ đạo, Ủy ban MTTQ Việt Nam đã xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai Cuộc vận động gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân, gắn với các hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La năm 2024. Phát huy hiệu quả các kênh thông tin, truyền thông từ tỉnh đến khu dân cư, mạng xã hội đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về Cuộc vận động bằng các nội dung, hình thức phù hợp...

Lãnh đạo tỉnh Sơn La tham quan khu trưng bày mận hậu Sơn La tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op.

Ông Tòng Việt Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mai Sơn, cho biết: Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền 12 Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân; phối hợp xây dựng các mô hình, tổ chức các sự kiện kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân... Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan liên quan vận động nhân dân giám sát, phát hiện việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhái nhãn mác; phối hợp đề nghị các cơ quan chức năng xử lý kịp thời, bảo vệ người tiêu dùng.

Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp còn đưa nội dung Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tuyên truyền vận động nhân dân tham gia các phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”, “Tuần hàng Việt Nam”; Hội nông dân và Hội Cựu Chiến binh tỉnh với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”; Tỉnh đoàn và Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp triển khai “Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn”... Các cơ quan báo chí, xây dựng phát sóng hơn 1.300 tin, bài, phóng sự tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, biên dịch và phát hành báo chí bằng tiếng Mông, tiếng Thái…

Kết nối tiêu thụ sản phẩm

Hỗ trợ sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh, các ngành chức năng, các địa phương phối hợp xây dựng, phát triển các vùng sản xuất tập trung, đưa công nghệ mới vào sản xuất, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, giá trị kinh tế cao.

Trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản tiêu biểu của huyện Yên Châu.

Đến nay, toàn tỉnh cấp 8 giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, nâng tổng số lên 288 chuỗi; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý bảo hộ 28 sản phẩm nông sản. Trong đó, 3 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý: Cà phê Sơn La, chè Shan tuyết Mộc Châu, quả xoài tròn của huyện Yên Châu, có 2 sản phẩm được bảo hộ tại nước ngoài: Sản phẩm chè Shan tuyết Mộc Châu.

Đồng thời, hỗ trợ về quản lý mã số vùng trồng xuất khẩu, xây dựng, cấp 10 mã số vùng trồng, nâng tổng số mã đang duy trì lên 216 mã, 205 mã số vùng trồng xuất khẩu, tổng diện tích 2.997,55 ha; 29 sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ. Trong đó, 3 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý như: Cà phê Sơn La, chè Shan tuyết Mộc Châu, xoài tròn Yên Châu...

Bà Lê Thị Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Sơn La, cho biết: Trung tâm phối hợp với các sở, ngành mời các doanh nghiệp, HTX tham gia Hội chợ xúc tiến quảng bá sản phẩm nông sản OCOP gắn kết quảng bá du lịch địa phương tại huyện Phúc Thọ; Hội chợ xúc tiến thương mại gắn kết du lịch, văn hóa địa phương tại các huyện Quốc Oai, huyện Thạch Thất, huyện Thanh Oai; Hội chợ xúc tiến quảng bá sản phẩm nông sản OCOP gắn kết quảng bá du lịch địa phương tại huyện Sóc Sơn; Chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (VietNam International Sourcing 2024).

Trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản tiêu biểu của huyện Yên Châu.

Điểm nổi bật, tỉnh đã tổ chức đưa quả Mận hậu Sơn La vào hệ thống phân phối của Sài Gòn Co.op trên toàn quốc; trưng bày gian hàng quảng bá, giới thiệu nông sản tỉnh Sơn La tại hệ thống phân phối của Sài Gòn Co.op tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hà Nội năm 2024...

Anh Hoàng Mạnh Cường, thị trấn Bắc Yên cho biết: Vừa qua, huyện tổ chức Hội chợ thương mại năm 2024, tôi đến xem và ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa được sản xuất trong nước. Giờ đây, không thể nói là mua ủng hộ, mà mua vì hàng Việt chất lượng, đẹp mắt và giá cả phù hợp.

Bằng nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đã góp phần nâng giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu toàn tỉnh 9 tháng qua đạt 137,6 triệu USD, tăng 7,65% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: Cà phê, chè, nhãn, sản phẩm từ sắn và các sản phẩm nông sản khác được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp...

Tạo thói quen sử dụng hàng Việt

Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các ngành chức năng còn bảo vệ người tiêu dùng, bằng cách tăng cường kiểm tra, xử lý, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thường xuyên theo dõi diễn biến giá cả thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung đối với các mặt hàng thiết yếu... Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý 1.264 vụ/1.293 đối tượng; trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 1.192 vụ, nộp ngân sách nhà nước trên 15 tỷ đồng.

Nhân dân huyện Bắc Yên lựa chọn, mua những mặt hàng bánh kẹo do Việt Nam sản xuất.

Ông Lê Đình Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cấp tỉnh, cho biết: Những tháng cuối năm, nhu cầu mua hàng hóa của nhân dân sẽ tăng cao, đẩy mạnh việc lựa chọn, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp tiếp tục tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, lồng ghép với quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản của Sơn La. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh thiết lập và nhân rộng mô hình điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; “Tinh hoa hàng Việt Nam”; các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản Sơn La tại các huyện, thành phố...

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại tỉnh Sơn La đã và đang tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp nhân dân, các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của mình đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, trong tỉnh. Từ đó, tạo thói quen ưu tiên trong mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt, coi việc sử dụng hàng Việt là thể hiện tinh thần yêu nước.

Bài, ảnh: Quỳnh Ngọc
Bình luận

Tin khác

Back To Top