Temu và sự xuất hiện thách thức mới

06:35 - Chủ Nhật, 03/11/2024 Lượt xem: 2613 In bài viết

Temu – nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) từ Trung Quốc đang gây sốt tại Việt Nam. Với ưu đãi khủng và giá cực thấp, Temu đã dễ dàng thu hút người tiêu dùng Việt dù nền tảng này chưa hề đăng ký chính thức tại Bộ Công thương. Sự xuất hiện của Temu mang lại lợi ích cho người tiêu dùng nhưng cũng đặt ra thách thức cho thị trường và cơ quan quản lý về thuế, bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng.

Ảnh minh hoạ (Ảnh: M.P) 

Khi “cơn bão” Temu xuất hiện

Từ cuối tháng 9/2024, Temu – sàn TMĐT xuyên biên giới thuộc PDD Holdings, tập đoàn hiện sở hữu trang thiên mại điện tử Pinduoduo (Trung Quốc) chính thức hiện diện trên thị trường TMĐT Việt Nam. Với các ưu đãi khủng và giá cực thấp, nền tảng TMĐT xuyên biên giới đến từ Trung Quốc này đang gây sốt tại Việt Nam.

Temu nổi bật với các sản phẩm giá siêu rẻ, từ đồ gia dụng, thời trang đến các phụ kiện công nghệ. Anh Hòa, một khách hàng tại Hà Nội chia sẻ rằng anh đã tải Temu sau khi thấy nhiều quảng cáo hấp dẫn trên Facebook. Hòa đã mua một số sản phẩm gia dụng giá rẻ như khăn lau, dây sạc, đồ chơi trẻ em, chỉ với vài chục nghìn đồng. Dù sản phẩm chỉ ở mức “hàng chợ”, anh vẫn hài lòng vì giá thấp và tiện lợi.

Không chỉ anh Hòa, hàng nghìn người tiêu dùng Việt khác cũng bị cuốn hút bởi giá thành của các sản phẩm, cùng những ưu đãi khuyến mãi cực sốc cho người dùng mới. Chính điều này đã biến Temu thành “cơn sốt” và thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.

Trước những thông tin nhiều chiều về sự xuất hiện này, Bộ Công thương đã giao Cục TMĐT và Kinh tế số yêu cầu tập đoàn hiện sở hữu trang TMĐT này thực hiện việc đăng ký hoạt động theo đúng quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam. Cơ quan này cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông “có giải pháp kỹ thuật chặn phù hợp” nếu Temu không thực hiện yêu cầu trên.

Tương tự, khi nhận được câu hỏi từ phóng viên báo chí bên lề Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV về vấn đề này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã trực tiếp yêu cầu Tổng cục Thuế thực hiện rà soát việc Temu đăng ký kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế của Việt Nam.

Thực tế, sự xuất hiện của “cơn bão” Temu tại Việt Nam với mô hình bán hàng trực tiếp từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng vào đầu tháng 10 đã kích hoạt hàng loạt cơ chế quản lý đối với mô hình kinh doanh này. Thậm chí, một loạt yêu cầu mới cũng đã xuất hiện, như nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa đăng ký; giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) của các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký...

Cũng trong tháng 10 vừa qua, phương án kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thông qua kênh TMĐT cũng như đánh giá tác động với thị trường trong nước khi hàng hóa nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua các nền tảng TMĐT xuyên biên giới được đặt ra. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các mặt hàng thuộc lĩnh vực Bộ Công thương quản lý cũng sẽ được xây dựng...

Việc khuyến cáo người tiêu dùng Việt Nam nên cẩn trọng khi mua hàng của các sàn TMĐT chưa có đăng ký tại Việt Nam để bảo vệ quyền lợi của mình cũng đã được các cơ quan quản lý đưa ra.

Theo quy định, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có hơn 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công thương. Song, theo thông tin từ Cục TMĐT và Kinh tế số, trước Temu, vẫn có nền tảng chưa tuân thủ quy định này như: Shein, 1688... với mô hình tương tự hoạt động ở Việt Nam.

Yêu cầu tự làm mới để thích ứng “làn sóng” TMĐT toàn cầu

Cuộc làm việc tại tổ ở tuần làm việc đầu tiên của các đại biểu trong kỳ họp Quốc hội này, vấn đề Temu xuất hiện đã được đưa ra với góc nhìn đa chiều chứ không đơn giản gói gọn về việc quản lý sàn TMĐT. Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cảnh báo, đây là một nguy cơ khi hàng hóa giá rẻ trên Temu này sẽ triệt tiêu nền sản xuất trong nước, khiến các hãng kinh doanh, cửa hàng nội địa phải đóng cửa. “Chắc chúng ta không thể cấm những hoạt động mua hàng xuyên biên giới này được, bởi chúng ta đang mở cửa thương mại; song phải có kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Theo số liệu tổng hợp, TMĐT ở Việt Nam đang có tốc độ tăng rất nhanh. Chín tháng năm 2024, doanh thu TMĐT đạt của cả nước đạt khoảng 28 tỷ USD, tăng 36% so cùng kỳ năm trước.

Vấn đề là hàng Việt Nam chiếm bao nhiêu trong con số chục tỷ USD này? Đây cũng là câu hỏi mà nhiều quốc gia trên thế giới đang đặt ra khi tìm cách ứng xử với Temu.

Với Temu, người tiêu dùng thay vì mua hàng hóa của một thương hiệu lớn trên thị trường thì có thể mua sản phẩm đó tại nhà sản xuất cho thương hiệu lớn, nhưng với chi phí thấp hơn nhiều... Từ đầu tháng 10, người tiêu dùng Việt Nam có thể tiếp cận các tệp hàng hóa này bằng cách vào các cửa hàng ứng dụng trên điện thoại để tải app và mua hàng, thanh toán trên nền tảng Temu với phiên bản tiếng Việt. Điều này đồng nghĩa, các doanh nghiệp của Việt Nam đang đối diện với áp lực cạnh tranh vô cùng lớn, và đang đẩy các doanh nghiệp Việt Nam vào thế vô cùng khó.

Đơn cử, với cùng một mặt hàng, doanh nghiệp Việt nhập khẩu về sẽ phải nộp thuế, ghi nhãn xuất xứ, nhưng nếu bán qua các sàn TMĐT xuyên biên giới như Temu hay Shein thì không. Đây là vấn đề lớn, đặt ra yêu cầu cho các cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp ứng phó ngay.

Và câu chuyện về Temu không chỉ dừng lại ở cạnh tranh giá cả mà còn mở ra những câu hỏi lớn về khía cạnh pháp lý và quản lý thuế. Theo quy định của Luật Quản lý thuế và Thông tư 80/2021/TT-BTC, các nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) phát sinh doanh thu tại Việt Nam đều phải kê khai và nộp thuế. Cổng Thông tin điện tử dành cho NCCNN đã được Tổng cục Thuế triển khai từ năm 2022 nhằm giám sát hoạt động TMĐT xuyên biên giới.

Ngày 30/10 vừa qua, theo thông tin từ Tổng cục Thuế, vào ngày 4/9/2024, Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd, đơn vị vận hành Temu tại Việt Nam, đã hoàn tất đăng ký thuế qua Cổng này và được cấp mã số thuế: 9000001289. Theo quy định, các NCCNN như Temu phải thực hiện kê khai và nộp thuế theo quý. Temu sẽ nộp tờ khai đầu tiên cho doanh thu phát sinh tại Việt Nam từ quý III/2024, với thời hạn kê khai là ngày 31/10/2024. Do dự kiến đến tháng 10/2024 Temu mới phát sinh doanh thu nộp thuế, nền tảng này sẽ kê khai doanh thu vào kỳ khai thuế quý IV/2024 và nộp thuế trước hạn 31/1/2025.

Để đảm bảo tuân thủ nghĩa vụ thuế của các NCCNN như Temu, Tổng cục Thuế cho biết sẽ giám sát chặt chẽ việc kê khai doanh thu nhằm tránh thất thu thuế. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng, đặc biệt là khi các nền tảng quốc tế có thể tận dụng quy định về “cơ sở thường trú” để tránh nghĩa vụ thuế. Thực tế, một số công ty như Amazon, Meta hay Google đã yêu cầu hoàn thuế do cho rằng họ “không có cơ sở thường trú” tại Việt Nam. Đây là một thách thức lớn cho hệ thống quản lý thuế trong việc xác định nghĩa vụ thuế của NCCNN không có hiện diện vật lý tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, nếu không có các biện pháp điều chỉnh, sự chênh lệch này sẽ khiến doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn trong cạnh tranh và làm suy yếu nền kinh tế nội địa. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, nguồn thu thuế và bảo vệ sản xuất nội địa, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện khung pháp lý và đưa ra những biện pháp quản lý hiệu quả. Từ việc giám sát thuế chặt chẽ hơn, tới việc yêu cầu các NCCNN tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng, rõ ràng sự xuất hiện của Temu và các nền tảng TMĐT xuyên biên giới khác đặt ra những yêu cầu cấp thiết cho các nhà quản lý Việt Nam. Không chỉ cần các biện pháp giám sát thuế và bảo vệ sản xuất trong nước, việc cải thiện hành lang pháp lý để bắt kịp tốc độ phát triển của TMĐT toàn cầu cũng là điều cần thiết.

Tổng cục Thuế cũng cho biết, hiện có khoảng 115 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử, với số thuế đóng góp vào ngân sách nhà nước đạt hơn 18 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ trong các giao dịch TMĐT tại Việt Nam. Còn nhiều NCCNN chưa kê khai và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước. Nếu đề xuất sửa đổi Luật Quản lý thuế được thông qua, cơ quan thuế sẽ có thêm công cụ pháp lý để yêu cầu các NCCNN nộp thuế dù không có hiện diện vật lý tại Việt Nam, giúp quản lý hiệu quả nguồn thu từ TMĐT.

Rõ ràng Temu và các nền tảng TMĐT xuyên biên giới khác đã mở ra một chương mới trong bức tranh TMĐT Việt Nam, vừa mang lại những lựa chọn mua sắm phong phú cho người tiêu dùng, vừa đặt ra các thách thức không nhỏ đối với thị trường trong nước và các cơ quan quản lý. Bởi mô hình Temu đang đặt các nhà sản xuất vào yêu cầu phải cơ cấu lại hoạt động để có mức giá hợp lý hơn, chất lượng cao hơn, các kênh phân phối, bán lẻ cũng buộc phải tìm kiếm mô hình mới phù hợp.

Sự phát triển của TMĐT xuyên biên giới, như trường hợp Temu, là tất yếu trong thời đại toàn cầu hóa. Khi đó, các doanh nghiệp nội địa đang bị đặt vào thế buộc phải thay đổi, sáng tạo, tìm kiếm mô hình hoạt động mới để cạnh tranh được trên thị trường thì một môi trường kinh doanh thông thoáng, một thế chế thúc đẩy sự phát triển sẽ là bệ đỡ rất quan trọng.

Và nhiều chuyên gia kinh tế chỉ rõ, thách thức thì hiện hữu nhưng cũng đem lại cơ hội thay đổi mạnh mẽ không chỉ với doanh nghiệp muốn lớn hơn, mạnh hơn mà còn với các nỗ lực của Chính phủ khi thực hiện cải cách thể chế, tháo gỡ các “điểm nghẽn” của nền kinh tế. Việc đảm bảo tính công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế, bảo vệ sản xuất nội địa, và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là những yếu tố then chốt để xây dựng một nền kinh tế số phát triển bền vững và lành mạnh. Chỉ khi đó, Việt Nam mới có thể đón nhận lợi ích từ làn sóng TMĐT toàn cầu, đồng thời duy trì sự ổn định cho thị trường nội địa và bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp trong nước.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top