Giúp sản phẩm từ thôn bản vươn ra thị trường

09:45 - Thứ Ba, 05/11/2024 Lượt xem: 2053 In bài viết

ĐBP - Để nông sản trở thành sản phẩm hàng hóa, vươn ra thị trường là việc làm không hề dễ đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. “Việc khó” này đang được tỉnh Điện Biên nỗ lực triển khai thông qua việc xây dựng, mở rộng các mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới.

Thành viên HTX mây tre đan Nà Tấu giới thiệu sản phẩm đến khách hàng.

“Cầu nối” HTX

Ông Quàng Văn Phích, bản Nà Tấu 1, xã Nà Tấu (TP. Ðiện Biên Phủ) có gần 50 năm kinh nghiệm trong nghề truyền thống mây tre đan. Với đôi bàn tay khéo léo, ông đã tạo ra những sản phẩm từ mây, tre vô cùng tinh xảo, thiết thực với đời sống, từ những chiếc rổ, rá đơn giản đến các bộ ghế, mâm cơm cầu kỳ.

Ông Phích chia sẻ: “Nghề đan mây tre đã gắn bó với tôi từ lúc nhỏ. Dù cuộc sống có nhiều đổi thay, nhưng nghề này vẫn được gia đình tôi gìn giữ. Trước đây, rất ít người biết đến nên chủ yếu tôi chỉ làm phục vụ nhu cầu của gia đình. Thế nhưng, từ khi thành lập HTX, nhiều cơ hội để quảng bá nên sản phẩm của tôi không chỉ được người dân trong tỉnh mà nhiều du khách thập phương biết đến, đặt mua”.

Hiện nay, các sản phẩm của gia đình ông Phích được bán với giá trung bình từ 10 nghìn - 400 nghìn đồng, tùy loại. Một số sản phẩm đặc biệt cao cấp như mâm cơm bằng mây, được bán với giá 1,5 triệu đồng. Với mức độ duy trì sản xuất đều đặn như gia đình ông Phích, bình quân thu nhập đạt khoảng hơn 3 triệu đồng/người/tháng.

Thành viên HTX mây tre đan Nà Tấu chuẩn bị nguyên liệu sản xuất ghế mây.

Ông Lò Văn Cương, Giám đốc HTX mây tre đan Nà Tấu cho biết: Hiện nay, HTX có 20 thành viên, cơ bản cuộc sống các gia đình thành viên đều được cải thiện đáng kể nhờ duy trì nghề truyền thống này. Tuy nhiên, thời gian gần đây trước những thay đổi của xã hội, nghề mây tre đan phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm và đặc biệt là sự thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ. Việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định bị hạn chế, đặc biệt nguồn vốn đầu tư hạn hẹp.

“Nhận thức được những hạn chế này, HTX đã chủ động tìm kiếm nhiều giải pháp. Trong đó có việc tham gia các hội chợ, triển lãm giúp sản phẩm mây tre đan Nà Tấu đến gần hơn với người tiêu dùng. Ðồng thời, tiếp tục tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã để đáp ứng nhu cầu thị trường” - ông Cương cho hay.

Tại huyện biên giới Nậm Pồ, HTX đang dần thu hút được sự quan tâm của người dân bởi những lợi ích và hiệu quả mà mô hình này mang lại. Ðược sự tư vấn, hỗ trợ của chính quyền địa phương, những người nông dân trước đây chỉ quen với lối sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, nay đã biết liên kết với nhau, đầu tư máy móc, thiết bị chế biến và tạo dựng chỗ đứng cho các sản phẩm từ thôn, bản. Ðặc biệt, nhờ hình thức liên kết cùng sản xuất thông qua mô hình HTX đã giúp nông dân vượt qua khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ.

Thành viên HTX Tinh dầu sả Vàng Đán thu hoạch nguyên liệu.

HTX Tinh dầu sả Vàng Ðán (xã Vàng Ðán) là một ví dụ. Năm 2018, một số hộ dân địa phương đã đưa cây sả về trồng và manh nha mô hình chưng cất tinh dầu để bán ra thị trường. Thấy được triển vọng, tháng 8/2022, chính quyền địa phương đã vận động, hướng dẫn bà con liên kết thành lập HTX, với 17 hộ tham gia. Ngay năm đầu tiên, HTX bán được khoảng 3.700 lít tinh dầu thành phẩm. Các năm sau, HTX duy trì sản xuất, với thu nhập bình quân mỗi hộ từ 50 - 100 triệu đồng/năm, tùy giá thị trường.

Ông Tráng A Chu, Giám đốc HTX Tinh dầu sả Vàng Ðán cho biết: “Từ khi liên kết thành lập HTX, chúng tôi đầu tư hệ thống lò chưng cất quy mô hơn, các khâu trong tổ chức quản lý sản xuất của các thành viên tốt hơn. Từ đó, giúp người dân giảm chi phí đầu vào, khắc phục các hạn chế và có đầu ra ổn định. Sau nhiều nỗ lực, đến nay HTX đã duy trì vùng nguyên liệu khoảng 10ha. Ðặc biệt, HTX kết nối được đầu ra ổn định với 2 cơ sở thu mua tại huyện Mường Nhé và tại Lào Cai, mức giá duy trì từ 350 - 400 nghìn đồng/kg nên bà con yên tâm sản xuất”.

Đến nay, HTX Tinh dầu sả Vàng Đán duy trì vùng nguyên liệu khoảng 10ha phục vụ sản xuất.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động HTX

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 320 HTX, trong đó trên 200 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với mức thu nhập bình quân đạt 56 triệu đồng/người/năm. Theo đánh giá từ cơ quan chức năng, những năm gần đây, hoạt động của HTX trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô, ở mỗi lĩnh vực đều có những thành tựu nhất định.

“Tại các vùng nông thôn, HTX có vai trò rất lớn trong việc giải quyết việc làm, tăng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên cho các địa phương. Các HTX cũng đã phát huy được hiệu quả hoạt động gắn với sản phẩm đặc trưng của địa phương. Ðồng thời thay đổi tư duy, cách làm của bà con, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường liên doanh, liên kết để mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên. Từ đó góp phần thay đổi đời sống của người dân tại nhiều xã, bản” - ông Phí Văn Dương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh nhận định.

Người dân xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay giới thiệu sản phẩm đặc sản địa phương tại sự kiện Khai mạc mùa nước nổi trên Sông Đà năm 2024.

Ðể các HTX vận hành hiệu quả, Liên minh HTX tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền để các thành viên HTX hiểu được lợi ích của kinh tế tập thể. Nhiều thành viên đã được tham quan mô hình HTX điển hình tiên tiến để học hỏi, nâng cao nhận thức, kinh nghiệm. Các HTX mới được thành lập được định hướng gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm; chú trọng phát triển tại địa bàn chưa có HTX, địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Ông Dương cũng cho biết, thời gian tới Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp xây dựng Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, triển khai Ðề án xây dựng HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị theo nghị quyết của Ban chấp hành Liên minh HTX Việt Nam; tư vấn, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác tiếp cận, áp dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Hiện nay, nhiều HTX của tỉnh đã ứng dụng chuyển đổi số hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh; chủ động liên kết với nông dân sản xuất và tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hà Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top