Rối ren thị trường cát xây dựng

Bài 2: Bất nhất giá công bố và giá thị trường

08:29 - Thứ Tư, 06/11/2024 Lượt xem: 3103 In bài viết

Bài 1: Người xây nhà gặp khó vì giá cát tăng cao

ĐBP - Trong khi người xây nhà và doanh nghiệp “than trời” vì giá cát tăng chóng mặt thì con số công bố từ ngành chức năng của tỉnh cơ bản vẫn giữ ở mức ổn định, thậm chí thấp hơn 1/2 giá thị trường.

Lãnh đạo Sở Xây dựng thăm dây chuyền sản xuất cát nghiền của Công ty Cổ phần Năng lượng số 6 - Nậm Nhé 2A,
tại điểm mỏ Tây Trang 7, xã Na Ư (huyện Điện Biên).

Giá thị trường gấp ba giá công bố

Để có góc nhìn khách quan hơn về giá cát trên thị trường, phóng viên đã có cuộc khảo sát tại một số cơ sở bán vật liệu xây dựng trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Theo đó, giá cát ở thời điểm hiện tại mà các cơ sở này đưa ra là không đồng nhất, dao động từ 500 - 600 nghìn đồng/mét khối cát tự nhiên.

Một chủ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng có địa chỉ tại tổ 4, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ cho rằng, do giá cát mua tại bãi tăng nên buộc cơ sở phải nâng giá cát bán ra. “Trước mua tại bãi chỉ từ 200 - 250 nghìn đồng/mét khối, hiện nay tôi đang phải mua với giá 400 nghìn đồng/mét khối. Cộng thêm các chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển thì buộc tôi phải bán ra thị trường là 550 - 600 nghìn đồng/mét khối (tùy địa điểm xa, gần), mới đảm bảo không bị lỗ” - chủ cơ sở cho biết.

Tương tự, anh Tòng Văn Thuận, xã Thanh An - một chủ xe tải chuyên vận chuyển cát bán lẻ cho các hộ dân có nhu cầu xây nhà, tính toán: Cát tôi mua tại bãi là 350 nghìn đồng/mét khối; xe chỉ chở tối đa được 5,7 tấn và không phải lúc nào khách cũng đặt đủ khối lượng như vậy. Một số hộ chỉ lấy một lần từ 1 - 2 tấn, trong khi quá trình vận chuyển ngoài tiền xăng dầu, còn rất nhiều chi phí phát sinh khác. Nhiều chuyến phải vận chuyển xa, có chuyến tới gần 90km. Do vậy, cát đến chân công trình tôi lấy giá 550 nghìn đồng/khối. Mức giá này chỉ vừa đủ chi phí xăng dầu, bến bãi, thậm chí nếu chuyến nào xe có vấn đề là lỗ.

Một bãi tập kết cát tại khu vực C4, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên).

Để ổn định thị trường và làm cơ sở ký hợp đồng, thanh quyết toán ở các công trình sử dụng vốn Nhà nước, định kỳ hàng tháng, quý, Sở Xây dựng đều có khảo sát, công bố giá vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, thông tin công bố giá vật liệu xây dựng đều thấp hơn nhiều lần so với thực tế thị trường. Gần đây nhất, theo công bố giá vật liệu xây dựng tháng 10/2024, thì giá cát tự nhiên dao động 200 đến trên 300 nghìn đồng/mét khối (chưa bao gồm thuế); cao nhất là cát trát tự nhiên do Công ty TNHH Dũng Minh Điện Biên công bố là 304.735 đồng/mét khối. Các mức giá này áp dụng tại địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên.

So sánh với số liệu công bố trước đó cho thấy, giá cát nhìn chung chỉ tăng nhẹ (vài chục nghìn đồng/mét khối) so với dịp đầu năm. Thậm chí, theo báo giá của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ngọc Dũng thì giá cát vẫn được duy trì ổn định là 200.000 đồng/mét khối từ đầu năm đến nay. Tức là chỉ hơn 1/3 giá thực tế trên thị trường hiện nay. 

Vì sao người mua chịu giá cao?

Hiện nay, thị trường cát trên địa bàn tỉnh có 2 loại chính là cát tự nhiên và cát nghiền. Tuy nhiên, việc tăng giá trên thị trường thời gian qua chỉ ghi nhận ở cát tự nhiên, giá cát nghiền vẫn giữ ổn định từ 160 - 280 nghìn đồng/mét khối. Lý giải điều này, đa phần cơ cở bán vật liệu xây dựng cho rằng nguyên nhân do thời gian qua tỉnh siết chặt công tác quản lý khai thác khoáng sản. Những mỏ không đảm bảo điều kiện đều phải dừng khai thác. Số mỏ được phép khai thác thu hẹp, trong khi trên địa bàn lại triển khai đồng loạt nhiều công trình, hạng mục xây dựng đã dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung.

Việc thắt chặt quản lý hoạt động khai thác cát khiến nhiều cơ sở khai thác “chui” phải đóng cửa.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá cát tăng.

Còn theo bà Phạm Thị Thúy, Trưởng phòng Kinh tế - Xây dựng tổng hợp, Sở Xây dựng, giá công bố của Sở dựa trên tài liệu, thông tin, giá các mỏ cung cấp, hóa đơn các địa phương gửi về. Tuy nhiên, mỗi mỏ cát gửi giá đều khác nhau, Sở dựa trên thông tin từ các huyện gửi về làm độ tin cậy để công bố. Do vậy, khó tránh khỏi tình trạng giá công bố thấp hơn, nhưng cũng có thời điểm cao hơn so với giá thị trường và chênh lệch không đáng kể.

Trả lời việc người xây nhà đang phải mua cát với mức giá cao hơn, thậm chí gấp đôi so với giá công bố, bà Thúy cho rằng: Thời gian qua đơn vị chưa nhận được đơn thư phản ánh nào của người dân, doanh nghiệp về tình trạng tăng giá cát. Từ tháng 4 - 8/2024, lực lượng kiểm tra liên ngành của Sở phối hợp cùng các đơn vị liên quan đã liên tiếp tổ chức các đợt kiểm tra, thanh tra trên địa bàn các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ về việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về xây dựng, trong đó có giá cát. Tuy nhiên qua kiểm tra không phát hiện sai phạm về giá.

Phân tích nguyên nhân sâu xa, bà Thúy lý giải: Cát cũng giống như nhiều mặt hàng khác trên thị trường, có sản phẩm được cấp phép, có sản phẩm sản xuất “chui”. Khi người dân mua cát từ những cơ sở “chui” thì rất khó quản lý việc người bán có tuân thủ theo giá cơ quan chức năng công bố hay không. Ngoài ra, giá công bố là giá bán tại bãi, chưa tính thuế, tiền vận chuyển và các chi phí phát sinh. Đây là những chi phí chịu tác động và dễ dàng lên xuống theo giá thị trường nên dẫn đến tình trạng giá cát đến tay người dùng không đồng nhất. 

Cát nghiền được xác định là sự lựa chọn phù hợp để thay thế cát tự nhiên trong bối cảnh hiện nay.

Để đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng, đại diện ngành Xây dựng khuyến cáo nên có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng khi lựa chọn đơn vị để mua cát xây dựng. Ngoài ra, theo dự báo của Sở Xây dựng, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, trong đó có cát xây dựng chiếm tỷ trọng lớn. Cụ thể, giai đoạn 2023 - 2025 là trên 1 triệu mét khối, đến năm 2030 là trên 2 triệu mét khối. Trong khi đó, trữ lượng và nguồn cung ứng cát tự nhiên đang dần hạn hẹp; còn nguyên liệu sản xuất cát nghiền lại rất dồi dào, giá thành thấp và ổn định. Do vậy, việc lựa chọn vật liệu thay thế là cát nghiền được xem là giải pháp phù hợp cả về giá cũng như xu hướng phát triển.

Hà Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top