Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/11 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2024 tăng 0,33% so với tháng trước.
Bình quân 10 tháng năm 2024, CPI tăng 3,78% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục Thống kê đánh giá nguyên nhân chủ yếu khiến CPI đi lên là do giá lương thực, thực phẩm tiếp tục tăng bởi ảnh hưởng bởi mưa bão, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới và giá nhà ở thuê tăng.
Trong tháng này, 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Trong đó, Chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 10/2024 tăng 0,66%, tập trung chủ yếu ở một số mặt hàng sau: Giá nhóm rau tươi, khô và chế biến tăng 3% do nhu cầu tiêu dùng trong tháng tăng trong khi một số loại rau, củ, quả đã cuối vụ và thời tiết mưa, bão, ngập lụt tại nhiều địa phương ảnh hưởng đến nguồn cung. Giá thịt lợn tăng 0,25%, tính đến ngày 28/10/2024, giá thịt lợn hơi dao động từ 59.000-63.000 đồng/kg. Giá thịt gia cầm tăng 0,2%, trong đó giá thịt gà tăng 0,31%; thịt gia cầm khác tăng 0,02%.
CPI đi lên là do giá lương thực, thực phẩm tiếp tục tăng bởi ảnh hưởng của mưa bão.
Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tăng 2,69% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,78%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Chỉ số giá vàng tháng 10/2024 tăng 5,96% so với tháng trước; tăng 29,97% so với tháng 12/2023; tăng 38,88% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 10 tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 27,48%.
Chỉ số giá USD tháng 10/2024 tăng 0,7% so với tháng trước; tăng 2,41% so với tháng 12/2023; tăng 1,89% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 10 tháng năm 2024 tăng 5,1%.