Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam” lần thứ II - năm 2024

Khó vạn lần dân liệu cũng xong

08:47 - Thứ Năm, 07/11/2024 Lượt xem: 2921 In bài viết

ĐBP - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Lời căn dặn của Người đã trở thành bài học quý giúp huyện Tuần Giáo phát huy sức mạnh toàn dân trong triển khai các chương trình, dự án xây dựng nông thôn mới (NTM), đảm bảo quốc phòng - an ninh. Sự chung sức, đồng lòng của nhân dân đã góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, mang lại diện mạo mới trên vùng đất cách mạng Tuần Giáo.

Bài 1: Dân làm gốc

Ngoài sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương thì sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân được xem là yếu tố then chốt trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn huyện Tuần Giáo. Để người người thi đua, nhà nhà tham gia các phong trào, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong nhân dân. Mỗi người dân thực sự đã trở thành chủ thể thúc đẩy các phong trào về xây dựng NTM nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh nói chung.

Cấp ủy, chính quyền xã Quài Tở (huyện Tuần Giáo) tuyên truyền, vận động người dân bản Hới Trong hiến đất làm thao trường huấn luyện.

“Mưa dầm thấm lâu”

Những ngày cuối năm 2024, chúng tôi có dịp trở lại bản Khá, xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo). Con đường nối từ bản Phung đến bản Khá dù chỉ dài khoảng 1,5km nhưng trước đây, con đường này là nỗi ám ảnh của người dân địa phương bởi cảnh “nắng bụi, mưa lầy”. Sau nhiều cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân, giờ đây con đường liên bản đã được bê tông hóa khang trang, sạch sẽ. Thành quả đó là công sức tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất làm đường của cán bộ, đảng viên tại địa phương. Trong thời buổi “tấc đất tấc vàng”, không phải ai cũng dễ dàng đồng thuận trao “tấc vàng” để làm đường hay xây dựng các công trình công cộng. Vì lẽ đó, việc vận động người dân hiến đất luôn gặp khó khăn.

Nhớ lại những ngày tháng xuống cơ sở vận động bà con hiến đất làm đường, ông Lò Văn Tương, Phó Chủ tịch UBND xã Quài Cang tâm sự: “Khi đó, tuần nào chúng tôi cũng đến các bản vài lần để thuyết phục người dân. Ban ngày, mọi người đi làm nương, làm ruộng không có nhà thì buổi tối chúng tôi đến làm công tác dân vận. Ngoài ra, chúng tôi còn giao nhiệm vụ cho mỗi hội viên phụ nữ, nông dân, đoàn viên thanh niên… thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, kiên trì vận động, bà con đã hiểu được lợi ích thiết thực từ việc làm đường và ý nghĩa của công cuộc xây dựng NTM và nhất trí hiến đất mở đường giao thông”.

Không chỉ hiến đất mở đường mà người dân bản Hới Trong, xã Quài Tở (huyện Tuần Giáo) còn sẵn dàng hiến hàng nghìn mét vuông đất để làm thao trường huấn luyện. Lúc đầu, nhiều gia đình chưa đồng thuận hiến đất, đòi hỏi bồi thường, cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tranh thủ sự giúp sức, đồng lòng từ những người già, uy tín, cán bộ bản để vận động từng hộ dân có đất liền kề hiến đất phục vụ mục đích quốc phòng - an ninh.

 Nhờ làm tốt công tác dân vận, nhiều hộ dân bản Phung (xã Quài Cang) đã tự nguyện hiến đất làm đường nông thôn mới.

Trung tá Trần Văn Khẩn, Chính trị viên Ban CHQS huyện Tuần Giáo chia sẻ: Ban CHQS đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể đến từng gia đình có đất canh tác ở khu vực thao trường để vận động, thuyết phục người dân hiến đất. Trong quá trình tuyên truyền, cấp ủy, chính quyền địa phương kết hợp với Ban CHQS huyện giải thích cặn kẽ cho bà con về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc làm thao trường với mong muốn nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Vẫn là “mưa dầm, thấm lâu”, dần dần bà con dân bản đã hiểu rõ chủ trương và đồng thuận hiến đất làm thao trường. Khi chủ trương đã đúng, lòng dân đã thuận, nhiều người dân xung phong hiến đất. Đến nay, bản Hới Trong đã có gần 20 gia đình đồng ý hiến 7.200m2 đất để làm đường và trên 15.400m2 làm thao trường huấn luyện”.

Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng

Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền từ huyện, xã đến thôn bản luôn coi trọng ý kiến người dân, tuân thủ nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Từ đó nhân dân mới tin tưởng chung tay, chung sức phấn đấu, thi đua xây dựng NTM. 

Nhiều địa bàn tại huyện Tuần Giáo đã vận động người dân hiến hàng nghìn mét vuông đất và đóng góp ngày công xây dựng kết cấu hạ tầng. Hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả song khi chính quyền địa phương có chủ trương mở đường qua diện tích đất của gia đình, anh Lò Văn Soan ở bản Khá (xã Quài Cang) đã tự nguyện hiến 400m2 đất vườn để làm đường, ngoài ra còn hiến 1.000m2 đất xây dựng nhà văn hóa bản.

Để người dân trên địa bàn đồng thuận với chủ trương làm đường giao thông nông thôn, cán bộ xã Mường Khong luôn lắng nghe, tháo gỡ khó khăn.

Anh Soan chia sẻ: “Việc hiến đất để mở đường, xây dựng các công trình phục vụ bà con, địa phương, gia đình tôi luôn nhất trí. Thế nhưng, làm việc gì, triển khai như thế nào đều phải bàn bạc với chúng tôi và vướng ở đâu thì giải quyết thỏa đáng ở đó; như vậy mới đảm bảo tính công khai, minh bạch. Không chỉ bám sát dân, tuyên truyền, vận động, mà còn phải bàn bạc thống nhất triển khai và tổ chức thực hiện; qua đó lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của người dân nữa. Khi đã làm được những điều đó rồi thì chúng tôi càng thêm tin tưởng vào cấp ủy, chính quyền và sẵn sàng góp đất, góp công để xây dựng NTM…”.

Việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần nâng cao vai trò của người dân. Khi ý kiến của dân được các cấp chính quyền lắng nghe, giải quyết dứt điểm đã khơi dậy và phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân; quyết định sự thành công của chương trình, dự án trên địa bàn huyện Tuần Giáo.

Bài 2: Đảng viên gương mẫu, tiên phong

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top