Nhân rộng mô hình liên kết sản xuất vụ đông

14:12 - Thứ Năm, 07/11/2024 Lượt xem: 3065 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, vụ đông ngày càng khẳng định vai trò là vụ sản xuất chủ lực trong năm. Nông nghiệp Điện Biên đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và nông dân xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Nhiều mô hình sản xuất cây trồng vụ đông được người dân tích cực triển khai, mang lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Lãnh đạo huyện Điện Biên thăm mô hình liên kết sản xuất cây trồng vụ đông tại xã Noong Luống.

Một trong những lĩnh vực thành công nhất trên địa bàn tỉnh Điện Biên thời gian qua là việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Các doanh nghiệp cam kết thu mua sản phẩm với giá ổn định, đồng thời cung cấp giống, kỹ thuật canh tác và vật tư cho nông dân. Mô hình này không chỉ giúp người dân giảm thiểu rủi ro đầu ra mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm.

Điển hình là mô hình sản xuất khoai tây của nông dân xã Sa Lông, xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà) liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phú Mỹ Xanh. Mô hình cung cấp khoai tây chất lượng cao, tiêu thụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Doanh nghiệp hỗ trợ nông dân giống, phân bón, kỹ thuật canh tác và thu hoạch. Sản phẩm khoai tây sau khi thu hoạch được chế biến thành các sản phẩm như: khoai tây chiên, khoai tây lát sấy, tạo giá trị gia tăng và giúp người dân tiêu thụ sản phẩm nhanh chóng.

Anh Mùa A Vừ, bản Hồ Chim 2, xã Ma Thì Hồ cho biết: Vụ đông năm 2023, gia đình tôi đã góp 5.000m2 đất ruộng tham gia mô hình liên kết sản xuất khoai tây với Hợp tác xã Phú Mỹ Xanh. Tôi được đơn vị liên kết hỗ trợ cây giống, phân vi sinh và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Củ khoai tây được đơn vị liên kết, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Chà kết nối doanh nghiệp thu mua. Vụ đông năm nay gia đình tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng khoai tây.

Những năm gần đây, người dân xã Thanh An, huyện Điện Biên chú trọng sản xuất cây vụ đông.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất vụ đông đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình, vụ đông năm 2023 toàn tỉnh triển khai gần 10 mô hình sản xuất cây vụ đông hiệu quả cao như: liên kết sản xuất quả bí xanh và đỗ leo giữa Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Noong Luống và nông dân xã Noong Luống (huyện Điện Biên) triển khai trên diện tích 23ha đạt năng suất 45 tấn/ha; mô hình liên kết sản xuất ngô nếp trên đất lúa đạt quy mô 25ha.

Các mô hình liên kết không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân mà còn thúc đẩy doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển bền vững. Đơn cử như Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Noong Luống, từ năm 2021 bắt đầu triển khai mô hình liên kết sản xuất cây vụ đông, chủ yếu rau màu, đỗ leo, cà chua. Đến nay, hợp tác xã đang liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với 34 hộ dân, diện tích 3,4ha. Hợp tác xã còn thực hiện tốt việc bao tiêu, tiêu thụ nông sản cho nông dân, đảm bảo sản phẩm của người dân không rơi vào cảnh “được mùa mất giá”. Đồng thời, hợp tác xã cung ứng giống, phân bón, vật tư đảm bảo chất lượng, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân trên địa bàn. Thực hiện liên kết, hợp tác xã đã duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng lợi nhuận cho các thành viên.

Mô hình liên kết sản xuất vụ đông hiệu quả ngày càng được nhân rộng tại các địa phương. Riêng vụ đông 2023, toàn tỉnh đã triển khai dự án liên kết tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả của 4 hợp tác xã và doanh nghiệp với quy mô 217,29ha (chiếm 10,63% tổng diện tích vụ đông); sản lượng 3.880,36 tấn (chiếm 12,14% tổng sản lượng). Tiêu biểu là các mô hình: Liên kết trồng, tiêu thụ sản phẩm khoai tây của Công ty Cổ phần du lịch Hoa Anh Đào Tây Trang Điện Biên và Hợp tác xã Phú Mỹ Xanh Điện Biên tại 9 xã trên địa bàn huyện Mường Nhé với quy mô 113,8ha (chiếm 5,37% diện tích vụ đông năm 2023); sản lượng đạt 1.907,05 tấn (chiếm 5,97% tổng sản lượng cây vụ đông). Hay mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả của Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Noong Luống quy mô 23ha; sản lượng 635 tấn (chiếm 1,99% tổng sản lượng).

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và tiếp cận thị trường tiêu thụ ổn định, nông dân có thể tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao thu nhập. Mô hình liên kết giúp nông dân không phải lo lắng đầu ra sản phẩm nhờ sự cam kết của doanh nghiệp hoặc hợp tác xã. Việc liên kết giữa các tổ chức, doanh nghiệp và nông dân còn giúp xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững, giảm thiểu tình trạng cung ứng manh mún, phân tán. Nhờ đó, những năm gần đây giá trị sản xuất cây trồng vụ đông trên địa bàn tỉnh tăng cao. Vụ đông năm 2023 toàn tỉnh gieo trồng 2.044,58ha cây trồng các loại (tăng 437,1ha so với vụ đông 2022); tổng sản lượng đạt 31.966,03 tấn (tăng 6.982,18 tấn).

Người dân xã Noong Luống liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Noong Luống sản xuất vụ đông 2024.

Vụ đông năm 2024, toàn tỉnh dự kiến gieo trồng gần 1.850ha cây trồng các loại, với tổng sản lượng dự ước hơn 27.500 tấn. Trong đó, cây ngô lấy hạt hơn 317,6ha sản lượng ước đạt 1.263 tấn; khoai lang diện tích 135ha, sản lượng ước đạt 1.755 tấn; rau, đậu các loại diện tích 1.327ha, sản lượng 27.541 tấn…

Hạn chế hiện nay là nhiều nông dân vẫn chưa thực sự quan tâm đến sản xuất cây vụ đông. Việc mở rộng diện tích trồng cây vụ đông gặp khó khăn do thiếu nước tưới, hệ thống kênh mương nội đồng nhiều địa bàn chưa được kiên cố hóa, diện tích sản xuất manh mún; giá vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) cao; giá nông sản, thị trường chưa ổn định, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh.

Bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để khuyến khích phát triển cây trồng vụ đông, ngành Nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ. Tỉnh đã áp dụng một số chính sách để hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất cây vụ đông, như: Chính sách khuyến nông địa phương sử dụng nguồn kinh phí khuyến nông của tỉnh Điện Biên; Quyết định số 11/2024/QĐ-UBND ngày 24/4/2024 của UBND tỉnh Điện Biên về quy định định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng trong thực hiện các hoạt động khuyến nông, chương trình, dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận
Back To Top