ĐBP - Dứa là cây trồng chủ lực ở xã Mường Nhà, huyện Điện Biên. Người dân ở xã biên giới Mường Nhà đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ ngô, sắn, lúa nương sang trồng dứa mật. Nhờ hợp thổ nhưỡng, dứa mật dần trở thành cây trồng chủ lực giúp bà con thoát nghèo.
Dứa được trồng tại Mường Nhà là giống dứa mật có xuất xứ từ Lào, quả to, ngọt và mọng nước, được người dân, thương lái ưa chuộng. Những năm gần đây, nhờ đầu ra ổn định, các sản phẩm từ quả dứa, mầm dứa, lá dứa… đều có thể tận dụng, các thương lái thu mua tận nơi nên diện tích dứa Mường Nhà cũng phát triển nhanh chóng.
Ông Lò Văn Biển, Chủ tịch UBND xã Mường Nhà cho biết: Trồng dứa được xác định là hướng phát triển kinh tế bền vững của xã. Trong năm qua, cán bộ chuyên môn UBND xã đã phối hợp với các già làng, trưởng bản trên địa bàn tuyên truyền, phổ biến tới đông đảo bà con về phát triển dứa trên đất dốc; phối hợp với HTX Dứa Mường Nhà tìm đầu ra, bao tiêu sản phẩm ổn định. Đến thời điểm hiện tại, từ diện tích trồng dứa manh mún nhỏ lẻ ban đầu nay toàn xã Mường Nhà có hơn 100ha trồng dứa, tạo vùng sản xuất, mang lại nguồn lợi kinh tế cho người dân. Những tháng cuối năm, khi dứa chín đã thu hái xong là khoảng thời gian người dân khai hoang, mở rộng diện tích dứa.
Bản Pu Lau được coi là vựa dứa lớn nhất xã Mường Nhà bởi thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp phát triển dứa. Ông Vàng A Ly, người dân bản Pu Lau chia sẻ: Gia đình có 2ha dứa, trong đó 1,5ha đã cho thu hoạch với doanh thu gần 600 triệu đồng/vụ. Thông thường các nương dứa có chu kỳ sinh trưởng khoảng 2 năm là cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 4 năm. Từ cuối tháng 9 đến hết tháng 11 hằng năm, nhà nhà, người người trong bản tấp nập cải tạo, trồng mới nương dứa của gia đình. Hiện tại các nương dứa của gia đình tôi vẫn cho thu hoạch ổn định, không cần trồng lại mà chỉ chuyển diện tích trồng sắn kém hiệu quả sang trồng mới 7.000m2 dứa.
Tương tự gia đình ông Ly, ông Vàng A Tếnh - một trong những hộ có diện tích dứa lớn ở bản Pu Lau cho biết: Gia đình tôi có 1,5ha dứa, trong đó 5.000m2 đã cho thu hái 4 năm. Để đảm bảo chất lượng dứa, diện tích dứa cũ sẽ được trồng lại và mở rộng trồng mới khoảng 3.000m2 dứa.
Chỉ tính riêng bản Pu Lau, khoảng 2 tháng qua đã mở rộng gần 30ha nương trồng dứa mới, phá nương dứa cũ trồng lại hơn 10ha, nâng tổng diện tích dứa bản Pu Lau lên hơn 100ha.
Ông Thào A Giàng, cán bộ khuyến nông xã Mường Nhà, Giám đốc HTX Dứa Mường Nhà cho biết: Dứa mật được xã Mường Nhà xác định là cây trồng chủ lực phát triển kinh tế vùng đất dốc, thay thế những cây trồng kém hiệu quả. Ngoài việc truyền thông tới đông đảo người dân về khoa học kỹ thuật, hiệu quả kinh tế của dứa, HTX còn đi đầu trong việc mở rộng diện tích dứa mới. Trung bình mỗi năm HTX sẽ mở rộng khoảng 4ha, khu vực phát triển dứa chủ yếu tập trung tại bản Pu Lau.
Thời điểm hiện tại, theo số liệu ước tính toàn xã Mường Nhà, diện tích dứa trồng mới, trồng lại khoảng 50ha, trong đó mở rộng 40ha, trồng lại 10ha, nâng tổng diện tích dứa toàn xã lên hơn 140ha.
Theo định hướng và nghị quyết của cấp ủy, chính quyền xã Mường Nhà về phát triển mô hình sản xuất dứa và tiêu thụ sản phẩm dứa giai đoạn 2021 - 2026, xã sẽ mở rộng diện tích dứa đạt 150ha. Đồng thời áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng, sản lượng, đặc biệt là mục tiêu sản xuất 100% theo hướng hữu cơ, đưa sản phẩm dứa mật Mường Nhà thành sản phẩm OCOP tiêu biểu.