Nà Mường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

20:52 - Thứ Hai, 18/11/2024 Lượt xem: 522 In bài viết

Đến xã Nà Mường, huyện Mộc Châu, chúng tôi ấn tượng với những vườn bưởi, cam trĩu quả, diện tích trồng rau màu tươi tốt. Đây là thành quả của người nông dân trong đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đem lại giá trị, tăng thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Nông dân bản Đoàn Kết, xã Nà Mường, huyện Mộc Châu trồng cà chua trong nhà lưới.

Dẫn chúng tôi đi thăm các mô hình kinh tế trên địa bàn, anh Đỗ Bình An, Phó Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, lựa chọn cây giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và trình độ sản xuất của người dân để phát triển kinh tế.

Nà Mường đã lựa chọn và xây dựng các mô hình các loại cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, như mô hình trồng xoài Đài Loan tại bản Suối Khua; bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi da xanh, trồng chuối tiêu hồng tại bản Thống Nhất, gắn với triển khai ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, làm nhà lưới bảo vệ cây trồng; mở rộng các mô hình nuôi gà Đông tảo, gà thả vườn, trang trại lợn thịt... Đồng thời, hỗ trợ thành lập 2 HTX nông nghiệp  và 5 tổ hợp tác tại bản Tân Ca, Kè Tèo, Nà Mường, Thống Nhất, Sỳ Lỳ.

Nông dân tiểu khu 3, xã Nà Mường, huyện Mộc Châu thu hoạch cam.

Các đoàn thể xã đã nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trên 17 tỷ đồng cho nông dân vay đầu tư phát triển sản xuất. Nhờ vậy, các hộ đã đổi mới tư duy, phát triển đa dạng các loại cây trồng, xây dựng mô hình kinh tế trang trại, gia trại, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đến nay, xã có hơn 460 ha cây ăn quả các loại, tập trung chủ yếu ở bản Tân Ca, tiểu Khu 3, Đoàn Kết, Nà Mường, Thống Nhất...  Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, thu nhập từ 500-800 triệu đồng/năm.

Gia đình anh Phạm Ngọc Chiến, tiểu khu 3, là một trong những hộ tiêu biểu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã. Anh Chiến chia sẻ: Gia đình tôi đã vay hơn 200 triệu đồng từ Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Nông trường Mộc Châu để chuyển đổi trồng cây ăn quả. Đồng thời, áp dụng các biện pháp kỹ thuật và chăm sóc theo hướng hữu cơ, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, nhờ đó cây sinh trưởng và phát triển tốt. Đến nay, gia đình tôi có trên 2 ha cam đường canh, bưởi da xanh, cam Vinh, na, nhãn, sản lượng 60 tấn/năm, thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm.

Còn gia đình anh Mùi Văn Hợp, bản Đoàn Kết là một trong những hộ tiên phong đầu tư trồng cây cà chua trong nhà lưới. Anh Hợp cho biết: Gia đình tôi đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để chuyển đổi 600 m2 trồng lúa 1 vụ sang trồng cà chua trong nhà lưới. Dự kiến năm nay sẽ cho thu hơn 2 tấn quả, với giá bán 20.000 đồng/kg, thu nhập hơn 400 triệu đồng.

Không chỉ phát triển cây ăn quả, rau màu, nhiều hộ dân ở xã Nà Mường cũng mạnh dạn đầu tư đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Điển hình là gia đình anh Lê Thế Bùi, bản tiểu khu 3, một trong những nông dân làm kinh tế giỏi từ nuôi lợn. Anh Bùi nói: Trước đây, gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, từ khi xây dựng trang trại khép kín, hầm biogas để xử lý chất thải, lắp đặt hệ thống cho ăn, uống tự động, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Hiện nay, trang trại đang có 30 con lợn thương phẩm; 7 con lợn nái. Mỗi năm, xuất bán khoảng 15 tấn lợn thịt và 60 con lợn giống, thu nhập khoảng 500 triệu đồng.

Nông dân xã Nà Mường, huyện Mộc Châu nuôi bò nhốt chuồng.

Với những định hướng đúng đắn, giải pháp tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng thu nhập bình quân của xã lên trên 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5%; nhân dân từng bước vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp.

Huy Thành
Bình luận

Tin khác

Back To Top