Nghịch lý giá trâu, bò… từ chuồng ra chợ

16:50 - Thứ Tư, 20/11/2024 Lượt xem: 600 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, giá bán trâu, bò tại chuồng giảm tới 45 - 50%, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong khi giá trâu, bò hơi giảm mạnh khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng thì giá thịt thương phẩm ở các chợ vẫn ở mức cao. Nghịch lý này gây thiệt thòi cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Trung bình mỗi ngày lò mổ của gia đình anh Nguyễn Văn Ấn giết mổ từ 2 - 3 con trâu bò cung cấp cho tiểu thương.

Theo ghi nhận của phóng viên, trước tháng 11/2021, giá bò hơi đang ở mức 110.000 - 120.000 đồng/kg nhưng từ cuối năm 2021, giá bò hơi đã giảm xuống 90.000 đồng rồi 80.000 đồng và đến thời điểm hiện tại chỉ còn 60.000 - 70.000 đồng/kg. Giá bò hơi hiện đang “chạm đáy”, thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Vậy nhưng, khi giá trâu, bò hơi tại chuồng giảm thì tại các chợ dân sinh, chợ truyền thống giá thịt trâu, bò vẫn không hề giảm. Thịt bò thương phẩm vẫn "neo" ở mức cao, dao động từ 180.000 - 250.000 đồng/kg tùy từng loại thịt; giá thịt trâu duy trì từ 170.000 - 230.000 đồng/kg; giá thịt bê từ 160.000 - 230.000 đồng/kg. Các loại thực phẩm chế biến từ thịt bò, bê như: Giò bò, giò bê, xúc xích… gần như giữ nguyên mức giá, dao động từ 220.000 - 250.000 đồng/kg; 700.000 đồng/kg thịt khô…

Chị Nguyễn Thị Hoa, tổ dân phố 6, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ chia sẻ: "Báo, đài đưa tin giá trâu, bò giảm mạnh, xuống thấp nhất trong vòng nhiều năm qua nhưng thường ngày, tôi đi chợ mua thịt trâu, bò, bê thì thấy giá không giảm. Thịt bắp có giá 250.000 đồng/kg; thịt thăn 230.000 - 240.000 đồng/kg. Mức giá này vẫn khá cao trong khi giá trâu, bò hơi thì giảm đến non nửa”.

Theo những người chuyên mua trâu, bò, thông thường, sau khi người chăn nuôi bán bò cho thương lái, bò sẽ được chuyển đến lò mổ. Sau khi xẻ thịt, chủ lò mổ bán thịt cho tiểu thương trước khi đến tay người tiêu dùng. Chuỗi giá trị từ người chăn nuôi đến tay người tiêu dùng qua nhiều khâu trung gian; mỗi khâu đều kiếm lời, nên giá thịt bò thương phẩm vẫn ở mức cao.

Giá thịt trâu, bò thương phẩm tại các chợ vẫn ở mức cao.

Lò mổ trâu, bò của gia đình anh Nguyễn Văn Ấn, tổ 7, phường Nam Thanh, TP.  Điện Biên Phủ trung bình mỗi ngày mổ từ 2 - 3 con trâu, bò. Theo anh Ấn, thời điểm trâu, bò hơi có giá từ 110.000 - 120.000 đồng/kg thì thịt mảnh sẽ được bán buôn cho tiểu thương dao động từ 190.000 - 200.000 đồng/kg. Hiện tại, gia đình anh đang mua trâu bò hơi với giá trung bình từ 60.000 - 65.000 đồng/kg nên giá bán thịt mảnh cho tiểu thương có giảm nhưng tùy từng loại, dao động từ 160.000 - 175.000 đồng/kg thịt, riêng thịt được lọc sạch sẽ có giá cao hơn một chút.

Lý giải giá thịt trâu, bò có giảm nhưng vẫn ở mức cao, anh Nguyễn Văn Ấn cho biết: Vì lò mổ vẫn phải chịu nhiều chi phí từ nhân công, chi phí giết mổ, tiền điện, tiền nước. Bên cạnh đó, một số loại thịt giảm sâu như: Thịt sườn giảm từ 170.000 đồng/kg xuống còn 110.000 đồng/kg; da trâu, bò giảm từ 40.000 đồng/kg xuống còn 7.000 đồng/kg do đó giá các loại thịt khác như thịt đùi, thịt mông chỉ giảm chút ít để bù trừ cho nhau. Trong khi đó, tiểu thương ở chợ chủ yếu nhập thịt đùi, thịt mông để bán.  

Để tìm hiểu rõ hơn giá trâu, bò từ lò mổ đến chợ, chúng tôi tiếp tục mục sở thị tại một số chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh. Dù không nói rõ giá mua thực tế tại lò mổ nhưng hầu hết tiểu thương chuyên bán thịt trâu, bò tại chợ đều khẳng định giá lấy thịt trâu, bò tại các lò mổ có giảm so với trước nhưng vẫn ở mức cao. Vì vậy giá bán đến tay người tiêu dùng dù có có giảm nhưng không đáng kể. Đơn cử như thịt bắp hoa là loại thịt được nhiều người và nhà hàng đặt mua, nhưng mỗi con trâu, bò có rất ít loại thịt này nên giá bán vẫn giữ nguyên mức 250.000 đồng/kg. Thời gian tới, nhất là cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu tiêu thụ thịt trâu, bò tăng cao, theo các tiểu thương giá thịt trâu, bò theo đó sẽ tăng.  

Tại chợ Trung tâm 1, TP. Điện Biên Phủ thịt trâu, bò sấy khô đang được bán với giá 700.000 đồng/kg.

Giá trâu, bò xuất hơi giảm, nuôi và bán đều lỗ, trong khi giá thịt thành phẩm vẫn  cao, nhiều hộ chăn nuôi đã tính đến phương án làm đơn xin được giết mổ gia súc để bán lẻ thịt tại chợ. Như trường hợp của anh Trịnh Văn Khỏe, xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ đã phải chuyển từ hình thức chăn nuôi trâu bò vỗ béo sang giết mổ trâu, bò bán cho tiểu thương và bán lẻ tại chợ để thu hồi vốn.  

Nghịch lý về giá thịt trâu bò kéo dài đến bao giờ? Đây vẫn là câu hỏi đang chờ lời giải. Thực tế cho thấy, thời gian qua, ngoài một số mặt hàng kinh doanh có điều kiện chịu sự quản lý, giám sát về giá của Nhà nước thì phần lớn các mặt hàng liên quan đến thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống vẫn do các tiểu thương tự định giá. Đặc biệt, việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các chợ truyền thống gần như vẫn bỏ ngỏ, đây cũng chính là một thách thức trong công tác kiểm soát giá.

Trên địa bàn tỉnh, hầu hết từ hệ thống chăn nuôi đến các lò mổ đều quy mô nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết, dẫn đến kiểu làm ăn manh mún, không theo quy luật thị trường. Giá thịt trâu, bò biến động thế nào do thị trường quyết định. Thiết nghĩ, đã đến lúc ngành Nông nghiệp, ngành Công Thương cùng các cơ quan chức năng phải phối hợp, vào cuộc để có giải pháp điều tiết giá cả sao cho phù hợp; tổ chức lại thị trường, đặc biệt là kênh phân phối, lưu thông đối với thịt trâu, bò nhằm khắc phục tình trạng loạn giá, góp phần đưa chăn nuôi phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top